Nếu bạn tự đặt nhiệm vụ phải nghĩ ra ý tưởng mới trong một thời hạn nào đó (như kiểu lên kế hoạch) thì gần như bạn không thể làm được. Thế nhưng, ý tưởng mới luôn ở đâu đó quanh bạn, đôi khi chỉ cần nhìn qua cửa sổ hay chăm chú quan sát hoạt động của công ty mình, hay đơn giản hơn bạn chỉ cần nhìn lại bản thân và gạt bỏ đi những tư tưởng cũ kỹ, là cơ hội đã có thể nằm trong tay bạn rồi.
Hãy làm những việc người khác từ chối
Khi các nhà sáng lập công ty Home Depot, Arthur Blanc và Berny Marcus, làm việc trong hệ thống cửa hàng Handy Dan Improvement Centers chuyên kinh doanh dụng cụ gia đình, họ đã nhiều lần đề nghị ban lãnh đạo tiến hành cải tổ hoạt động, tạo ra dịch vụ cao cấp và thực hiện chính sách giá thấp. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo bỏ ngoài tai ý kiến đó, họ không tin rằng những khách hàng chỉ mua một cuộn giấy dán tường sẽ cần đến loại dịch vụ dành riêng nào đó.
Những ý tưởng bị bỏ qua đó cuối cùng đã được Blanc và Marcus thực hiện năm 1979 ở ba cửa hàng do chính họ thành lập và điều hành. Việc bám sát hai nguyên tắc chủ đạo đã biến Home Depot trở thành “đại gia” trong lĩnh vực bán lẻ, thậm chí người ta còn đặt cho nó cái tên “Wal-Mart cầm búa”. Nếu những người lãnh đạo ở Handy Dan Improvement Centers không quá bảo thủ như vậy thì có thể họ đã thành công với ý tưởng của Blanc và Marcus.
Trong một cuốn sách của mình, Seth Godin nhận xét đại ý rằng, hầu như mỗi công ty đều có một kho ý tưởng, vấn đề là lãnh đạo không tin những “chuyện vớ vẩn” này lại đáng được quan tâm. Nếu bạn không phải là lãnh đạo, có lẽ bạn cũng nên thử thu gom những ý tưởng vương vãi kia. Với hành trang đó, không ít những người quản lý ở các công ty lớn đã ra đi để sau đó trở thành người đứng đầu trong những lĩnh vực nhỏ hơn nhưng làm việc năng động hơn và thú vị hơn nhiều.
Giữa mơ ước và khả năng không có sự thoả hiệp
Người tiêu dùng muốn mua món hàng tốt hơn và rẻ hơn, còn nhà sản xuất lại muốn bán được hàng chất lượng vừa phải với giá cao hơn một chút (!), cho nên chúng ta có thể coi hoạt động mua bán chính là sự thoả hiệp giữa hai mong muốn đối lập nhau. Nhà tư vấn George Stock thuộc The Boston Consulting Group viết trong cuốn sách “Trò chơi nghiệt ngã” rằng, để tìm được hướng kinh doanh mới, bạn chỉ cần phá vỡ sự thoả hiệp đã ăn sâu từ trước.
Scott Muthew, một doanh nhân ở Whisconsin, đã phá vỡ được sự thoả hiệp giữa tốc độ và giá thành. Người đưa pizza từ lâu đã trở thành nhân vật chính của hàng loạt những câu châm chọc, người luôn bị chủ nhà đuổi ra khỏi cửa mà không thèm trả tiền chỉ vì anh ta mang đến những cái pizza nguội ngắt. Muthew quyết định chấm dứt tình trạng này bằng việc thành lập công ty mang tên SuperFastPizza vào tháng 3 năm nay. Ông trang bị cho xe bán hàng tủ lạnh, lò vi sóng và lắp đặt cả Internet không dây. Nhờ đó, người lái xe có thể nhận đặt hàng qua Internet, cho pizza vào lò nướng và tối đa sau 15 phút, khách hàng đã nhận được pizza theo yêu cầu- chỉ mất nửa thời gian so với cách đặt hàng thông thường.
Sự thoả hiệp trở nên khó thực hiện hơn ở những nơi mà sự xuất hiện của công nghệ hay hình thức kinh doanh mới có thể làm thay đổi giá cả và chất lượng sản phẩm, trong khi nhà sản xuất và người tiêu dùng vẫn giữ nguyên lối tư duy cũ. Các nhà sáng lập công ty Basic, Đức, đã thay đổi nếp nghĩ đó trong mảng thị trường kinh doanh thực phẩm sạch, khi từ năm 1988, Basic áp dụng hình thức giảm giá đối với mặt hàng này. Người tiêu dùng vẫn quen nghĩ rằng thực phẩm sạch có giá cao hơn trung bình đến 50%, nhưng nhờ việc tiết kiệm chi phí và tăng lượng hàng bán ở các siêu thị, giá thực phẩm sạch do Basic bán ra vẫn giữ được mức giá tương đương những thực phẩm khác.
Cố ý tạo ra sự phản cảm
Bạn có biết nhà tạo mẫu Nhật Bản đã chiếm lĩnh thị trường thời trang
Những sản phẩm gây khó chịu có thể không chỉ tạo ra sự giật gân nhất thời để gây chú ý, mà còn trở thành nền móng của công việc kinh doanh. Để nghĩ ra sản phẩm này chỉ cần thay đổi những đặc tính “không thể thay đổi” của sản phẩm, theo quan điểm của nhiều người. Nhà xuất bản Azbuka cũng làm như vậy.
Ai nấy đều quen nhìn những bộ sách văn học cổ điển phải là những quyển sách bìa cứng, dày cộp, đầy chữ và được in trên giấy tốt có thể để hàng chục năm trên kệ không hỏng. Azbuka cho xuất bản sách của các tác giả đáng kính thế kỷ XX dưới dạng sách bỏ túi với bìa mềm và giấy mỏng, được viết dưới dạng rút gọn. Ban đầu, độc giả không chấp nhận, nhưng rồi bộ những bộ sách đó lại trở thành dự án thành công nhất của Azbuka trong suốt 10 năm qua.
Cái mới là cái cũ đã bị lãng quên
Đa số các công ty cố gắng thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng bằng cách đưa vào những yếu tố mới, hiện đại, còn nhà xuất bản Redkaya Kniga lại bị công nghệ cổ chinh phục.
Mối quan tâm của khách hàng đối với những sản phẩm được làm theo công thức cổ xưa ngày càng tăng, ví dụ tơ lụa dệt thủ công hay nhạc cụ làm theo cách dân gian luôn làm khách hàng thích thú. Giám đốc nhà xuất bản không hề tính đến điều đó trong chương trình khảo sát thị trường của mình, nhưng khi nhìn thấy cuốn album của người bạn được làm theo lối in bản thạch (lithograph) với bìa bọc da, ông nghĩ ngay rằng sách quý hiếm không chỉ dành cho việc sưu tập, mà còn có thể xuất bản.
Ông bắt đầu tìm kiếm, thu thập máy in cổ. Trong 14 năm, nhà xuất bản này chỉ cho ra 22 đầu sách. Họ còn in 10 điều răn của Moise lên sứ, trên mỗi tấm là một điều răn bằng tiếng Ivrit kèm theo bản dịch ra 7 thứ tiếng. Một cách xuất bản khác nữa là khắc chữ trên đồ gốm mô phỏng theo lối viết cổ và được thực hiện y như “công nghệ” của người xưa.
Mỗi ấn phẩm chỉ có nhiều nhất là 25 bản với giá mỗi bản từ 900- 25000 USD. Họ không đăng quảng cáo ở bất cứ đâu, thế nhưng nhà xuất bản này không lo thiếu người mua.
Hãy dừng lại và ngắm nhìn chung quanh
Lance Freid ngồi trong nhà ngắm vườn nho của gia đình trải dài dọc theo bờ sông. Đúng lúc đó, trong đầu ông chợt loé lên ý nghĩ tạo ra máy nghe nhạc mp3 cho phép mang đi bất cứ đâu, kể cả xuống nước hay đi trượt tuyết. Ý tưởng kinh doanh của công ty Freestyle Audio đã ra đời như vậy.
Điều quan trọng là có thể nghĩ ra ý tưởng mà không cần phải tìm kiếm ở đâu xa, chỉ cần ngồi xuống và chăm chú quan sát quanh mình. Năm 1991, Ben Fishman và Douge Karp, trong lúc đợi đến giờ lên lớp ở Trường tổng hợp Boston, chợt nhận ra rằng các bạn cùng khoá đội những chiếc mũ bóng chày rất đẹp. Sau khi tìm mãi không ra chỗ để mua chiếc mũ đội cho đúng mốt, hai sinh viên này nảy ra ý định mở cửa hàng thời trang dành cho bạn trẻ chuyên bán đủ loại, đủ kiểu mũ “sành điệu” nhất. Họ đặt tên chuỗi cửa hàng này là Lids.
Kết luận
Nhà triết học cổ Platon cho rằng, ý tưởng tồn tại không phụ thuộc vào con người và trong một thời điểm nào đó, ý tưởng cao siêu mới “chiếu cố” đến con người, tuy nhiên Jeffrey Fox, trong cuốn sách “Kiếm khoản tiền lớn từ công việc kinh doanh nhỏ”, đã chỉ ra rằng, những ý tưởng thú vị luôn ở đâu đó quanh ta, vấn đề ở chỗ, làm thế nào để nắm bắt được những ý tưởng cần thiết vào đúng thời điểm cần thiết.
Để lại một bình luận