Tổng giám đốc Thế kỷ 21

Tổng giám đốc Thế kỷ 21
0 Shares

Xuất thân trong một gia đình nghèo phải sống nhờ trợ cấp của chính phủ Mỹ, Farrah Gray vươn lên trở thành một triệu phú ở tuổi 14. Chàng trai 21 tuổi ngày nay đã làm được hơn rất nhiều so với lời hứa cậu tự đặt ra khi còn bé là mua tặng mẹ một căn nhà ở thành phố xa hoa Las Vegas.

Diễn giả đắt sô ở tuổi 12

     Farrah sinh năm 1984, là út trong một nhà có 5 anh em ở thành phố Chicago. Cuộc sống không dễ dàng gì khi mẹ cậu phải một mình nuôi các con. Khi mẹ bị bệnh nặng, cậu bé 6 tuổi đã đặt ra mục tiêu là sẽ đảm bảo cho gia đình mình sống sung túc. Farrah bắt đầu đi bán dạo sữa tắm từ nhà này sang nhà khác. 7 tuổi, cậu đã làm riêng cho mình một cái card rất oách: “Tổng giám đốc Thế kỷ 21”. Sau khi cùng các bạn lập ra một câu lạc bộ kinh doanh ở trường và tham gia một số dự án, Farrah nảy ra ý tưởng về một chương trình phát thanh. Vậy là vào năm 9 tuổi, cậu trở thành người đồng phụ trách một chương trình hằng tuần trên đài phát thanh Las Vegas mang tên “Đằng sau sân khấu”. Cậu nhỏ khéo ăn nói đã thu hút được tới 12.000 người nghe vào mỗi tối thứ bảy. Tiếng tăm bắt đầu đến với Farrah. ở tuổi 12, cậu đã kiếm được 5.000 USD – 10.000 USD cho mỗi lần được mời đi phát biểu. Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó.

Xem thêm  'Mẹo' hòa nhập nhanh dành cho nhân viên mới

Khách VIP tại Nhà Trắng

     Năm 13 tuổi, Farrah lập ra công ty đồ ăn Farr-Out Foods, chuyên cung cấp những món ăn đặc biệt, hợp với khẩu vị trẻ em. “Tôi lập ra công ty của mình khởi nguồn từ việc tôi thích nấu ăn”, Farrah tâm sự. “Khi bạn làm những gì mà bạn cảm thấy như một lẽ tự nhiên, bạn sẽ dễ thành công hơn”. Sản phẩm đầu tiên của công ty là loại xirô dâu và vani để ăn kèm với bánh, nhờ công thức mà bà cậu truyền cho: “Nhà chúng tôi quá nghèo nên toàn phải tự chế những món như vậy”. Các chai xirô này rất được ưa chuộng, có mặt tại cả các siêu thị lớn như Wal-Mart.
     Chỉ sau một năm, Farrah đã trở thành triệu phú khi doanh số của Farr-Out Foods đạt 1,5 triệu USD. Về sau, cậu bán công ty này và thu về hơn 1 triệu USD nữa.
     Năm 15 tuổi, Farrah được mời vào ban cố vấn Văn phòng Thương mại Las Vegas. 16 tuổi, cậu đầu tư vào tập đoàn truyền thông Inner City, một trong những doanh nghiệp lớn nhất do người da đen đứng đầu ở Mỹ, và trở thành người phụ trách xuất bản cuốn tạp chí Inner City của tập đoàn này. Ngoài ra, Farrah lập ra một tổ chức từ thiện mang tên mình, chuyên hỗ trợ vốn cho các doanh nhân trẻ dưới 25 tuổi. Cậu đã nhiều lần được Tổng thống Mỹ mời tới phát biểu ở Nhà Trắng.

Xem thêm  Bạn “liều” đến mức nào?

Con thỏ trong truyện ngụ ngôn

     Hồi đầu năm nay, Farrah cho ra cuốn sách “Chín bước trở thành triệu phú”. Trong đó, cậu kể lại những câu chuyện đời mình và chia sẻ những kinh nghiệm cả trên thương trường lẫn trong cuộc sống. Cậu tâm sự: “Trước khi bước vào kinh doanh, bạn nên tìm xem mặt mạnh của mình là gì và đặt ra 3 câu hỏi: Điều gì tôi có thể làm dễ dàng, nhưng với người khác sẽ khó khăn hơn? Tôi có thể làm việc gì hàng năm trời mà không chán cho dù không nhận được một đồng nào cho điều đó? Và tôi có thể giúp ích cho người khác như thế nào? Một khi bạn đã tìm được điểm mạnh của mình, thị trường và thế giới sẽ mở cửa cho tài năng của bạn”.
     Theo tạp chí People, Farrah là thanh niên da đen duy nhất ở Mỹ từ xuất thân hàn vi trở thành một doanh nhân tiếng tăm, mà không thuộc ngành giải trí, thể thao hay có quan hệ gia đình thuận lợi. Còn Farrah thì lý giải cho thành công của mình bằng câu chuyện ngụ ngôn của Êdốp: “Một con cáo đuổi theo một con thỏ, nhưng không thể bắt được nó. Cuối cùng thỏ chạy thoát. Có hai người bạn theo dõi toàn bộ cuộc đua. Một người lắc đầu ngạc nhiên: Tại sao cáo lại không bắt được thỏ nhỉ? Người kia đáp: Con cáo chỉ đuổi theo và đùa nghịch cho vui. Nhưng con thỏ phải chạy để sống sót. Tôi chính là con thỏ trong câu chuyện này. Tôi phải lo cho gia đình từ khi tôi còn nhỏ. Tôi phải chạy để sống sót”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *