Thập đại đệ tử là danh xưng dùng để chỉ mười đệ tử quan trọng của Phật Thích-ca Mâu-ni, hay được nhắc nhở trong kinh sách Đại thừa.
Lịch sử Phật Giáo bắt đầu với đức Giáo chủ, Phật Thích Ca Mâu Ni, đản sinh tại Ấn Độ cách nay đã 26 thế kỉ. Khi Phật đã thành đạo và thành lập giáo đoàn với năm vị đệ tử tì kheo đầu tiên tại vườn Nai, mọi người dân Ấn vẫn chưa biết gì về Phật. Đến lúc giáo đoàn đông dần, và các vị đệ tử đầu tiên đã có đầy đủ khả năng và đạo hạnh để tự mình đi hành hóa các nơi, thì người ta mới bắt đầu nghe nói đến “Phật”!
Trong suốt cuộc đời hóa độ, số người qui hướng về đức Thế Tôn nhiều đến nỗi không đếm hết được; riêng chúng đệ tử xuất gia, cả tăng lẫn ni, cũng phải hàng vạn.
Từ Thành đạo cho đến Niết Bàn, Phật quy tụ xung quanh hào quang của Ngài một số đệ tử cả xuất gia lẫn tại gia. Trong số này, những bậc xuất sắc ưu tú, chứng được thánh quả A La Hán gồm có 1250 vị.
Trong số thánh chúng đệ tử của Đức Phật, không phải vị nào cũng có sở trường và hạnh nguyện giống nhau, mà mỗi vị đều có nét đặc biệt của riêng mình, và khi nói đến điều này thì người ta thường nhắc đến “Mười Vị Đệ Tử Lớn (Thập Đại Đệ Tử) của Phật”.
Thập đại đệ tử (mười đệ tử) của Đức Phật là ai?
Theo kinh điển Phật giáo Bắc truyền thì thứ tự danh vị của 10 vị này như sau:
Ma-ha-ca-diếp: Đầu-đà (tu khổ hạnh) đệ nhất, được xem là Sơ tổ Thiền tông Ấn Độ; ông là người yêu cầu mở đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên của Phật giáo.
Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất, hay đi đôi với Xá-lợi-phất; sau khi xuất gia được 7 ngày ông đã đoạn trừ hết các lậu hoặc, chứng quả A-la-hán.
Phú-lâu-na: Thuyết Pháp đệ nhất.
Tu-bồ-đề: Giải Không đệ nhất. Tu-bồ-đề thường xuất hiện trong kinh điển hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa.
Xá-lợi-phất: Trí huệ đệ nhất, đệ tử quan trọng nhất của Phật trong các kinh Tiểu thừa; trước khi xuất gia, ông là một luận sư nổi tiếng trong giáo đoàn Bà-la-môn.
La-hầu-la: Mật hạnh đệ nhất, ông cũng là người con duy nhất của Thái tử Tất-đạt-đa (sau này thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni).
A-nan-đà: Đa văn đệ nhất, người “nghe và nhớ nhiều nhất”, được xem là Nhị tổ Thiền tông Ấn Độ. A-nan-đà hay được trình bày trong tranh tượng đứng bên cạnh Phật cùng với Ma-ha-ca-diếp; tuy là Đa văn đệ nhất nhưng sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn ông mới chứng quả A-la-hán rạng sáng ngày kết tập kinh điển đầu tiên.
Ưu-bà-li: Giới luật đệ nhất;
A-na-luật: Thiên nhãn đệ nhất;
Ca-chiên-diên: Biện luận đệ nhất;
Theo Phật học Đại từ điển, danh vị 10 đại đệ tử giống như kinh điển Bắc truyền, nhưng thứ tự có thay đổi:
Xá-lợi-phất: Trí huệ đệ nhất
Mục-kiền-liên: Thần thông đệ nhất
Ma-ha-ca-diếp: Đầu đà đệ nhất
A-na-luật: Thiên nhãn đệ nhất
Tu-bồ-đề: Giải không đệ nhất
Phú-lâu-na: Thuyết Pháp đệ nhất
Ca-chiên-diên: Luận nghĩa đệ nhất
Ưu-bà-li: Trì luật đệ nhất
La-hầu-la: Mật hành đệ nhất
A-nan-đà: Đa văn đệ nhất
Độc giả có thể đọc cả 4 bài trước đó trong mục Tin liên quan dưới bài này. Hãy đọc docngam.com khi bạn cần TIN MỚI NHẤT về Phật giáo.
Tâm Như
Để lại một bình luận