Thiết kế công trình, tổ chức thi công công trình là hoạt động quản lý, triển khai công việc, xây lắp công trình xây dựng, hướng tới mục đích bảo đảm chất lượng, tiến độ cho công trình xây dựng và an toàn cho người lao động. Vậy theo quy định của pháp luật thì những trường hợp nào người dân xây nhà được tự thiết kế và tổ chức thi công?
1. Trường hợp xây nhà được tự thiết kế, tổ chức thi công:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 79 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020 có quy định về yêu cầu đối với thiết kế xây dựng. Theo đó, thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được quy định cụ thể như sau:
Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu thiết kế căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 79 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020;
Hộ gia đình theo quy định của pháp luật sẽ có quyền tự thiết kế nhà ở riêng lẻ với tổng quy mô diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc có quy mô xây dựng dưới 03 tầng hoặc công trình xây dựng có chiều cao dưới 12m, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến vấn đề môi trường và đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng lân cận.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định 06/2021/NĐ-CP, có quy định về vấn đề quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ. Theo đó:
Việc quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ bắt buộc phải thực hiện dựa trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho con người, trang thiết bị, tài sản, công trình xây dựng (trong đó bao gồm bản thân công trình đó và các công trình lân cận), môi trường;
Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình và cá nhân cần phải thực hiện theo quy định như sau:
+ Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân không có tầng hầm, công trình xây dựng có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc có quy mô dưới 03 tầng hoặc có chiều cao dưới 12m, chủ đầu tư xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ đó có thể tự mình tổ chức thực hiện hoạt động thiết kế xây dựng công trình;
+ Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình và cá nhân có quy mô dưới 07 tầng hoặc nhà ở riêng lẻ có 01 tầng hầm (ngoại trừ trường hợp nêu trên) thì việc thiết kế xây dựng công trình bắt buộc phải được tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ điều kiện năng lực chuyên môn thực hiện theo quy định của pháp luật;
+ Đối với nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình và cá nhân có quy mô từ 07 tầng trở lên hoặc công trình nhà ở riêng lẻ có từ 02 tầng hầm trở lên, thành phần hồ sơ thiết kế xây dựng công trình bắt buộc phải được thẩm tra thiết kế xây dựng về nội dung an toàn công trình trước khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng tại cơ quan có thẩm quyền. Việc thiết kế và thẩm tra thiết kế xây dựng bắt buộc phải được các tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ điều kiện năng lực chuyên môn theo quy định của pháp luật thực hiện.
Quản lý thi công công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình và cá nhân cần phải tuân thủ theo quy định như sau: Chủ đầu tư xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ tổ chức thi công xây dựng công trình, giám sát thi công công trình xây dựng và chịu trách nhiệm về mức độ an toàn trong quá trình thi công công trình xây dựng, khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở riêng lẻ tổ chức giám sát thi công công trình xây dựng, lập hồ sơ và lưu trữ hồ sơ nhà ở riêng lẻ theo quy định tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP; riêng đối với nhà ở riêng lẻ được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 thì việc thi công công trình xây dựng và giám sát thi công công trình xây dựng cần phải được các tổ chức và cá nhân đáp ứng đầy đủ điều kiện năng lực thực hiện;
Nội dung giám sát thi công công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình và cá nhân bao gồm những nội dung cơ bản sau: Biện pháp thi công công trình xây dựng, biện pháp đảm bảo an toàn đối với nhà ở và các công trình liên kê, công trình lân cận; chất lượng vật liệu, cấu kiện xây dựng, trang thiết bị trước khi đưa vào thi công công trình xây dựng; hệ thống bàn giao, kết cấu chống đỡ, các trang thiết bị máy móc phục vụ cho hoạt động thi công công trình xây dựng; biện pháp đảm bảo an toàn lao động, biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công công trình xây dựng.
Như vậy, tổng hợp các điều luật nêu trên, hộ gia đình và cá nhân có thể tự thiết kế, tổ chức thi công công trình xây dựng khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
Nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2;
Nhà ở có quy mô dưới 03 tầng;
Nhà ở có chiều cao dưới 12m.
Nếu không thuộc một trong những trường hợp nêu trên, người dân không được tự ý thiết kế và tổ chức thi công công trình xây dựng, quá trình thiết kế và tổ chức thi công bắt buộc phải được các tổ chức/cá nhân đáp ứng đầy đủ điều kiện năng lực thực hiện.
2. Tự thiết kế, tổ chức thi công nhà ở cần phải đáp ứng yêu cầu gì?
Trong một số trường hợp, người dân hoàn toàn có quyền tự mình xây dựng thiết kế và tổ chức thi công công trình, tuy nhiên trong quá trình thiết kế cần phải đáp ứng một số yêu cầu thiết kế nhất định.
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 79 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020 có quy định: Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu thiết kế được quy định tại khoản 3 Điều 79 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020.
Đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 79 Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020, nội dung như sau: Tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn áp dụng, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về vấn đề sử dụng vật liệu xây dựng, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về công năng sử dụng, công nghệ áp dụng; đồng thời đảm bảo an toàn khả năng chịu lực, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng công trình, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường phù hợp với quy định của pháp luật, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống cháy nổ và một số điều kiện an toàn khác.
Như vậy, trong quá trình tự thiết kế xây dựng thì cần phải đáp ứng một số tiêu chuẩn và yêu cầu như sau:
Tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về vấn đề sử dụng vật liệu xây dựng, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng và công nghệ áp dụng;
Đảm bảo an toàn về khả năng chịu lực, an toàn trong quá trình sử dụng công trình xây dựng, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống cháy nổ và một số điều kiện an toàn khác.
3. Khi xây dựng nhà ở có phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020 có quy định về lập dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế kĩ thuật đầu tư xây dựng khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
Công trình xây dựng sử dụng phục vụ cho mục đích tôn giáo;
Công trình xây dựng có quy mô nhỏ và các công trình xây dựng khác do Chính phủ quy định cụ thể.
Đồng thời, nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình và cá nhân khi xây dựng sẽ không bắt buộc phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế kĩ thuật đầu tư xây dựng.
Như vậy, theo điều luật nêu trên thì nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình và cá nhân trong quá trình xây dựng sẽ không cần phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế kĩ thuật đầu tư xây dựng.
- Vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng xử lý thế nào?
- Điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức thi công xây dựng?
- Xử phạt hành vi tổ chức thi công công trình sai giấy phép xây dựng
Để lại một bình luận