“Sau 12 năm du học ở Liên Xô, năm 1987 tôi về nước với tấm bằng nghiên cứu tiếng Hindu. Có lẽ vì không “hợp thời” nên tôi khá vất vả trong việc chọn cho mình một công việc phù hợp. Không có đất dụng võ, tôi đành phải ra phụ bán hàng với mẹ vợ ở chợ Đồng Xuân”, dẫn chương trình Lại Văn Sâm tiết lộ với Truyền Hình.
Đang rầu lòng về cảnh thấp nghiệp thì gặp ông bạn cũ (anh Vũ Đức Khuynh, hiện là Trưởng phòng Show games 2). Tôi hỏi: “Khuynh đang làm ở đâu?”, Khuynh bảo: “Đang làm ở Đài truyền hình Việt Nam” – “Ở đó có việc gì làm không?” – “Bên thể thao đang cần người đấy…”. Nghe nói thế, lại sẵn lòng đam mê thể thao nên mặc dù không được đào tạo chuyên ngành báo chí, tôi vẫn đánh liều đến gặp anh Vũ Huy Hùng và xin thử việc”.
Công việc đầu tiên tôi được giao khi bước chân vào đài truyền hình là dịch một bản tin thể thao (dài 30 phút) từ đài Hoa Sen của Liên Xô sang tiếng Việt. Bản dịch đầu tiên, tôi bị anh Hùng sửa lại một vài chỗ. Mặc dù không bằng lòng lắm (vì nội dung của bản dịch vốn đã là như thế) nhưng tôi cũng phải thừa nhận, cách dịch của mình hơi Tây. Có lẽ, 12 năm sống ở nước ngoài đã làm tôi suýt quên mất đối tượng mình phục vụ chính là người Việt. Đó cũng là cú vấp đầu tiên của tôi…
Công việc cũng dần ổn định khi tôi được giao phụ trách biên tập và bình luận các chương trình thể thao của Liên Xô và Thế giới hàng tuần. Nhưng chỉ được vài tháng, tôi đâm ra chán. Chán bởi vì chẳng có ai… chê. Anh Hùng vốn là người kín đáo, kiệm lời khen, chê, nên chẳng mấy khi anh ấy nhận xét tôi là tốt hay là dở. Thành thử, tôi cứ làm mà chẳng biết mình làm thế có tốt không? Tương lai của mình sẽ như thế nào? (Lúc ấy tôi mới chỉ là anh thử việc)… Tôi dò hỏi chị Nguyên Hạnh (vợ anh Huy Hùng), chị bảo “anh Hùng khen và bảo Sâm có triển vọng”. Nhưng lời khen nhận được từ một người khác, dẫu là người cận kề nhất với anh Hùng, vẫn không thể động viên tôi tiếp tục ở lại. Thế là đầu năm 1988, tôi quyết định quay về… phụ mẹ vợ bán hàng.
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Có lẽ tôi có duyên với truyền hình nên khi EURO diễn ra tại Đức (tháng 6/1988) và VTV cần người để tường thuật – tổng kết các sự kiện, tôi lại một lần nữa quay lại với thể thao. Thời gian này, điều kiện cơ sở vật chất của Đài đang còn thiếu thốn. Các chương trình bình luận bóng đá lúc bấy giờ thường chỉ là chương trình phát lại. Công việc bình luận cũng khá vất vả vì chủ yếu chỉ có anh Trần Tiến Đức, anh Vũ Huy Hùng và tôi đảm nhiệm.
Cũng trong năm 1998, chúng tôi được giao nhiệm vụ tường thuật trực tiếp các trận đấu của Olympic Seoul. Đó cũng là năm đầu tiên Đài truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp một sự kiện thể thao nên anh em vất vả lắm. Khi ấy, việc tiếp cận thông tin về các đội bóng còn rất khó khăn. Hầu như bình luận viên không có thông tin gì trước trận đấu về những đội tham gia mà mình phải tường thuật. May trời phú cho trí nhớ tốt nên tôi có khả năng nắm bắt tên cầu thủ rất nhanh… Tôi học được nhiều từ những ngày ấy.
Với quyết tâm “trụ lại bằng được” (lúc đó tôi vẫn chỉ là anh thử việc) nên ở đâu có việc là tôi “chạy sô” sang “thử” ngay. Tôi vẫn nhớ, khi ấy, anh Nguyễn Hữu Nam (Phó Tổng biên tập VTV từ 1988 đến 1991 có nói với tôi “con đường vào đài ngắn nhất của cậu bây giờ là… làm thư ký cho tôi”. Nghe bùi tai, tôi quyết định theo “sếp” Nam làm chân chạy việc. Nhưng được đúng một tuần, công việc nhàn quá, tôi đành xin sếp cho nghỉ vì “công việc này không hợp với em lắm”.
Không thể đi con đường “ngắn nhất”, tôi đành phải tìm con đường khác. Tôi bắt đầu thử dịch kịch bản phim. Xong mỗi kịch bản như thế, thù lao mà tôi nhận được chỉ đủ trả… một bát phở. Thế là khi nghe các anh chị trong phòng Đạo diễn bảo “nghe giọng Sâm là lạ, hay là Sâm chuyển sang làm thuyết minh luôn đi”, tôi kiêm luôn cả dịch cả thuyết minh phim. Mãi đến khi chương trình VKT ra đời, tôi mới gần như “yên phận” không còn kiêm nhiều chức năng nữa…
Gần 20 năm làm trong ngành truyền hình, chuyện nhớ, chuyện quên nhưng có những kỷ niệm mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Tính tôi thích sáng tạo, thích làm những cái mới, cái lạ nên hồi còn làm bình luận thể thao, thấy ở nước ngoài có kiểu bình luận “trò chuyện”, hai người cùng dẫn, tôi mạnh dạn đem áp dụng thử. Hai lần tôi “phá cách” bình luận thông thường bằng việc mời thêm một người dẫn cùng cũng là hai lần đầu tiên kiểu bình luận ấy được áp dụng ở Việt Nam. Lần đầu tiên, tôi mời anh Trần Bình Minh.
Rất may, hai anh em lại khá ăn ý với nhau trong việc nhận định trận đấu nên mọi việc diễn ra suôn sẻ. Lần thứ hai, tôi mời anh Trần Tiến Đức, một người mà tôi rất ngưỡng mộ trong lĩnh vực thể thao. Chính vì lý do này mà tôi trở nên thụ động trong vai trò là người bình luận chính. Suốt trận đấu, hầu như tôi chỉ “dạ”, “vâng”, “tôi cũng nghĩ thế”… với các nhận định của anh Đức. Ngay sau trận đấu, tôi nhận được rất nhiều sự phản đối từ phía mọi người, đặc biệt là cố nhà báo Trường Phước. Sáng hôm sau, anh Trường Phước đã tìm tôi bằng mọi cách chỉ để “hỏi” tôi một câu: “Chú là Lại Văn Sâm?”.
Tôi chia tay với công việc bình luận thể thao vào năm 1992. Bây giờ, mặc dù bận bịu trong vai trò của người làm quản lý, tôi vẫn dành thời gian cho niềm đam mê thể thao của mình. Những lần cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam tại Seagames, tôi cũng vẽ lên mặt những lá cờ, cũng hò reo hết mình và hoà vào không khí sôi động của khán đài. Vài ngày sau đó, khi có thông tin đưa ra những nghi vấn về việc bán độ của cầu thủ, tôi cũng rất thất vọng. Mặc dù không rõ thực hư thế nào nhưng tôi vẫn cảm thấy như mình vừa đánh mất một cái gì đấy.
Để lại một bình luận