Xót xa tiệc mặn ở chùa

Xót xa tiệc mặn ở chùa
0 Shares

>PHẬT GIÁO THƯỜNG THỨC

Bài liên quan

Hỏi đáp Phật pháp: Con người mắc tội gì khi nói dối?

Hỏi đáp Phật pháp: Quan niệm của Phật giáo về hành động tự tử, tự sát

Hỏi đáp Phật giáo về hiến tạng và chuẩn bị cho cái chết

Hỏi đáp Phật giáo: Tại sao đời sống lại đau khổ?

Hỏi: Chùa quê tôi ở Chương Mỹ, Hà Nội vừa rồi mới xây dựng xong cổng tam quan rất hoành tráng. Tôi không biết chủ trương của xã hay của thầy trụ trì mà tiệc khánh thành làm hơn 100 mâm cỗ mặn thết đãi bà con cùng du khách thập phương. Làm lễ xong, Phật tử và quan khách ăn uống rượu thịt linh đình trong chùa. Xin hỏi việc làm cỗ mặn, ăn uống bia rượu trong chùa như vậy có đúng với đạo lý nhà Phật không? Tôi có đưa ra quan điểm của mình là phải tổ chức tiệc chay, không uống bia rượu nhưng không ai nghe lời tôi cả (kể cả cha mẹ và bà con) vì họ cho rằng đó là phong tục có từ ngàn xưa.

Tôi mong quý Báo có cách nào giúp đỡ để bà con quê hương tôi bỏ cái phong tục ấy (ngày Tết, rằm, giỗ, có lễ lạt gì thì cũng cúng mặn và liên hoan tiệc mặn trong chùa). Tôi nói ra điều này chỉ vì muốn xây dựng nét văn hóa ở chùa là phải yên lạc, chay tịnh (không sát sinh, cá thịt, bia rượu), được như thế bà con dân làng mới được phúc.

(NGỌC THẠCH, khoctham_boy05@yahoo.com)

Đáp: Bạn Ngọc Thạch thân mến!

Hiện các chùa trên toàn quốc nói chung, trong các dịp lễ lạt đều tổ chức tiệc chay, làm cỗ chay, tuyệt không có bia rượu. Tuy nhiên, qua phản ánh của bạn đọc, cho biết còn một số rất ít nơi vẫn tổ chức tiệc mặn, ăn uống bia rượu vào các dịp lễ.

Xem thêm  Sẽ thế nào nếu con người chuyển sang ăn chay?

Sở dĩ có hiện tượng này là vì những ngôi chùa ấy có đặc điểm riêng, tuy có trụ trì nhưng danh nghĩa là chính, còn về thực chất thì chùa do Ban Quản lý (các tổ chức đoàn thể địa phương bầu lên) xây dựng, quản trị, điều hành. Những chùa này vị trụ trì dường như không có thực quyền, Ban Quản trị quyết định mọi Phật sự lớn nhỏ, trụ trì chỉ như ông từ trông coi hương hỏa mà thôi. Hoặc cũng có những chùa vị trụ trì có toàn quyền quyết định các Phật sự đúng như chức năng mà Giáo hội đã giao phó nhưng vì thuận theo tục lệ làng xã vẫn không tổ chức tiệc chay.

Trước hết cần xác định việc làm cỗ mặn và đãi đằng ăn uống bia rượu trong chùa như vậy là chưa đúng với đạo lý “yên lạc và chay tịnh” của nhà Phật. Nên các lễ lạt ở chùa thiết nghĩ không nên mời đãi bia rượu, chỉ thuần tịnh trà nước mà thôi. Chưa nói đến việc Phật tử thì không bia rượu, chỉ xét riêng các tệ nạn phát xuất từ bia rượu hiện nay đã quá nhiều, vì thế nhà chùa tiếp tay thêm cho bia rượu tung hoành nữa thì thật phản cảm và không nên.

Đối với vấn đề tiệc mặn trong chùa, hiện nay Phật giáo Việt Nam có hệ phái Nam tông (Kinh và Khmer) không chủ trương ăn chay nên chùa cũng không làm tiệc chay. Còn các hệ phái Phật giáo khác như Bắc tông, Khất sĩ đều chủ trương ăn chay, dĩ nhiên sẽ làm cỗ và tiệc chay trong chùa. Trừ một số rất ít chùa vẫn duy trì tổ chức tiệc mặn theo phong tục lâu đời của làng xã như đã nói.

Xem thêm  Chuyên gia chỉ cách ăn chay cân bằng dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe

Thiển nghĩ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần xây dựng và thiết định chuẩn văn hóa cỗ và tiệc chay cho các chùa viện, nhất là các chùa thuộc phái Bắc tông. Phật giáo Bắc tông chiếm đại đa số, theo thời gian đã tạo ra bản sắc đặc thù của chùa Việt là nếp sống thanh đạm, nâu sồng và chay tịnh. Đây mới đích thực là phong tục ngàn xưa của chùa chiền Việt Nam. Nên những ai cho rằng “ngày Tết, rằm, giỗ, có lễ lạt gì thì cũng cúng mặn và liên hoan tiệc mặn trong chùa” là phong tục thì chưa đúng. Đây chỉ là một tập tục (có thể xem là hủ tục) hình thành gần đây khi đạo pháp suy đồi, chùa chiền bị bỏ hoang, các hoạt động trong chùa gần như bị đồng hóa với đình miếu.

Chúng tôi nhất trí cao với ý kiến của bạn là cần “xây dựng nét văn hóa ở chùa là phải yên lạc, chay tịnh”. Đến chùa thì mặc nhiên phải đi nhẹ, nói khẽ, mặc kín đáo, ăn cỗ chay, uống nước lọc… thanh đạm, thuần khiết và nhẹ nhàng. Còn muốn ăn uống bia rượu thịt thà náo nhiệt chúc tụng linh đình thì về nhà hay ra hàng quán. Cần trả lại không gian văn hóa tâm linh thanh tịnh cho chùa viện. Để làm được việc này, nhất thiết phải có sự quan tâm chỉ đạo của Giáo hội các cấp thì những chùa viện chưa tổ chức tiệc chay mới có thể tiếp thu và điều chỉnh nhằm xây dựng nét văn hóa “yên lạc và chay tịnh” nơi chùa viện.

Chúc bạn tinh tấn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *