Tập quán thương mại quốc tế cũng là một trong những nguồn luật cơ bản điều chỉnh hợp đồng kinh doanh quốc tế. Tập quán thương mại quốc tế là gì? Áp dụng tập quán thương mại quốc tế như thế nào?
1. Tập quán thương mại quốc tế là gì?
Tập quán thương mại là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Cũng có rất nhiều loại tập quán thương mại được áp dụng trên thế giới và từng vùng địa lý.
Trong buôn bán quốc tế, tập quán thương mại có tác dụng không những giải thích những điều khoản của hợp đồng, mà còn hướng dẫn việc thực hiện các hợp đồng đó và bổ sung cho hợp đồng những điều khoản mà các bên chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể. Tập quán thương mại có thể là tập quán ngành của một ngành cụ thể, tập quán địa phương, tập quán chung của cả nước hay tập quán quốc tế.
Tập quán thương mại quốc tế cũng là một trong những nguồn luật cơ bản điều chỉnh hợp đồng kinh doanh quốc tế. Tập quán thương mại quốc tế, trước tiên là những thói quen thương mại được công nhận rộng rãi. Những thói quen thương mại sẽ được công nhận và trở thành tập quán thương mại khi thỏa mãn 3 yêu cầu sau:
– Là một thói quen phổ biến, được nhiều nước áp dụng và áp dụng thường xuyên;
– Về từng vấn đề và ở từng địa phương, đó là thói quen duy nhất;
– Là một thói quen có nội dung rõ ràng mà người ta có thể dựa vào đó để xác định quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Thông thường, các tập quán quốc tế được chia thành 3 nhóm: các tập quán có tính chất nguyên tắc, các tập quán quốc tế chung và các tập quán thương mại khu vực.
Tập quán có tính chất nguyên tắc là những tập quán cơ bản, bao trùm, được hình thành trên cơ sở của những nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và bình đẳng giữa các dân tộc. Ví dụ, tập quán “được quyền chọn luật” cho phép các đương sự được quyền chọn luật nước ngoài để điều chỉnh cho hợp đồng mà mình ký; tập quán “luật quốc tịch” quy định pháp nhân mang quốc tịch nước nào thì địa vị pháp lý của nó do luật nước đó quy định; tập quán “tòa án hoặc trọng tài nước nào khi giải quyết tranh chấp có quyền áp dụng các quy tắc tố tụng của nước đó”.
Tập quán thương mại quốc tế chung là các tập quán thương mại được nhiều nước công nhận và được áp dụng ở nhiều nơi, nhiều khu vực. Ví dụ như các điều kiện thương mại quốc tế do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) tập hợp và soạn thảo trong đó quy định các điều kiện thương mại khác nhau (như điều kiện FOB, CFR…) được rất nhiều nước trên thế giới thừa nhận và áp dụng. INCOTERMS được ban hành lần đầu tiên vào năm 1936, và phiên bản gần đây nhất là INCOTERMS năm 2010.
Các tập quán thương mại khu vực (địa phương) là các tập quán thương mại quốc tế được áp dụng ở từng nước, từng khu vực. Ví dụ, ở Hoa Ký cũng có điều kiện giao hàng FOB nhưng nghĩa vụ của người bán theo FOB của Hoa Kỳ sẽ nặng hơn nhiều so với điều kiện FOB trong Incoterms của ICC.
2. Các trường hợp áp dụng cho hợp đồng kinh doanh quốc tế:
Tập quán thương mại quốc tế sẽ được áp dụng cho hợp đồng kinh doanh quốc tế trong các trường hợp sau:
– Khi chính hợp đồng kinh doanh quốc tế quy định;
– Khi các điều ước quốc tế liên quan quy định;
– Khi luật thực chất (luật quốc gia) do các bên thỏa thuận lựa chọn, không có quy định hoặc có quy định nhưng không đầy đủ về vấn đề tranh chấp.
Khi áp dụng tập quán thương mại quốc tế, các bên cần phải chứng minh nội dung của tập quán đó. Bởi vậy, sẽ thuận lợi hơn nếu các bên có được thông tin đầy đủ về tập quán thương mại khi họ bước vào đàm phán ký kết hợp đồng kinh doanh quốc tế.
3. Áp dụng tập quán thương mại quốc tế:
Mặc dù đều coi trọng pháp điển hóa và xây dựng các bộ luật mà mỗi bộ luật cố gắng bao quát các quy tắc của cả một ngành luật, nhưng việc áp dụng các bộ luật trong sự cân đối với áp dụng các tập quán cũng có sự khác nhau ở các nước thuộc Civil Law. Nói đơn giản, nguồn của pháp luật là nơi chứa đựng các quy tắc pháp luật hoặc các giải pháp pháp lý để áp dụng cho các trường hợp tranh chấp xảy ra trong tương lai. Về mặt lý luận, nguồn của pháp luật được xem là hình thức biểu hiện bên ngoài của pháp luật. Các luật gia Việt Nam quan niệm hình thức pháp luật là cách thức mà giai cấp thống trị sử dụng để thể hiện ý chí của giai cấp mình thành pháp luật, và nhận định: “Trong lịch sử đã có ba hình thức được các giai cấp thống trị sử dụng để nâng ý chí của giai cấp mình thành pháp luật là tập quán pháp, tiền lệ pháp và văn bản quy phạm pháp luật ”. Trong khi đó, các luật gia trên thế giới có quan niệm rộng rãi hơn về nguồn của pháp luật, có thể bao gồm:
(1) Văn bản pháp luật: văn bản lập pháp và văn bản lập pháp ủy quyền;
(2) Tiền lệ pháp: báo cáo pháp luật và án lệ;
(3) Tập quán pháp;
(4) Thói quen ứng xử;
(5) Hợp đồng giữa các bên;
(6) Học thuyết pháp lý;
(7) Lẽ công bằng.
