Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hoà giải viên

Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hoà giải viên
0 Shares

Lao động hiểu nôm na là sự giao kết thỏa thuận của các bên về tiền công và khối lượng công việc. Tuy nhiên trong lao động khó tránh khỏi những tranh chấp phát sinh đòi hỏi phải được giải quyết bởi những bên thứ ba có thẩm quyền hòa giải. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên.

1. Quy định pháp luật về tranh chấp lao động:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 nêu lên khái niệm tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, tranh chấp lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; Hiểu một cách đơn giản, tranh chấp lao động là mâu thuẫn giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động và người lao động thường có không ít những mâu thuẫn về quyền và lợi ích đối lập nhau, hoặc trong chính bản thân người lao động cũng tồn tại những mâu thuẫn với nhau. Từ đó hình thành lên tranh chấp lao động.

Căn cứ theo điều 179 Bộ luật Lao động 2019 thì các loại tranh chấp lao động được chia thành các loại sau đây:

Thứ nhất, tranh chấp lao động cá nhân giữa:

– Người lao động với người sử dụng lao động;

– Người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Thứ hai, tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

+ Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;

+ Tranh chấp khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thỏa thuận trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động: 

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại Điều 180 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

– Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng và thỏa thuận hòa giải của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

– Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua việc hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội và không được trái pháp luật.

– Công khai, minh bạch, khách quan, nhanh chóng và đúng với quy định của pháp luật.

– Bảo đảm có sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình tiến hành giải quyết tranh chấp lao động.

Xem thêm  Vợ/chồng có thể đứng tên nhà đất một mình được không?

– Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động được thực hiện sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên cần giải quyết tranh chấp đồng ý.

3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động:

Tranh chấp lao động bao gồm: tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào mỗi loại tranh chấp lao động mà thẩm quyền giải quyết sẽ khác nhau, cụ thể như sau:

3.1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

– Hòa giải viên lao động;

– Hội đồng trọng tài lao động;

– Tòa án nhân dân.

Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

– Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

– Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

– Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

3.2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:

– Hòa giải viên lao động;

– Hội đồng trọng tài lao động;

– Tòa án nhân dân.

Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

3.3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích:

Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

– Hòa giải viên lao động;

– Hội đồng trọng tài lao động.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.

4. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hoà giải viên:

4.1. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng.

Xem thêm  Các biện pháp bảo vệ quyền của lao động nữ hiệu quả nhất

4.2. Các tranh chấp không phải thông qua thủ tục hoà giải của Hoà giải viên Lao động:

Thông thường các tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hoà giải của Hoà giải viên lao động trước khi yêu cầu giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động hoặc Toà án giải quyết. Tuy nhiên, các tranh chấp sau đây có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Toà án giải quyết luôn mà không cần phải qua bước Hoà giải viên lao động, gồm có:

– Tranh chấp về việc xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, về trợ cấp khi kết thúc hợp đồng lao động;

-Tranh chấp về thực hiện bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

4.3. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hoà giải viên:

Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hòa giải viên lao động được thực hiện theo trình tự các bước dưới đây:

Bước 1: Gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động tới Hòa giải viên

Các bên tranh chấp có thể gửi đơn tới Hoà giải viên lao động hoặc gửi đơn thông qua cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Uỷ ban nhân dân (Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội). Trường hợp gửi về cơ quan chuyên môn về lao động thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động;

Trường hợp gửi đơn trực tiếp tới Hoà giải viên lao động, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quản lý về lao động thuộc Uỷ ban nhân dân, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

Bước 2: Hòa giải viên lao động tiến hành phiên họp hòa giải:

Sau khi tiếp nhận đơn, hòa giải viên gửi giấy thông báo các bên đến cuộc họp hòa giải. Các bên tranh chấp có thể tự tham gia hoặc uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Khi tiến hành cuộc họp, hoà giải viên có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp;

– Trường hợp các bên thoả thuận được thì hoà giải viên lập biên bản hoà giải thành. Nếu các bên không thoả thuận được, hoà giải viên lao động đưa ra phương án để các bên xem xét. Nếu các bên chấp nhận thì lập biên bản hoà giải thành;

– Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Bước 3: Lập biên bản hòa giải:

Biên bản hoà giải thành hoặc không thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày lập biên bản, phải gửi bản sao biên bản tới các bên tranh chấp.

Trường hợp trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn 05 ngày làm việc mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:

– Bộ Luật lao động năm 2019

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *