Nghỉ 4 tháng đủ để bạn háo hức khi đi làm trở lại, nhưng phải công nhận rằng sẽ rất áp lực vì cùng với “giỏi việc nước”, bạn vẫn chưa thoát khỏi trách nhiệm “đảm việc nhà”, bao gồm thức đêm khi con khóc, thay tã, cho bú và hát ru.
6 biện pháp sau là người đồng hành tốt của bạn:
1. Chuẩn bị cần thiết
Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là chuẩn bị kỹ lưỡng cho khoảng thời gian nghỉ sinh và cho cả lúc bạn quay lại, từ khi em bé chưa ra đời.
Hãy gặp sếp đề đạt nguyện vọng về chuyện quay lại công việc cũng như những thay đổi sẽ có liên quan đến tính chất và thời gian làm việc của bạn khi quay lại đi làm.
Trước khi nghỉ sinh đừng quên hoàn thành các dự án, ký kết các hợp đồng quan trọng, làm việc với người quản lý để chắc chắn rằng có người đảm nhận trách nhiệm của bạn sau khi bạn nghỉ. Nếu có thể, hãy tham gia tập huấn cho người tạm thời thay thế bạn. Làm vậy, bạn là người có tinh thần làm việc tập thể cao.
2. Cho bản thân thời gian chuyển tiếp
Làm mẹ trẻ sơ sinh, cuộc sống sẽ hoàn toàn đảo lộn. Bạn thấy mình không còn phân biệt nổi thời gian, và đi làm trở lại thực sự là một thử thách tâm lý. Hãy thực hiện các bước sau để tập bắt kịp với nhịp độ công việc:
– Một tuần trước khi đi làm, thiết lập thời gian biểu mới bằng cách tập cho hai mẹ con thói quen dậy sớm và sẵn sàng ra khỏi nhà.
– Đưa con đi nhà trẻ vài tiếng để tập cho bé thói quen tạm thời vắng mẹ trong ngày.
– Điều chỉnh thời gian hợp lý. Nếu bạn vẫn có thói quen tỉnh dậy lúc nửa đêm và tranh thủ ngủ ban ngày, sẽ rất khó khi quay lại công việc. Hãy thay đổi khi công việc chưa bắt đầu.
– Đi làm trở lại vào ngày Thứ Tư hoặc Thứ Năm trong tuần: sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu tuần đi làm đầu tiên của bạn ngắn.
3. Thiết lập các nguyện vọng thực tế
Thiếu ngủ, không được ở bên con và căng thẳng khi quay lại công việc có thể gây khó khăn cho bạn. Bạn thấy các kỹ năng của mình như hoen gỉ, đặc biệt khi cơ quan đã tuyển thêm người mới.
Trong những ngày đầu đi làm, đừng khắt khe với mình quá. Hãy lập ra các kỳ vọng, mục đích thật thực tế. Nhớ rằng, việc bạn mất đến vài ngày để có thể hoàn toàn bắt lại nhịp công việc là điều hết sức bình thường.
4. Khởi đầu tốt
Làm việc với mọi người để giới thiệu lại bản thân trong công ty, gặp sếp để thảo luận về các nguyện vọng (ví dụ bạn sẽ phải đưa con đi nhà trẻ từ 6 giờ sáng hay nhận phiếu phạt đi muộn của cơ quan), bắt lại những điều bạn đã bỏ lỡ trong thời gian nghỉ, cập nhật đường lối phát triển của công ty.
Gặp cả đồng sự để tìm hiểu về các dự án mới. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ hãy chủ động tham gia vào công việc. Càng tiên phong trong công việc càng dễ dàng hơn cho bạn và cả nhóm của bạn nữa.
5. Ít “khoe” con
Tất nhiên các cộng sự rất mừng cho bạn và muốn xem hình em bé. Nhưng đừng biến đó thành chủ đề duy nhất trong mọi cuộc đối thoại. Không phải ai cũng được háo hức như bạn khi nói về con của bạn, về từ đầu tiên của bé, về chế độ ăn v.v. Hãy để dành các tấm hình và câu chuyện đầy tự hào của bạn về thiên thần bé nhỏ cho bạn bè và những người thân trong gia đình.
6. “Đặt trái tim vào công việc”
Khi làm việc hãy cố gắng tập trung. Có thể bạn sẽ muốn gọi điện về nhà cả chục lần để xem bé yêu thế nào, nhưng việc quan trọng trong giờ làm là chú tâm vào công việc.
Nên tập thói quen giải quyết vấn đề cá nhân vào lúc giải lao, như vậy khi đang làm việc bạn không còn bị phân tán tư tưởng. Ngược lại cũng vậy, cả ngày đã ở cơ quan rồi, tối về bạn hãy dành thời gian thật chất lượng cho bé.
Ở vai trò nào, hãy làm tốt vai trò ấy. Nếu không, bạn sẽ làm hỏng cả hai.
Để lại một bình luận