Hình như đã qua rồi cái thời chỉ ngồi trên bàn vi tính hay làm trong công ty cho đủ 8 tiếng/ngày. Có những người đi làm ở công sở mà thời gian đã đạt cấp độ “pro” (chuyên nghiệp): không bị ai quản lý quá chặt chẽ.
Lý do: những người trẻ ấy làm việc hiệu quả và được tin cậy.
Chân dung những kẻ… quái lạ
Nguyễn Hữu Thanh là một “gã” ốm nhom, mái tóc lúc nào cũng dài lòa xòa, rất thường xuyên la cà từ các góc cà phê vỉa hè đến các quán cà phê khu vực hồ Con Rùa (quận 1, TP.HCM). Khi thì “gã” tốp năm tốp ba uống cà phê, bàn tán rất sôi nổi; lúc chỉ một mình trầm ngâm, bất kể giờ giấc hành chính.
Một ngày thứ bảy cuối tuần, chúng tôi bỗng gặp Thanh ở nhà hát Hòa Bình (quận 10, TP.HCM), tất bật chuẩn bị sân khấu cho chương trình “Tiếng hát truyền hình”, hết để ý các góc quay phim chuẩn bị cho truyền hình trực tiếp đến bố trí bố cục sân khấu sao cho phù hợp nhất ý đồ đêm diễn. Thì ra “gã” là giám đốc nghệ thuật (art director), chuyên thiết kế và đạo diễn sân khấu của Công ty Cát Tiên Sa.
Một anh chàng khác cũng thế, Phùng Hải, trưa trưa mới vào công ty, hôm nào mệt quá là phi thẳng về nhà làm một giấc, tối đến lại lao vào công việc. Hải không giấu: “Với tôi, ban ngày năng lượng làm việc không nhiều bằng ban đêm, nên những vấn đề phức tạp như viết khung sườn dự án (lên kế hoạch công việc, tính toán nhân lực…) luôn phải để dành cho buổi tối”. Có khi Hải đột ngột biến mất khỏi công ty vài ngày, đi vi vu đâu đó. Ai mà nghĩ ra Hải đang là quản trị dự án (project manager) Global SyberSoft, vài tháng lại cắp cặp táp sang công ty mẹ (ở Mỹ) làm việc, với mức lương trên 2.000 USD/tháng.
Còn ở cà phê Highland (tòa nhà 33 tầng, quận 1), nhiều nhân viên phục vụ quen hình ảnh một anh chàng bùi bụi, áo thun, quần lửng, đi giày bata, tóc cắt ngắn sát đầu, kèm bộ râu quai nón ngày nào cũng ngồi lì với một hai người bạn, vẽ vẽ viết viết, rồi tranh cãi gay gắt. Đó là trợ lý giám đốc bộ phận sáng tạo (associate creative director) Công ty quảng cáo Leo Burnett, tên Đào Văn Hoàng. Anh chàng tự bạch: “Không thích ngồi trong bốn bức tường của công ty, nghĩ mãi chẳng ra ngô ra khoai gì”.
Thời gian của “đẳng cấp”
Để được đặc quyền ấy khi đương là nhân viên của các công ty “đại gia” là cả một quá trình phấn đấu. Nguyễn Thị Mai Trâm từ vị trí một nhân viên bình thường ở Công ty Chuo Senko, vừa làm vừa học thêm, trong tám năm mới được tin tưởng giao vị trí giám đốc phòng khách hàng (account director), chuyên xây dựng những chiến lược quảng cáo. Buổi sáng Trâm thường được phép vào công ty trễ.
Nguyễn Trọng Điểm, tay security (bảo mật) của Công ty Nam Trường Sơn, được nhiều người trong giới “nể sức làm việc kinh khủng”. Ông Nguyễn Thanh Tú, giám đốc công ty này, khẳng định Điểm là “được chủ động về thời gian vì anh làm việc hiệu quả”.
Nguyễn Hữu Thanh lần đầu tiên đảm nhận vai trò đạo diễn sân khấu cho một sân khấu nhạc rock đã trăn trở suốt 10 ngày tìm ý tưởng. Kết quả sau đó Thanh khiến nhiều fan nhạc rock đến giờ vẫn còn thấy “đã” về sân khấu trong đêm diễn của nhóm nhạc Bức Tường. Ông Nguyễn Quang Minh, giám đốc Cát Tiên Sa, cho biết: “Hoạt động công ty cũng yêu cầu kỷ luật về thời gian nhưng chính sách cho những người ở vị trí như Thanh thường không bị gò bó về giờ giấc. Hiệu quả công việc và sáng tạo là hàng đầu”.
Để lại một bình luận