“Bạn đừng băn khoăn vì sao, có những người cứ gân cổ bàn cãi cả những điều hiển nhiên nhất. Đơn giản vì họ yêu sự bất đồng và luôn tìm ra được vấn đề để cãi cọ với đồng nghiệp”.
Bảo thủ
Những người thuộc tuýp này không bao giờ nghe theo ý người khác vì trên thế giới này, anh ta luôn đúng. Phải thật khéo léo chỉ ra vài mặt mạnh của anh ta trước khi nói đến hàng loạt điểm yếu. Hãy phê phán bản thân mình trước – những việc có liên hệ hoặc giống anh ta, và chỉ ra “sự sai lầm của chính mình”. Nên nói chuyện trực tiếp, việc này sẽ giảm khả năng hiểu nhầm và tính bảo thủ của anh ta.
Thích cãi cọ
Bạn đừng băn khoăn vì sao có những người cứ gân cổ bàn cãi cả những điều hiển nhiên nhất. Đơn giản vì họ yêu sự bất đồng và luôn tìm ra được vấn đề để cãi cọ với đồng nghiệp.
Mà chuyện này, nếu đã thuộc về bản tính thì khó chữa lắm. Tốt nhất, đừng để đổ thêm dầu vào lửa khi anh ta đang bất đồng. Suy cho cùng có ai đồng ý với anh ta đâu.
“Tôi là tất cả”
Kiểu người có cái tôi quá lớn này, luôn tự hào về bản thân và tin rằng mình là trung tâm của vũ trụ. Với anh ta, vấn đề của người khác chả thấm tháp gì so với vấn đề của mình. Để hòa thuận với họ, bạn cần cả sự cố gắng và nhẫn nại. Nên để cho sếp biết bạn đã đóng góp những gì cho công ty, và nhớ chứng minh cho sự đóng góp đó thật rõ ràng. Đây là cách tốt nhất để tránh bị “những cái tôi quá lớn” cướp công.
Cứng đầu
Đây là người có thể làm mọi thứ, trừ việc gia nhập một tập thể. Ngay khi cả cơ quan cho rằng anh ta chỉ làm hỏng việc, thì tuýp người này vẫn cứ tin tưởng vào cách làm của riêng mình. Đừng bận tâm nhiều vì thật may là cách làm việc của những kẻ cứng đầu, không ảnh hưởng đến ai hết, và sự thất bại sẽ tự lộ diện. Tất nhiên nếu bạn là người độ lượng, có thể giúp đỡ anh ta nhận ra điểm yếu của mình.
Ném đá giấu tay
Khó có thể yêu và thông cảm với con người luôn gièm pha và đặc biệt hay nói xấu sau lưng. Với dạng người này, không việc gì phải giữ kẽ. Ngay từ lần đầu tiên khi nghe anh ta nói xấu mình, bạn hãy gặp trực tiếp và bày tỏ thái độ sẽ không khoan nhượng nếu có lần sau. Tất nhiên, anh ta có thể phản biện lại, hoặc chối bay chối biến, nhưng bạn có thể hạ gục bằng những lập luận thật sắc bén của mình.
Trốn tránh trách nhiệm
Không bao giờ nhận trách nhiệm về mình, mà chỉ giỏi đổ lỗi cho người khác là đặc tính của dạng người này. Tốt nhất hãy đề nghị sếp chia trách nhiệm cho từng người một cách cụ thể, để chẳng ai có thể làm thay ai. Thế là phần ai sai người đó phải chịu.
Còn nếu việc cơ quan là một chuỗi liên quan đến nhau thì khi xảy ra lỗi, bạn cần làm rõ trách nhiệm với sếp để tránh tình trạng “lỗi này chẳng của riêng ai” và anh ta không thể “đổ vạ” cho mình.
Rên rỉ
Dạng này “tâm sự” quá nhiều đến mức vượt qua ranh giới giữa việc giải tỏa căng thẳng và sự soi mói không cần thiết. Nói chung đừng mong cải tạo họ. Việc tốt nhất có thể làm là hạn chế những phiền toái phát sinh.
Khi anh ta bắt đầu “mở máy”, cứ nói thẳng bạn đang bận. Mất lòng trước được lòng sau. Hơn nữa, cũng cần có người nhắc nhở để họ biết mình đang làm phiền người khác.
Nếu tất cả những giải pháp trên đều vô hiệu thì:
Tránh xa những người đó
Không cần phải lờ đi một cách quá lộ liễu, nhưng nên giữ một khoảng cách an toàn với những người đồng nghiệp phiền toái này. Nếu bạn không phải làm việc trực tiếp, thì cũng nên tránh những cuộc buôn chuyện không cần thiết với họ.
Báo cáo với sếp
Khi các biện pháp đối phó trên chẳng cải thiện được tình hình, bạn nên bàn chuyện này với sếp, đặc biệt khi những phiền toái đó ảnh hưởng đến công việc của bạn.
Nói với phòng nhân sự
Nếu trưởng phòng cũng không thể thay đổi sự việc thì nhất thiết, bạn cần đến sự can thiệp của phòng nhân sự. Hy vọng rằng, bằng chuyên môn của những người được huấn luyện đặc biệt để giải quyết những trường hợp như vậy, tình hình sẽ khá hơn.
Chuyển phòng làm việc
Đây là kế sách cuối cùng khi không còn biện pháp nào khác, hoặc thậm chí là cơ quan khác, bạn không gặp những người tương tự.
Để lại một bình luận