Có được thái độ phục vụ tốt là một trong những yêu cầu quan trọng đối với những người bán hàng. Nhiều giám đốc bán hàng thất bại vì họ không biết giữ thái độ tích cực trong công việc hàng ngày và dễ dàng rơi vào tình trạng khủng hoảng khi gặp thất bại…
Theo Tom Hopkins, một chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng rất nổi tiếng trên thế giới, được xem là “người khai sinh những kỷ lục bán hàng” thì chìa khoá cho sự thành công của một người bán hàng nằm ở chỗ làm thế nào để đương đầu với thất bại. Đây không phải là một năng khiếu tự nhiên, mà là một kỹ năng được rèn luyện mới có. Hopkins cho rằng, trước thất bại, người ta có thể bị chi phối bởi nhiều suy nghĩ, cảm xúc cá nhân, dẫn đến việc “từ chối thực tại”. Vì vậy, điều quan trọng mà người bán hàng phải làm lúc này là tập trung vào mục tiêu và học cách thay đổi thái độ. Theo Hopkins, có năm phương châm để làm điều này khi gặp thất bại:
1. Thất bại là một dịp để học hỏi kinh nghiệm
Mỗi lần không bán được hàng là một dịp để rút ra những kinh nghiệm bổ ích, mỗi một thử thách mà bạn đang đối diện cũng là một dịp để phát huy mọi năng lực cá nhân. Thomas Edison đã từng thực hiện hơn một ngàn thí nghiệm mới làm ra được bóng đèn điện. Khi được hỏi: “Làm thế nào để ông có thể tiếp tục công việc sau hơn một ngàn lần gặp thất bại?”, Edison trả lời: “Tôi không thất bại một ngàn lần, mà tôi đã học được một ngàn cách làm không có tác dụng”.
2. Thất bại là một phản hồi xấu báo hiệu cho rằng cần phải thay đổi hướng hành động
Trong thực tế, chúng ta thường thụ động áp dụng nhiều lần những kỹ năng không có tác dụng tốt trong việc bán hàng, lặp lại nhiều lần một giải pháp sai cho một vấn đề mặc dù đã gặp thất bại trước đó. Hopkins khuyên rằng, khi đứng trước một thất bại, hãy nghĩ xem còn có giải pháp nào không và tìm cách thay đổi hướng hành động.
3. Thất bại là một cơ hội để phát huy khiếu hài hước
Có bao giờ bạn gặp một tình huống thất bại “dở khóc, dở cười” khi làm một cuộc thuyết trình bán hàng chưa? Có thể bạn sẽ cảm thấy bị dằn vặt và chờ ba tuần sau mới kể lại câu chuyện này cho ai đó. Sự kiện đã qua ấy có thể trở thành một câu chuyện hài hước. Nhưng Hopkins khuyên rằng bạn không cần phải chờ lâu như thế. Hãy giải toả cho chính mình càng sớm càng tốt bằng cách biến những thất bại thành những câu chuyện hài hước để cùng đồng nghiệp rút kinh nghiệm, nếu không, những dằn vặt sẽ cứ ngự trị trong đầu và kéo bạn đi xuống.
4. Thất bại là một cơ hội để thực hành các kỹ năng và hoàn thiện khả năng làm việc
Khi đã có nhiều nỗ lực giới thiệu sản phẩm hay dịch vụ của mình đến khách hàng nhưng khách hàng vẫn không có ý định mua sắm, sử dụng sản phẩm hay dịch vụ, thì hãy nghĩ rằng ít ra họ cũng đã tạo cho ta một cơ hội để thực hành kỹ năng thuyết trình và bán hàng của mình. Trên thực tế, nhiều người không nhận ra tầm quan trọng của việc làm này. Hãy đánh giá cao cơ hội được trình bày, giới thiệu sản phẩm để cố gắng hoàn thiện được khả năng bán hàng của mình.
5. Thất bại là một trò chơi cần phải chiến thắng
Bán hàng cũng giống như một cuộc chơi và chúng ta cần phải tìm hiểu quy luật của nó. May mắn chỉ đóng góp một vai trò nhỏ trong một cuộc chơi. Tom Hopkins đúc kết rằng, có một quy luật duy nhất áp dụng cho mọi tình huống là những người dám chấp nhận mạo hiểm, dám chấp nhận thất bại hôm nay có khả năng giành được nhiều chiến thắng trong tương lai.
Tóm lại, nếu bạn chấp nhận rủi ro, mạo hiểm, đôi khi chúng ta sẽ gặp thất bại. Nhưng mỗi khi gặp thất bại, ta càng tiến gần hơn đến thành công. Mỗi loại hình kinh doanh đều có những thử thách, trở ngại và khó khăn riêng, nhưng những yếu tố này chỉ có tính tạm thời nếu bạn biết cách điều khiển suy nghĩ của mình và xây dựng một thái độ đúng đắn khi gặp thất bại theo năm phương châm kể trên. Những người chiến thắng là những người biết cách vượt qua thất bại để tiến đến thành công.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại Đọc Ngẫm :
- Manulife tuyển dụng
- Salesman
- Công việc văn phòng
Để lại một bình luận