Ảnh minh họa |
Tốt nghiệp trường CĐ Hóa chất Phú Thọ, Đôn Chí Tiến về quê nhưng không kiếm được việc làm. Cái xã Hải Lựu (lập Thạch, Vĩnh Phúc) của cậu từ trước đến giờ ít người học cao. Gói tấm bằng Cao đẳng vào trong nóc tủ, cậu quyết tâm tìm hướng khác để đổi đời.
Bước ngoặt từ một chuyện nghe lỏm
Sau khi cất tấm bằng tốt nghiệp CĐ vào nóc tủ, Tiến bắt đầu lăn lộn, bươn chải theo phụ mẹ làm đủ nghề, từ các nghề từ bán đồng nát, buôn gia cầm đến buôn thúng bán mẹt… nhưng cuộc sống cơ chừng vẫn không khấm khá hơn.
Dịp đó, theo cánh lái trâu vào Nghệ An, tình cờ cậu nghe lỏm được câu chuyện về một người trở nên giàu có nhờ đi mua đám cưới.
Tiến nghe lạ tai và trở nên bị hút hồn. Quyết định rất nhanh, cậu bỏ nghề lái trâu, dung số vốn ít ỏi trong tay, lân la ở lại Nghệ An để tìm bằng được nhân vật trong câu chuyện vu vơ ấy với mục đích học hỏi kinh nghiệm.
Vài ngày rồi một tuần trôi qua trên đất khách, người cần gặp thì không thấy đâu, người được hỏi thì mỗi người nói một phách. Tiến đành ngậm ngùi bắt xe về quê, nhưng câu chuyện về nghề mua đám cưới thì cứ ám ảnh trong đầu.
“Không có lửa thì sao có khói. Trong miền trung có người làm được thì mình tại sao lại không nhỉ? Cứ phải thử mới biết được!”, nghĩ là thực hiện, Tiến lân la đến các làng học hỏi các bước, cách thức tổ chức một đám cưới, tính chi li các khoản để sao vừa có hiệu quả vừa kinh tế nhất.
“Vụ làm ăn đầu tiên của tôi đến thật tình cờ. Hôm ấy, ngồi ở quán nước đầu làng, một bác xã bên cạnh cứ than vắn, than dài là muốn tổ chức đám cưới cho cô con gái một cách đơn giản gọn nhẹ nhưng an hem trong họ thi nhau phản đối. Bác ta bảo, nhà nghèo quá chẳng chạy đủ tiền mà tổ chức mở rộng.
Thấy đây là cơ hội để thử nghiệm, tôi lân la đến hỏi chuyện, đặt vấn đề. Tôi bàn rằng sẽ đưa cho bác ta một triệu để bỏ túi, vợ chồng bác ta lấy danh nghĩa cứ đứng ra tổ chức, mọi khoản chi phí tôi lo hết, tiền phong bì thu được nếu lãi là của tôi, lỗ tôi chịu. Tính toán, thuyết phục chán chê, cuối cùng thì vợ chồng bác ta cũng đồng ý. Đám cưới diễn ra suôn sẻ. Sau vụ làm ăn đầu tiên ấy, ngoại trừ các khoản nợ nần, chi phí tôi vẫn lãi được hơn hai triệu đồng…” – Tiến nhớ lại.
Tôi ngạc nhiên: “Lúc ấy nghèo thế, cậu lấy vốn ở đâu ra mà đầu tư?”. Tiến cười hiền: “Thuyết phục mãi, mẹ tôi mới đồng ý bán mấy con lợn đang nuôi để có tiền ứng trước cho chủ hôn. Các khoản khác thì vay và mua chịu. Vì có quan hệ sẵn từ khi buôn trâu, buôn gà nên thịt lợn, bò, gà, cá tôi ra chợ lấy nợ hết. Sau đám cưới trả dóc luôn. Sau vụ đó có vốn, lại có uy tín nên những đám cưới kế tiếp tôi mặc sức mà mua nợ…”.
Gần 2 năm làm nghề, Tiến chỉ nhớ rằng mình đã mua được khoảng gần 100 đám cưới ở khắp các xã trong huyện, trong tỉnh và “thị trường” của cậu còn mở rộng sang cả một số tỉnh lân cận như Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên…
Vốn cậu có mối quen biết và quan hệ rộng, mỗi khi đi chơi bạn bè, anh em, cứ đến đâu hễ nghe tin có mối là tìm hiểu, thấy thuận là vào cuộc luôn. Nhưng cái nghề mua đám cưới nghe thì hay đấy nhưng không đơn giản chút nào bởi không phải đám cưới nào cũng mua được. Có nhiều gia đình tha thiết muốn bán đám cưới để Tiến tổ chức nhưng cậu đành rút lui bởi cậu biết rằng nếu đầu tư vào đó sẽ không có lãi hoặc là rất ít. trước hết phải nghe ngóng, tìm hiểu xem quan hệ của gia đình có rộng rãi không? Anh em, họ hàng, xóm làng có quý mến không? Nếu mấy yếu tố này mà không đảm bảo thì người đi mua cũng đành rút lui…
Nỗi niềm chàng triệu phú
Chỉ sau gần 2 năm đặt chân vào cái nghề “lạ lùng” ở vùng trung du này, cuộc sống của gia đình Tiến đã thay đổi hẳn. Mái nhà lụp xụp trước đây, giờ đã được thay bằng căn nhà ngói khang trang, nền lát gạch hoa, đồ dùng nội thất đắt tiền.
Năm nay “đã” 29 tuổi nhưng Tiến vẫn là lính phòng không, so với ở vùng này như thế là muộn. Giờ đây kinh tế đã ổn định, không lo ế vợ nữa nhưng điều mà cậu đang đầu tư thời gian, công sức và suy nghĩ là phải chuyển nghề của mình thành một hoạt động dịch vụ tiện ích,quy mô lớn mang tính chuyên nghiệp và không sống chỉ dựa vào khoản lãi thu được từ phong bì sau mỗi đám cưới. bạn bè có một số người rủ Tiến hùn vốn để mở công ty trong năm 2008 này.
Khi mới bước vào nghề, bà mẹ là người phản đối Tiến mạnh nhất, giờ đây bà cụ vẫn không muốn con trai bám lấy nghề này. Chính bà là người gợi ý để Tiến chuyển hướng ‘kinh doanh”…
“Mua đám cưới nhiều rồi, đã khi nào cậu chuyển sang mua đám ma, đám giỗ?”. Đáp lại câu hỏi của chúng tôi, Tiến thở dài: “ Cũng đã 5 hay 8 lần gì đó, có người đến mời tôi mua đám ma với lý do họ không đủ khả năng để làm theo yêu cầu của dòng họ, tôi đã nhận lời và cũng có lãi.
Nhưng thú thật, mua đám cưới thì vui, mua đám tang ma, nghe người ta khóc lóc còn mình thì ngồi tính toán lỗ, lãi, lo theo dõi để nhận phong bì; trong sâu thẳm tâm khảm cũng cảm thấy áy náy vì lợi dụng hoàn cảnh không may của người ta để làm giàu. Vậy nên, hãn hữu lắm tôi mới mua đám tang ma…”.
Ngồi trò chuyện với chàng triệu phú của một nghề “ vừa hay, vừa dở”, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi khẩu hiệu của phong trào tiết kiệm, chống lãng phí bấy lâu đã được phát động rộng rãi trong xã hội, nhưng dường như người ta chỉ hưởng ứng bằng miệng chứ trong thực tế thì không.
Tiến kể rằng đã đôi lần cậu có gặp phải phản ứng từ phía các đoàn thể địa phương nhưng rồi cũng ổn ngay nếu biết cách làm “thủ tục”. Duy nhất chỉ có một lần, cậu phải bỏ của chạy lấy người. Đó là trường hợp một đám cưới ở xã bên cạnh. Tiến đã dặn cả gia đình phải giữ bí mật nhưng khi thấy người đi mừng phong bì nhiều mà lại bị thu hết, anh con trai ông chủ tức quá định rủ đám thanh niên làng vào tìm cậu để hành hung.
Vốn tính cẩn thận, lại dự liệu trước, sau nên Tiến đã tránh được rắc rối đó, cậu bảo: “Mình tính rồi, sang năm 2008 này, tụi mình sẽ mở một công ty nhỏ để đưa các hoạt động dịch vụ ở vùng nông thôn theo hướng chuyên nghiệp và theo đúng quy định của nhà nước. Mình nghĩ rằng sẽ sớm tìm ra được giải pháp để hạn chế những mặt không hay của nghề mà mình đang làm…”.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại Đọc Ngẫm :
- Tìm việc làm cho nam giới tại Hà Nội
- Việc làm IT Hải Phòng
- Tìm việc làm tài xế tại TPHCM
Để lại một bình luận