Tập quán pháp là một trong những loại nguồn pháp luật bất thành văn, nhưng nhiều khi được người ta tập hợp và ghi chép lại dưới dạng văn bản. Dựa trên vai trò của các loại nguồn trong các hệ thống pháp luật cụ thể, nguồn pháp luật có thể được phân loại thành nguồn chính thức và nguồn bổ sung.
Trong các truyền thống pháp luật và trong các hệ thống pháp luật cụ thể, việc chấp nhận các loại nguồn pháp luật và thứ tự ưu tiên các loại nguồn có thể khác nhau. Tuy nhiên, tập quán pháp được xem là một loại nguồn pháp luật ở hầu hết các nền tài phán. Tập quán pháp có thể được xem là loại nguồn chính thức trong hệ thống pháp luật này, nhưng có thể được xem là loại nguồn bổ sung trong hệ thống pháp luật khác.
Trong thương mại quốc tế, Unidroit xuất phát từ quan niệm: tập quán nếu được áp dụng ràng buộc các bên như các điều khoản ngầm định trong hợp đồng, do đó xem tập quán có giá trị áp dụng cao hơn những quy định của Bộ nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế. Theo nghĩa này, tập quán có thứ tự ưu tiên áp dụng cao hơn các quy định của luật thành văn, bởi lẽ khi có một tranh chấp xảy ra giữa các bên trong quan hệ hợp đồng, thì hợp đồng phải là nguồn pháp luật đầu tiên được xem xét để rút ra các giải pháp để giải quyết tranh chấp.
4. Vai trò của tập quán trong thương mại quốc tế:
Trong quan hệ thương mại quốc tế, tập quán có thể được áp dụng nếu đáp ứng được những điều kiện sau: Các bên trong hợp đồng có thỏa thuận sử dụng; Luật quốc gia do các bên trong hợp đồng lựa chọn không có hoặc có nhưng không đầy đủ để giải quyết vấn đề phát sinh; Điều ước quốc tế có liên quan không quy định về vấn đề xảy ra.
Đóng vai trò bổ trợ, tập quán không những giải thích những điều khoản của hợp đồng mà còn hướng dẫn việc thực hiện các hợp đồng đó và bổ sung cho hợp đồng những điều khoản mà các bên chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể.
Tập quán, với tính chất là những thói quen, phong tục trong thương mại được áp dụng một cách thường xuyên, nội dung tường minh, có thể đảm nhiệm vai trò này. Tập quán thương mại trong việc hình thành nên các quyết định xét xử với ý nghĩa là một loại nguồn phổ biến.
Không những bổ trợ cho hợp đồng, tập quán còn có thể đứng độc lập như một nguồn luật, cùng các nguồn luật khác (luật quốc gia, điều ước quốc tế hay thậm chí kể cả án lệ) giải quyết những vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế. Vì rằng một nguồn luật khó có thể độc lập giải quyết một sự việc, việc kết hợp các nguồn luật khác nhau là để bổ sung cho nhau, giải quyết chặt chẽ mọi vấn đề.
Vai trò tuy quan trọng là vậy, nhưng các bên trong quan hệ thương mại quốc tế cũng cần hết sức cân nhắc khi lựa chọn một bộ tập quán nào để giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Bởi lẽ, tập quán hiện có rất nhiều, và nội dung của tập quán có thể gây nhầm lẫn, dẫn đến việc áp dụng sai nếu nghiên cứu chưa kỹ.
Ngoài những tập quán bất thành văn như nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng bình đẳng dân tộc, hiện naycòn có một số tập quán thành văn được sử dụng rộng rãi trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam và các nước như tập quán trong giao hàng (Incoterms), tập quán thanh toán (UCP 500), ngoài ra còn có các tập quán trong việc vận chuyển hàng hóa quốc tế, bảo hiểm,…Tập quán không chỉ bù đắp các khiếm khuyết của luật thành văn trong việc điều tiết các quan hệ dân sự, thương mại, mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển các loại nguồn pháp luật khác như: văn bản QPPL, tiền lệ pháp, học thuyết pháp lý và lẽ công bằng. Tập quán nói chung và tập quán thương mại nói riêng còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của tiền lệ pháp.
Để lại một bình luận