Theo quan điểm của số đông, dò hỏi lương của người khác là một hành động kém lịch sự thể hiện sự tọc mạch và xâm phạm đến quyền riêng tư. Rất nhiều người từng chia sẻ rằng họ rất khó chịu và thấy bối rối không biết nên nói sao cho vừa khi bạn bè, người quen hỏi han thu nhập, đặc biệt là những người lớn tuổi. Nếu làm lơ luôn cũng dở mà tiết lộ thông tin riêng tư kiểu này thì cũng chẳng hay.
Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy rằng khi một người biết rõ mức lương của đồng nghiệp đôi khi gây ra những rắc rối và phiền não cho cả hai phía, chính là bản thân bạn và nhiều người khác nữa. “Tác dụng phụ” này đến từ thái độ sống và cách chúng ta phản ứng với thông tin nhận được. Nếu lương thấp hơn đồng nghiệp thì ngay lập tức bạn sẽ có cảm giác bất công, đôi khi dẫn đến chán nản và thất vọng. Trong khi đó, đồng nghiệp của bạn lại chẳng vui vẻ hay được lợi ích gì dẫu cho lương có bằng, hay cao hoặc thấp hơn bạn cả. Và hơn hết, nếu một trong hai bên có quan điểm tiêu cực khi phải chấp nhận thực tế rằng luôn có sự chênh lệch mức lương trong công ty thì phòng nhân sự và sếp của bạn lại chính là đối tượng cảm giác phiền phức nhất, bởi sau đó họ phải tìm cách xoa dịu tình hình. Cuối cùng, chuyện biết thông tin lương có vẻ chẳng mang lại lợi ích cho ai!
Nhưng tìm hiểu về lương có bị xem là việc xấu hay không?
Câu trả lời chắc chắn là không, bạn nhé! Chỉ khi nào bạn có thói quen soi mói mức lương của tất cả mọi người và dùng điều này để so đo, bàn tán và “ngồi lê đôi mách” thì quả thật rất nên thay đổi. Nhưng về bản chất, việc tìm hiểu các thông tin cần thiết về lương là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Vấn đề là chúng ta nên tìm kiếm thông tin này ở đâu cho hợp lý nhất.
Trước tiên, hãy cùng “minh oan” cho việc mọi người có nhu cầu tìm hiểu về thông tin lương. Câu trả lời đơn giản là bên cạnh việc nhận về thu nhập cho công sức lao động bỏ ra, lương phần nào chính là cơ sở để đánh giá năng lực và vị trí mỗi người đi làm đảm nhận trong công ty. Việc nắm bắt thông tin này càng quan trọng hơn khi bạn tìm kiếm công việc mới. Nếu là sinh viên vừa ra trường, chân ướt chân ráo thử sức với công việc đầu đời, bạn có muốn “công ty trả bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu”? Nếu là người đang có ý định chuyển ngành, lấn sân sang một lĩnh vực nghề nghiệp mới, bạn chuẩn bị những gì để không bị thua thiệt khi bước vào vòng đàm phán lương và phúc lợi? Hay khi đã là nhân viên lâu năm có nhiều đóng góp cho tổ chức, muốn được đảm nhiệm công việc quan trọng hơn, muốn được tăng lương, bạn sẽ trao đổi về điều đó trên cơ sở nào? Dù không phải tuyệt đối, nhưng hầu hết trường hợp đều sẽ thương lượng dựa trên thang lương bình quân của thị trường và năng lực đáp ứng của bạn. Hãy hiểu mình và biết người để đảm bảo quyền lợi!
Kế đến, việc tìm kiếm thông tin lương bổng không phải là sự tò mò đáng xấu hổ hay quá nhạy cảm như nhiều người vẫn quy kết, nó có những giá trị lâu dài khác. Lương không chỉ là khoản thu nhập bỏ túi hàng tháng mà hơn thế, với mỗi ngành nghề và độ tuổi, nó còn là thước đo giá trị lao động, khát vọng và mục tiêu nghề nghiệp của cá nhân người đi làm. Từ việc hiểu biết về mức lương và thu nhập, người lao động có thể tự đo lường và nhìn nhận lại xem bản thân còn yếu kém ở đâu, có thiếu hụt kinh nghiệm hay kỹ năng cần thiết nào không, có nên bổ sung kiến thức khi chuyển ngành, có nên đặt ra những mục tiêu xa hơn và cao hơn cho sự nghiệp hay không… Tất cả những sự đánh giá và trăn trở này đều hết sức ý nghĩa, thúc đẩy bạn phấn đấu nhiều hơn và tiến xa hơn trong tương lai.
Tìm hiểu thông tin lương thưởng như thế nào cho thật tế nhị, văn minh mà hiệu quả?
Điều đầu tiên là hãy xoá bỏ định kiến về việc tìm hiểu thu nhập bởi chỉ khi đó bạn mới có thể có thái độ ứng xử đúng đắn nhất khi muốn mở cánh cửa bí mật này.
Lẽ dĩ nhiên, tiền bạc và lương bổng luôn là chủ đề hấp dẫn, có sức hút vô hình khiến ai cũng bị thôi thúc muốn ghé mắt nhìn vào một chút. Rất nhiều người do vài phút hào hứng, vì một chút tò mò muốn dung nạp thêm thông tin mà trở thành người thiếu lịch sự. Thế nên tốt nhất là chỉ tập trung vào những gì thực sự liên quan đến bản thân. Hãy liên tục cập nhật thang lương bình quân thị trường, xem xét mức lương cơ bản cho vị trí công việc của bạn theo cấp bậc, tìm hiểu chính sách lương công ty, quan sát lộ trình tăng lương… Thực hiện tất cả những điều đó, nhưng nhớ đừng sa đà vào những thông tin riêng tư của cá nhân khác. Ghi nhận những điều mà người khác chủ động chia sẻ cho bạn và luôn giữ tinh thần tranh đua tích cực.
Tìm được nguồn thông tin chính xác và đáng tin cậy cũng là bí quyết mang đến cho bạn hiệu quả. Có thể hỏi thăm bạn bè, các anh chị đi trước, hay những người cố vấn công việc, hoặc thậm chí là đồng nghiệp thật sự thân thiết. Tuy nhiên, gợi ý hay nhất là bạn nên tham khảo từ các báo cáo lương uy tín hay những chuyên trang về lương thưởng có độ tin cậy cao trên thị trường. VietnamSalary là một gợi ý dành riêng cho bạn nếu bạn vẫn đang có nhiều băn khoăn về vấn đề này. Hãy thường xuyên theo dõi các báo cáo thống kê, khảo sát lương, định kỳ sử dụng công cụ đo lường và thực hiện bài đánh giá ngắn trong 10 giây để so sánh thực tế bản thân với thị trường. Không cần phải khó khăn và loay hoay tìm kiếm đâu xa, bạn vẫn có thể tự đưa ra những phán đoán cho mức thu nhập xứng đáng hoặc lên mục tiêu cải thiện thu nhập cá nhân nhằm có thêm động lực phấn đấu và hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Một lần nữa, thông điệp mà bài viết muốn gửi đến bạn là hãy cùng xoá bỏ những định kiến có phần cũ kỹ về việc tìm hiểu lương để luôn là những người sáng suốt trong việc lựa chọn cách tìm hiểu và dung nạp thông tin. Chúc các bạn sớm đạt được một nghề nghiệp như ý với mức lương xứng đáng.
(Nguồn hình: Internet)
Để lại một bình luận