Người ta thường nói “người với người là bạn”. Để ứng xử sao cho vừa lòng mọi người mà không gây ức chế cho bản thân thì bất kỳ ai cũng phải tự rèn luyện cho chính mình, chứ không riêng gì các sếp.
Những bí quyết dưới đây phần nào giúp các sếp nhìn nhận và suy nghĩ lại cách ứng xử của mình với cấp dưới để tránh không khí làm việc nơi công sở trở nên gay gắt, căng thẳng.
1. Tránh “đòn phạt” nặng về kinh tế
Mọi người đều có lòng tự trọng cao và vì thế mà họ cần nhất là sự thoải mái trong công việc, cho dù tính chất của công việc là tốt hay chưa tốt trong mắt lãnh đạo. Mỗi khi cấp dưới của bạn mắc lỗi, sự cảnh cáo mang tính nhắc nhở nhẹ nhàng sẽ hiệu quả hơn nhiều so với cách “đánh vào túi tiền”. Hãy ứng xử làm sao để họ cảm thấy “tâm phục, khẩu phục” mỗi khi làm sai điều gì đó.
2. Khen thưởng và ghi nhận chất lượng làm việc
Đây là cách thức quan trọng để động viên cấp dưới, nâng cao hơn nữa chất lượng công việc. Bạn cần dành những lời động viên, khích lệ với cấp dưới của mình và công nhận các hành động, nỗ lực và kết quả làm việc của họ. Khi sự gắng sức của cấp dưới được đền đáp đúng mức, họ sẽ cảm thấy thoải mái, hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Khi đó, bạn đã thể hiện để họ thấy được sự nỗ lực cống hiến bấy lâu của họ đã được ghi nhận.
3. Thái độ lạc quan
Có thể tại một thời điểm nào đó, hoạt động của công ty bạn sẽ nhuốm một màu ảm đạm. Khi đó, để không ảnh hưởng tới thái độ làm việc của cấp dưới bạn cần giấu đi sự lo lắng đó bằng một ánh mắt khích lệ cấp dưới hay một nụ cười thật tươi với đồng nghiệp. Đồng thời, bạn cần chia sẻ những khó khăn đó với cấp dưới, tránh làm cho họ có cảm giác hoang mang và cùng tìm ra những giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp.
4. Nhạy bén trong cách ứng xử
“Đối nhân xử thế” – ai cũng quen với câu nói này và ai cũng cần được đối xử một cách thân thiện. Là một lãnh đạo, khi đó quyết định của bạn ảnh hưởng đến toàn bộ tổ chức. Sự nhạy bén trong ứng xử của các nhà lãnh đạo chỉ cần thể hiện bằng một lời nói ân cần, trìu mến và quan tâm hơn đến cấp dưới quyền của mình.
5. “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”
Chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân viên, không nên mất kiên nhẫn khi nghe hay tỏ thái độ nóng lòng. Mỗi người có một nền tảng học vấn và văn hóa khác nhau, do đó, nếu bạn không thật sự lắng nghe và thấu hiểu, có thể bạn đã bỏ lỡ những ý tưởng hay từ nhân viên, góp phần vào việc phát triển doanh nghiệp mình.
Đối với nhân viên, việc lãnh đạo luôn thấu hiểu tâm tư, tình cảm của họ sẽ là một liều thuốc tinh thần để động viên họ cố gắng và tích cực làm việc.
Cuối cùng, hãy luôn nhớ một nguyên tắc rất cơ bản: “Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn người khác đối xử với mình”.
Để lại một bình luận