Tiên trách sếp, hậu trách nhân viên

Tiên trách sếp, hậu trách nhân viên
0 Shares


Xưa có câu “”tiên trách kỷ, hậu trách nhân””. Thế nên, trước khi trách mắng nhân viên về bất kỳ điều gì đó, các sếp cũng nên nhìn lại xem mình có khuyết điểm gì đáng để lưu tâm và sửa chữa hay không.

“Giận cá chép thớt” thay vì lời “chào buổi sáng”

Hôm nào đó thấy sếp vô cớ nổi cáu với nhân viên bởi những điều không đáng là họ biết ngay sếp đang có chuyện gì đó “có vấn đề”. Bao nhiêu bực dọc chưa được tháo gỡ sẽ trút hết lên đầu nhân viên. “”Phải cười mỗi khi sếp tươi vui, phải biết cúi đầu mỗi khi sếp lầm lì, tức giận”” – đó là cách đối phó của nhân viên với kiểu sếp luôn để tâm trạng chi phối công việc chung. Và cũng là câu cửa miệng mà mỗi nhân viên trong công ty luôn ý thức nhắc nhở nhau. Thật nặng nề khi bắt đầu một ngày làm việc nhân viên cứ phải nhìn thấy sếp mặt lầm lì, cúi gằm xuống đất, đi thẳng vào phòng.

Nịnh ngược

Cứ tưởng chỉ có nhân viên nịnh sếp chứ ai đời lại có cả kiểu sếp xu nịnh nhân viên. Là một lãnh đạo công ty, nhưng sếp luôn sợ làm mất lòng tất cả mọi người. Chưa bao giờ thấy sếp “dám” nổi cáu với bất cứ ai mà thay vào đó là đi phàn nàn về nhân viên này với nhân viên kia. Có đáng không khi mà sếp là người giữ chức cao nhất và còn là người trả lương cho cả một tập thể? Hà cớ gì mà không phê bình, kiểm điểm với cương vị là một người sếp, mỗi khi nhân viên sai phạm quy chế hay nguyên tắc làm việc của công ty?.

Xem thêm  10 tình huống phỏng vấn hài hước

Không ưa nhân viên thân mật với nhau

Đa số sếp nào cũng lo lắng việc các nhân viên trong công ty thân mật với nhau theo kiểu “cùng hội cùng thuyền”. Mặc dù, sếp luôn tạo bề ngoài có vẻ hài hòa theo kiểu “văn hóa công sở”, song trên thực tế lại muốn quay trở lại thời kỳ “gia đình trị” để dễ bề thao túng nhân viên. Và những mối quan hệ thân mật như vậy sẽ sớm trở thành khắc tinh của sếp.

Thói ki bo

Thông thường, mỗi khi có thông báo liên hoan để chúc mừng cho sự kiện nào đó, là cả công ty xôn xao lên về việc “hôm nay không biết sẽ được ăn uống ở nhà hàng nào?” hay “chi phí cho mỗi xuất ăn là bao nhiêu?” và “ai sẽ được sếp tín nhiệm đi chợ?”… Mặc dù luôn tuân thủ “tinh thần tiết kiệm” triệt để của sếp, nhưng sau những buổi tiệc ấy, thì nhân viên được giao chịu trách nhiệm tổ chức vẫn bị gọi vào phòng và nghe sếp phê bình cho hết buổi; nào là đồ ăn không ngon, không phù hợp với giá tiền; và rồi cuối cùng là “em đã làm tôi thất vọng quá”.

Ai cũng có thể mắc lỗi nhưng quan trọng hơn cả phải biết tự điều chỉnh kịp thời để không làm ảnh hưởng tới mình và cả với những người xung quanh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *