Từ những thực tế cho thấy, nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay đang biến động khôn lường khiến cho các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường ngày nay chưa chắc đã giữ được vị trí ngày mai. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt lai đang có khoảng trống lớn trong việc theo đuổi và thích nghi với thời cuộc. Không chỉ đối mặt với những cạnh tranh về dịch vụ – sản phẩm, doanh nghiệp Việt còn phải đứng trước nguy cơ cạnh tranh về con người.
Thiếu người làm được việc
Nguồn nhân lực chính là yếu tố tiên quyết đối với sự phát triển và trường tồn của mỗi doanh nghiệp . Các doanh nghiệp nước ngoài tận dụng lợi thế về nhiều mặt để thu hút lao động tại Việt Nam khiến cho các doanh nghiệp Việt ngày càng đứng trước nguy cơ “chảy máu nhân tài” và tạo ra khoảng cách đối với các nước dẫn đầu. Các nước như Singapore, Thái Lan… được dự báo là nơi thu hút nhân tài trong khu vực. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn tuyển được những người tài, thì nguồn nhân lực có chất lượng hiện nay lại có tâm lý thích làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài hay các doanh nghiệp lớn.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực có đủ năng lực và chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí quan trọng như hiện nay tại Việt Nam chính là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn và đình trệ. Một khảo sát mới đây tại TP.HCM cho thấy, tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ cao đứng đầu là trong ngành công nghiệp, 67% doanh nghiệp trong lĩnh vực này cho rằng họ không được đáp ứng nhu cầu về cán bộ quản lý. Tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ, với 51% số DN được hỏi cho biết thiếu cán bộ quản lý có chất lượng. Thị trường lao động, nửa đầu năm 2015 Việt Nam chứng kiến làn sóng chuyển việc của giới nhân sự và quản lý cấp cao. Một DN tại TP.HCM kể rằng, 3 năm qua họ mất đi 3 nhân sự cao cấp là các trưởng phòng, nắm giữ vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Một người chuyển ra nước ngoài làm việc, còn 2 người chuyển sang làm cho công ty FDI với thu nhập cao hơn. Ngoài khó khăn tìm kiếm nhân sự có năng lực, các doanh nghiệp cũng thông báo họ phải đào tạo lại hầu hết mọi lao động khi nhận vào làm việc ở mọi cấp bậc, từ công nhân kỹ thuật đến các cử nhân, thạc sỹ,… do chất lượng đào tạo yếu kém.
Cuộc chiến nhân tài
Trước sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao như hiện nay và việc cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay sẽ tạo nên một cuộc chiến nhân tài khốc liệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm và giữ chân nhân tài. Khi đó, người lao động có đủ năng lực và trình độ sẽ có nhiều lựa chọn hơn tại các tập đoàn đa quốc gia, cũng như các nước trong khu vực. Theo ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh & xứ Wales (ICAEW), một “cuộc chiến” giành giật nhân tài đang diễn ra, bởi sở hữu nhân tài tốt sẽ có những sáng tạo trong tương lai. Đây không chỉ là “cuộc chiến” toàn cầu mà còn là “cuộc chiến” trong khu vực ASEAN. Nhiều doanh nghiệp tại Singapore, Thái Lan, Malaysia,… đang “bủa lưới” rộng hơn để thu hút người tài không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có chính sách để giữ chân những người tài giỏi, cùng với đó là chiến lược phát triển nhân sự, nếu không sẽ thất bại ngay tại sân nhà.
Tư duy mới trong quản trị nguồn nhân lực
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng cùng thế giới và cuộc chiến nhân tài đang diễn ra hiện nay, thì lời giải cho bài toán năng lực cạnh tranh toàn cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam không nằm ở đâu khác ngoài việc tư duy lại về phương pháp, chiến lược cũng như năng lực của người làm nhân sự, chứ không đơn thuần là cách quản lý theo hồ sơ, tài liệu, tính lương thưởng như hiện nay.
Theo nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội Quản trị Nhân sự Hoa Kỳ (SHRM), tổ chức lớn và có ảnh hưởng toàn cầu dành cho những người làm nghề Quản trị Nhân sự cho rằng ba thách thức lớn nhất đặt ra cho những người làm Nhân sự là “Giữ chân và tưởng thưởng người tài”, “Phát triển đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm” và “Xây dựng một văn hóa doanh nghiệp có khả năng thu hút những người giỏi nhất đến làm việc”. Với nghiên cứu này, SHRM cũng khẳng định mạnh mẽ rằng vai trò của những người làm nhân sự trong thời đại mới không còn giới hạn trong những công việc quản trị hành chính, vận hành, mà đã mở rộng hết sức mạnh mẽ sang những công việc mang tầm chiến lược, đòi hỏi sự thấu hiểu về tầm nhìn, định hướng và bản chất kinh doanh, cũng như khả năng xây dựng văn hóa doanh nghiệp và giữ chân, phát triển người tài thành đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm cho công ty trong tương lai.
Để làm được điều này, giới nhân sự cần trang bị cho bản thân những kiến thức và năng lực mới theo chuẩn mực toàn cầu, từ đó chủ động đưa ra những chiến lược tìm kiếm, phát triển và giữ chân người tài thành đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm cho doanh nghiệp trong tương lai.
(Nguồn docngam.com)
Xin vui lòng xem thông tin chi tiết tại: http://shrm.pace.edu.vn/
Để lại một bình luận