Thẻ BHYT cựu chiến binh: Mã thẻ BHYT và mức hưởng BHYT?

Thẻ BHYT cựu chiến binh: Mã thẻ BHYT và mức hưởng BHYT?
0 Shares

Xã hội ngày càng phát triển, các biện pháp bảo đảm chất lượng sống của người dân ngày càng tăng. Một trong những phương diện bảo đảm cuộc sống cho người dân là việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Thẻ bảo y tế được liên quan đến nhiều đối tượng sử dụng. Mỗi đối tượng khác biệt sẽ được hưởng chế độ khác nhau. Dưới đây là bài phân tích về thẻ bảo hiểm y tế cựu chiến binh: Mã thẻ bảo hiểm y tế và mức hưởng bảo hiểm y tế.

1. Những đối tượng được cấp bảo hiểm y tế cựu chiến binh:

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, các đối tượng được cấp bảo hiểm y tế cựu chiến binh bao gồm:

Thứ nhất,cựu chiến binh tham gia kháng chiến từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh cựu chiến binh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 150/2006/NĐ-CP), được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh cựu chiến binh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 157/2016/NĐ-CP).

Thứ hai, cựu chiến binh tham gia kháng chiến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh cựu chiến binh và tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP của Chính phủ, gồm:

Thứ ba, quân nhân, công nhân viên quốc phòng đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (sau đây gọi tắt là Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg);

Thứ tư, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 chuyên ngành về làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (không được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg);

Thứ năm, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã phục viên, nghỉ hưu hoặc chuyển ngành về làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

Xem thêm  Các trường hợp và thủ tục điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng

Thứ sáu,dân quân, tự vệ đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg . 

Như vậy, chỉ khi thuộc một trong các đối tượng theo quy định tại điều luật trên, cá nhân mới có thể được cấp bảo hiểm y tế cựu chiến binh. Quy định mà Nhà nước đưa ra giúp bảo đảm sự khách quan, công bằng trong chính sách cấp bảo hiểm y tế của Đảng, Nhà nước ta.

2. Giá trị, ý nghĩa của việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho cựu chiến binh:

– Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Hay nói một cách khác, bảo hiểm y tế là một loại bảo hiểm bảo đảm cho sức khỏe của người dân mà Nhà nước bắt buộc mọi người dân phải tham gia.

– Xác định được ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo y tế cho người dân, hiện nay, Nhà nước đưa ra rất nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân về các khoản phí đóng bảo hiểm y tế này. Các biện pháp hỗ trợ của Đảng và Nhà nước giúp người dân vừa được đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm y tế, vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân. 

– Cựu chiến binh là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tham gia đơn vị vũ trang chiến đấu chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã nghỉ hưu, chuyển ngành, phục vụ hoặc xuất ngũ. Đây là những người từng tham gia chiến đấu, tham gia quân đội, phục vụ bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân. Cựu chiến binh là những người lính đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ và duy trì nền hòa bình của nước nhà. Họ là những đối tượng được nhà nước và nhân dân ghi công vì những đóng góp cho nước. Vậy nên, hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn cố gắng thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ cựu chiến binh.

– Việc nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho cựu chiến binh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

+ Thứ nhất, nó là biểu hiện rõ ràng nhất của truyền thống phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam: Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho cựu chiến binh là một trong những hình thức hỗ trợ của Nhà nước dành cho đối tượng này. Bởi thực tế, cựu chiến binh là những người có công với Cách mạng. Họ đã tham gia vào hoạt động đấu tranh, gìn và giữ độc lập dân tộc. Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế là một trong những hình thức thể hiện sự trân trọng, biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho các cựu chiến binh.

+ Thứ hai, Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế giúp các cựu chiến binh được bảo đảm về sức khỏe. Xét về độ tuổi, cựu chiến binh là những người lớn tuổi. Sức khỏe của họ đã sa sút, không còn được đảm bảo. Vậy nên, họ thường xuyên phải thăm khám sức khỏe. Khi có bảo hiểm y tế, cựu chiến binh sẽ giảm bớt được những khoản chi phí khám chữa bệnh. Cùng với đó, sức khỏe của đối tượng này cũng thường xuyên được chăm sóc, bảo đảm.

Xem thêm  Thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan bao nhiêu lâu?

3. Mã thẻ bảo hiểm y tế và mức hưởng bảo hiểm y tế của cựu chiến binh:

3.1. Mã thẻ bảo hiểm y tế của cựu chiến binh:

 Theo quy định tại mục 2.1 của công văn 713/BHXH-CSYT, về việc đổi mã hưởng BHYT đối với đối tượng Người có công với cách mạng như sau: 

+ Đối tượng Người có công với cách mạng được quy định tại khoản 3, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, đối tượng Người tham gia kháng chiến được quy định tại khoản 5, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

+ Tuy nhiên, một số Người tham gia kháng chiến được hưởng trợ cấp theo các quyết định: Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 01/11/2005, Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06/12/2007, Quyết định số 170/2008/QĐ-TTg ngày 18/12/2008, Quyết định số 40/20 11/QĐ -TTg ngày 27/7/2011, Quyết định số 49/2015/QĐ -TTg ngày 14/10/2015 và Nghị định số 112 /2017/ NĐ -CP ngày 06/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến thuộc đối tượng Người có công với cách mạng. Vì vậy, theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật BHYT, Người tham gia kháng chiến đồng thời là Người có công thì mức hưởng BHYT theo Người có công với cách mạng (mã hưởng BHYT là 2).

Cựu chiến binh là đối tượng được áp dụng cấp mã thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại điều luật trên.

3.2. Mức hưởng bảo hiểm y tế của cựu chiến binh:

– Theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2014, người có công với cách mạng, cựu chiến binh thuộc nhóm được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí do ngân sách Nhà nước đóng.

– Theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 22 Luật bảo hiểm y tế 2014, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h và i khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 của Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh phí này không đủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Như vậy, theo quy định tại điều luật này, cựu chiến binh được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Có thể thấy, Nhà nước đã đưa ra những quy định rõ ràng và cụ thể về mức hưởng bảo hiểm y tế cựu chiến binh. Đây được xem là một trong những biện pháp hỗ trợ mà Đảng và Nhà nước đưa ra nhằm hỗ trợ cựu chiến binh. Đồng thời, chính sách hỗ trợ này không chỉ giúp các cựu chiến binh có nền tảng bảo đảm về sức khỏe, mà còn thúc đẩy sự phát triển của xã hội, khi mà tinh thần tương thân tương ái được coi trọng và đẩy mạnh thực hiện trong thực tiễn.

Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: 

– Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014

– Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *