Tư cách một ông chủ chân chính là phải biết đào tạo ra những người làm thuê chân chính.
Kinh doanh là một mặt trận và đã là mặt trận thì rất cần ý thức kỷ luật. Điều đầu tiên mà lãnh đạo Cty cần phải học là duy trì tính kỷ luật, để đào tạo cho đất nước một đội ngũ những người biết làm thuê.
Tội chết của Mã Tốc là để mất Nhai Đình. Trên bản đồ thời Tam Quốc, Nhai Đình rất nhỏ, hai phía là núi, ở giữa là thung lũng và một con đường độc đạo. Nhưng đây là cái cuống họng của Hán Trung (căn cứ địa chiến lược của Lưu Bị, bao gồm cả Thành Đô hiện nay). Vì tất cả lương thực chuyển về Hán Trung đều phải đi qua đường này. Cả Tư Mã Ý cũng biết rất rõ điều đó. Đô đốc Tư Mã Ý nói rằng: “Nếu chiếm được Nhai Đình thì thắt cổ được Lưu Bị và Khổng Minh. Quân Thục không cần đánh cũng tan rã. Vì thế, Tư Mã Ý đã điều 20 vạn quân, giao cho đại tướng Trương Cáp chỉ huy, tiến về phía Nhai Đình. Được tin này, Khổng Minh giật mình, vì Nhai Đình là vị trí cực kỳ quan trọng đối với Hán Trung. Ông gọi các tướng lại nói rằng: “Nhai Đình tuy nhỏ nhưng vô cùng quan trọng. Nếu để mất vị trí này thì đại quân của ta coi như vứt đi hết. Tư Mã Ý kéo quân về phía Nhai Đình không phải là chuyện bình thường. Các tướng ai có thể đi giữ Nhai Đình cho ta?”
Mã Tốc xin đi. Khổng Minh nói: “Ngươi không phải là đối thủ của Trung Cáp đâu”. “Tôi đã thuộc lòng binh thư từ thuở bé, từng theo thừa tướng đánh Đông dẹp Bắc, chẳng nhẽ không giữ nổi một xứ Nhai Đình ư” – Mã Tốc đáp. Khổng Minh nghiêm mặt: “Việc quân không thể nói đùa”. Mã Tốc khảng khái: “Nếu để mất Nhai Đình cả nhà tôi sẽ chịu tội”. “Vậy thì nhà ngươi phải viết quân trạng”. Nghe lệnh, Mã Tốc lấy giấy bút viết ngay. Khổng Minh giao cho Mã Tốc 25 vạn tinh binh để đi giữ Nhai Đình. Thấy vẫn chưa yên tâm, Khổng Minh còn cử Vương Bình đi giúp đỡ và dặn rằng: “Hai người bàn nhau mà hành động, đừng để nhỡ việc lớn của ta. Hạ trại đóng quân xong, phải vẽ bản đồ đủ bốn hướng tám mặt gửi ngay về cho ta”. Hai tướng lĩnh mệnh kéo quân đi. Khổng Minh vẫn chưa yên tâm, ông còn gọi đại tướng Ngụy Diên đến giao cho 10 vạn quân và dặn: “Mé trái Nhai Đình có một khu đất rộng rãi cao ráo, ngươi đem 10 vạn quân đến đó đóng trại, hễ Nhai Đình có khó khăn gì thì ngươi phải đi ứng cứu ngay”.
Nguỵ Diên ngạc nhiên hỏi: “Là đại tướng tại sao tôi không được đem quân đánh giặc mà lại giao cho tôi đi vào chỗ nhàn hạ như thế?”. Khổng Minh tủm tỉm: “Đi đánh dẹp là việc của tướng nhỏ, còn ngươi là đại tướng, cần phải giữ vị trí chiến lược, gánh vác những việc lớn lao.
Nguỵ Diên vui vẻ dẫn quân đi. Mã Tốc kéo quân đến Nhai Đình. Vương Bình nói: “Ở đây có một ngã tư đường. Chúng ta đóng quân đắp luỹ ở đây thì cho dù Tư Mã Ý có 50 vạn quân cũng không làm gì được”. Mã Tốc chỉ tay lên ngọn núi bên phải và nói: “Quân ta sẽ đóng trại trên núi kia”. Vương Bình nói: “Nếu tham quân cứ định đóng quân trên núi thì chia cho tôi một nửa số quân để tôi chốt giữ ngã tư Nhai Đình”. Mã Tốc gằn giọng: “Nếu ngươi cứ khăng khăng như thế thì ta cho ngươi 5.000 quân, muốn làm gì thì làm, nhưng sau này đừng tranh công với ta đấy nhé”.
Tư Mã Ý nghe tin Khổng Minh đưa 25 vạn quân đi giữ Nhai Đình thì cả sợ, thầm nghĩ rằng: “Gia Cát Lượng thật là thần”. Nhưng khi biết tướng giữ Nhai Đình là Mã Tốc thì Tư Mã Ý cả cười, nói với các tướng rằng: “Mã Tốc tầm thường lắm, ấy là trời cho ta thắng trận này rồi. Ta không cần đánh, chỉ cho quân bao vây chặn đường lấy nước thì chỉ hai ngày là quân Thục chết khát mà tan hết”. Và Tư Mã Ý đã làm đúng như vậy. 25 vạn quân của Mã Tốc ở trên núi, khát cháy cổ, không còn sức để chiến đấu nữa. Mã Tốc hò hét xua quân đánh xuống nhưng không ai đủ sức để nhúc nhích. Thế trận của quân Thục rối loạn và không đánh mà tan.
Ở Hán Trung, khi nhận được bản đồ bố trí trận địa do Vương Bình gửi về, Khổng Minh tái mặt nói: “Mã Tốc khinh địch. Đóng quân như thế này thì chết đến nơi rồi”. Ông liền sai Triệu Tử Long dẫn đại quân đi ứng cứu Mã Tốc nhưng không kịp nữa. Nhai Đình đã về tay Tư Mã Ý rồi.
Mã Tốc tơi tả về đến đại bản doanh của Khổng Minh, tự trói mình, lết bằng hai đầu gối đến trước Gia Cát Lượng để nhận tội. Khổng Minh lập tức cho lôi ra chém. Có nhiều người chạy ra can rằng: “Chém tướng lúc này không có lợi. Xin thừa tướng tha chết cho Mã Tốc để hắn còn có dịp lập công chuộc tội”. Khổng Minh nghiêm sắc mặt: “Xưa Tôn Tẫn còn chém cả thiếp yêu của vua, nhờ thế mà giữ được sự nghiêm minh quân lệnh. Hắn làm hỏng việc lớn sao không chém. Quân lệnh không nghiêm thì không đánh nhau được”.
Một lúc sau, đầu Mã Tốc được đem vào. Khổng Minh nhìn cái đầu một thuộc hạ từng hầu hạ mình nhiều năm mà không cầm nổi lòng mình, khóc nức nở.
Tội của Mã Tốc thật đáng chết. Khổng Minh cho chém Mã Tốc cũng rất đúng. Nhưng, điều đáng suy nghĩ là tình nghĩa giữa Khổng Minh với Mã Tốc như cha với con. Cái nghiêm của Khổng Minh là ở chỗ đó, cái sáng của Khổng Minh cũng là ở chỗ đó.
Hàn Phi nói rằng: “Thưởng không quên người ở xa. Phạt không nể người ở gần”. Cái bại của rất nhiều DN là không làm đúng điều đó. Có thưởng thì cứ nhằm người thân của mình mà thưởng trước. Khi phạt thì trừ con em mình ra, hoặc chỉ giơ cao đánh khẽ. Thương trường như chiến trường, không có kỷ luật thì không thắng lợi.
Mới đây, ông Tổng Giám đốc Photunaroten đã xử phạt nhiều nhân viên rất nghiêm khắc chỉ vì một con chuột chết. Có một con chuột chết nằm trên cầu thang. Buổi sáng, hàng mấy chục người trong Cty đến khách sạn đều bước qua xác con chuột đó mà không ai chịu cúi xuống nhặt lên để cho vào thùng rác. Cuối cùng một ông khách người Pháp đã gọi điện thoại cho Tổng Giám đốc khách sạn. Ông Tổng Giám đốc xem lại Camera và phạt rất nặng tất cả những người đã bước qua xác con chuột đó. Tổng cộng số tiền phạt lên tới 22.000.000 đồng. Nhân viên ở đây gọi sự kiện này là đám ma chuột.
Ông Tổng Giám đốc đó đã làm một việc rất đúng đắn. Tư cách một ông chủ chân chính là phải biết đào tạo ra những người làm thuê chân chính. Dân mình học mãi câu làm chủ tập thể nên nhiều khi cứ tưởng mình cũng là ông chủ và không xem kỷ luật cơ quan là gì, ý thức trách nhiệm rất kém, chỉ muốn lĩnh lương mà không lo đến uy tín và thương hiệu của Cty. Những người như thế hoặc là phải xử phạt thật nặng để họ nhớ, hoặc là loại ngay ra khỏi Cty. Kinh doanh là một mặt trận và đã là mặt trận thì rất cần ý thức kỷ luật. Điều đầu tiên mà lãnh đạo Cty cần phải học là duy trì tính kỷ luật, để đào tạo cho đất nước một đội ngũ những người biết làm thuê.
Nếu Khổng Minh mà nể tình cha con, bao che cho Mã Tốc thì quân Thục không có sức mạnh và Khổng Minh cũng không phải là Khổng Minh nữa.
Để lại một bình luận