Khi dân SV mình đồn nhau ầm ầm là đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài “cá kiếm” kinh khủng và sự thật còn hay ho hơn cả thế.
Cửa ải đầu tiên
Tôi được người quen giới thiệu làm thầy cho một ông người Mỹ với vị trí cực bự: Product Manager của Microsoft, là Mr. Johannsen. Nghe choáng thật. 20USD cho 2 giờ dạy quả là số tiền hấp dẫn! Tôi nhận lời, mặc dù biết rằng tiếng Anh của mình thủng lỗ chỗ, trên lớp thuyết trình vẫn phải khua tay múa chân loạn cả lên.
Ngày đầu tiên: choáng nặng! Vì đến “lớp học” là công ty của “học trò tôi”, chú bảo vệ đến chị lễ tân cũng bắn tiếng Anh veo véo! Tôi nói rằng có hẹn với ông Robert Smith Johansen. Họ chỉ tôi ấn số máy nội bộ để gọi lên phòng sếp. Không ai nhấc máy. Đợi, và đợi. Tới lúc tưởng không đủ kiên nhẫn nữa thì mới gặp được “học sinh”. Mất nguyên 1 tiếng. 10 giờ tối, bài học đầu tiên mới bắt đầu!
Cô dạy trò hay trò dạy cô?
Nhưng cửa ải “tàn bạo” nhất với tôi lại chính là “ông học sinh”! Thông minh và dễ chịu kinh khủng. “Học sinh” của tôi nhiều hơn tuổi…bố tôi, nhưng cảm giác đầu tiên gặp ông là một sự đối xử đặc biệt bình đẳng, nhiệt tình và tôn trọng. Tôi gọi ông là Bob. Ngày đầu tiên, nghe bạn bè nói “dạy người nước ngoài phải cực lịch sự”, ngẩng cao đầu, thế là tôi chơi bộ như công sở! Vừa bắt tay vừa run, mồ hôi túa ra, nói líu cả lưỡi, giáo trình soạn sẵn thì trộn lung tung vì cuống. Thế là Bob cười thật tươi bảo tôi: Cứ thư giãn đi, đừng căng thẳng thế. Sau sự cố trễ giờ hôm đầu tiên, ngày nào Bob đến trễ, đều gọi điện thoại thông báo hoặc gửi một mẩu giấy xin lỗi kèm thời gian cụ thể sẽ về tại quầy lễ tân. Còn lại, lần nào tôi đến cũng thấy Bob chờ sẵn ở tiền sảnh với một đống giáo trình tự học tiếng Việt cấp tốc cộng những bài tập tự học, tự viết ở nhà.
Học sinh tôi chưa bao giờ tỏ ra “trên phân”, dù ông là một sếp cực lớn! Buổi học nào cũng bắt đầu sau khi ông đã làm việc từ sáng đến tối, nhưng chưa lúc nào tôi thấy Bob mệt mỏi. Luôn chăm chỉ, giản dị và vui vẻ. Ngày nào tôi cũng è cổ soạn bài, những trang A4 kín đặc, nhưng ngày nào cũng… thiếu. Học sinh học nhanh và cái gì cũng hỏi… từ chuyện tên tôi là Chung có khác gì với chữ “Trung” trong từ Trung Quốc không, rồi “Sao tiếng Việt lại có sounds (thanh)?… Những lúc ấy, tôi thề rằng bạn giỏi tiếng Anh đến mấy cũng phải toát mồ hôi, rồi dùng cả chân, tay mà lý giải cho ông ấy hiểu!
Buồn cười nhất là màn học đọc: hai chữ “p” và “b” rất dễ nhầm, cứ “pa” với “pốn” loạn cả lên. Rồi khi giải thích chữ “Tây” – một từ đồng âm khác nghĩa trong tiếng Việt, tất cả vốn từ của tôi được huy động tối đa. Một lần, 2, 3 lần nữa, kèm theo không biết bao nhiêu kiểu “gesture language” mới tạm ổn! Chỉ cần thiếu kiên nhẫn một chút thì học sinh của bạn sẽ quên phéng ngay và phát âm sai là cái chắc!
Cho đến ngày thứ 4 thì chúng tôi thực sự đã quen với cách làm việc của nhau. Còn Bob – có thể ông không biết, nhưng ông đã dạy cho tôi rất nhiều về trách nhiệm, về tinh thần làm việc và sự tôn trọng đối với người khác.
Bây giờ thì công việc “nhập vai” của tôi đã hoàn thành. 140 USD sau 1 tuần, đúng là tôi kiếm được một khoản rất khá, nhưng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” chứ không “dễ như húp cháo” giống nhiều bạn nghĩ đâu. Chỉ có điều, những gì tôi học được là một loạt kiến thức rất tuyệt vời từ “ông học sinh – sếp bự”. Chúng quý giá hơn tiền nhiều!
“Ngày nào Bob đến trễ, đều gọi điện thoại thông báo hoặc gửi một mẩu giấy xin lỗi kèm thời gian cụ thể sẽ về tại quầy lễ tân”
“Điều tôi nhận ra rõ nhất là muốn dạy tốt một người nước ngoài thì phải đơn giản hoá tất cả mọi khái niệm, đơn giản đến tối đa”
“Cô bé ấy không giống đồng nghiệp cùng tuổi tôi. Cô ấy giống một người bạn nhỏ tuổi, thân thiện, thông minh và dễ thương. Tôi nhớ rất lâu những giải thích ngộ nghĩnh nhưng rất hiểu biết: Chẳng hạn như chữ “Trung” trong tên nước Trung Quốc khác với cái tên “Chung” của cô ấy, nó có nghĩa là trung tâm, là “heart of the earth”. Hoặc bếp của người Việt hay quay về phía Đông, vì đó là hướng mặt trời mọc, người phụ nữ đón ánh sáng mặt trời, truyền lửa cho gia đình…Trong 1 tuần học tiếng Việt, tôi cảm thấy rất có ích vì học được nhiều điều thú vị ở cô giáo nhỏ ấy” – Ông Robert Smith Johansen (Product Manager của Microsoft)
5 điều tuyệt đối tránh khi đi dạy người nước ngoài:
1. Không mặc “mát mẻ” quá hoặc cứng nhắc quá. Cứ như bạn đi học thôi. Vừa làm bạn yên tâm, “học sinh” cũng cảm thấy tự nhiên.
2. Không được coi thường giáo án, người nước ngoài thắc mắc liên tục, nếu không chuẩn bị kỹ, bạn sẽ “bí”, hoặc buổi học trở nên nhạt phèo!
3 Đừng tỏ ra như một nhà ngôn ngữ học. Càng đơn giản các khái niệm càng giúp bạn giải thích tốt và học sinh bạn hiểu nhanh hơn.
4 Không được sai giờ. Học sinh bạn sẽ đánh giá cao việc bạn tôn trọng giờ giấc. Nếu không thể đến sớm hơn 5,10 phút thì cũng đừng đến trễ.
5 Không hỏi công việc riêng. Buổi học có thể thoải mái trò chuyện, nhưng đừng bao giờ thắc mắc những điều riêng tư trong cuộc sống, công việc của họ
Để lại một bình luận