Bạn đang giữ một vị trí quản lý trong công ty? Có bao giờ bạn nhận thấy xung quanh mình có những người dù đang giữ những chức vụ có vẻ “không cao” nhưng ai cũng phải “ngước nhìn”. Tiếng nói của họ dường như rất có ảnh hưởng, rất có trọng lượng đối với mọi người, thậm chí cả với cấp trên…
Hình như cô thư ký của sếp trông có vẻ như vậy nhất ! Ngược lại, bạn đang là trưởng phòng, phó phòng vậy mà cấp trên không để tâm đến ý kiến của bạn. Thậm chí, có lúc bạn rơi vào tình trạng “trên bảo dưới không nghe”; ý kiến của bạn đôi khi không được thực hiện trôi chảy…
Tại sao vậy? Phải chăng bạn không có quyền lực trong công ty? Hay những người ở các vị trí “không cao” đó đã xây dựng quyền lực bằng một cách nào đó? Hay bạn không nhận biết quyền lực của mình và sử dụng nó một cách đúng đắn để quản lý và điều hành công việc…?
Trước hết, hãy xét quyền lực là gì và quyền lực từ đâu mà có?
Nói một cách khái quát, quyền lực là khả năng gây ảnh hưởng đến người khác, mà cụ thể là hành vi và thái độ của họ. Giới chuyên môn ngành quản lý đồng ý rằng trong một tổ chức, một doanh nghiệp quyền lực thường xuất phát từ yếu tố chức vụ và yếu tố cá nhân.
Yếu tố chức vụ thường là do doanh nghiệp và cấu trúc của doanh nghiệp quy định (được gọi là quyền hạn – quyền lực do vị trí trong một tổ chức mang lại). Cô thư ký X chuyên truyền “ý chỉ” của sếp sẽ làm cho những người khác trong công ty luôn lắng nghe cô ấy, mặc dù có khi chưa chắc “khẩu lệnh” của cô ấy là ý của sếp!!!
Yếu tố cá nhân là do những đặc điểm, những hoàn cảnh cá nhân của từng người quy định. Anh Y., tuy chỉ là một chuyên viên nhưng là người ăn nói có duyên và thu hút mọi người. Anh lịch thiệp, hòa nhã do vậy rất được mọi người quý mến. Công việc của phòng dù thuộc trách nhiệm của anh hay không đều được giải quyết một cách thấu đáo, trôi chảy. Vì vậy, mọi người trong phòng luôn lắng nghe, tôn trọng, làm theo ý kiến của anh ấy và dường như anh ấy có một sự ảnh hưởng đáng kể với mọi người, kể cả trưởng phòng và cấp trên.
Vậy làm thế nào để xác định đâu là quyền lực của mình và làm thế nào để xác lập quyền lực đó?
Hãy thử trả lời các câu hỏi trong trắc nghiệm nhỏ dưới đây.
a. Bạn có phải là mẫu người có năng lực chuyên môn cao và được đồng nghiệp hoặc cấp trên tham khảo ý kiến về mặt chuyên môn hay không?
b. Bạn có luôn nỗ lực cống hiến hết mình vì lợi ích của tổ chức hay không? Bạn có phải là kiểu người luôn xuất hiện vào những lúc khó khăn của doanh nghiệp ?
c. Giá trị cá nhân của bạn có phù hợp với giá trị của tổ chức không? (ví dụ bạn là người thích làm việc hướng đến lợi ích khách hàng và công ty của bạn cũng yêu cầu giá trị tương tự).
d. Bạn có sức lôi cuốn, hấp dẫn người khác không? (chẳng hạn như ăn nói có duyên, có tướng “nhà quan “…).
e. Vị trí của bạn có mang tính trung tâm trong quan hệ công việc không? (nghĩa là các vị trí khác muốn có thông tin liên quan đến công việc của họ đều phải thông qua bạn).
f. Bạn có được quyền ra quyết định liên quan đến chuyên môn và tài chính không?
g. Bạn có nằm trong danh sách những vị trí chủ chốt của doanh nghiệp ?
h. Vị trí của bạn có mức độ hiện diện cao (hay được xuất hiện trước những người có tầm ảnh hưởng lớn) không?
Nếu các câu trả lời là “có” cho các câu hỏi từ a đến d mà ít rơi vào các câu hỏi còn lại, quyền lực của bạn có nguồn gốc chủ yếu từ yếu tố cá nhân. Ngược lại, nếu các câu trả lời là “có”, cho các câu hỏi từ e đến h và ít rơi vào các câu hỏi từ a đến d, quyền lực của bạn phần lớn là do doanh nghiệp và vị trí của bạn trong doanh nghiệp mang lại.
Hiểu và xác định rõ nguồn gốc của quyền lực, sẽ dễ dàng suy ra cách để xác lập quyền lực của mình.
Nếu nguồn gốc quyền lực là do tổ chức trao cho và quy định thì không còn gì để bàn bạc nữa. Nhưng nếu nguồn gốc quyền lực là do cá nhân, bạn có nên buồn không và làm sao đây?
Bạn còn nhiều cơ hội để gầy dựng quyền lực đấy vì những yếu tố còn lại bạn có thể làm thay đổi. Chẳng hạn ở yếu tố e, bạn nên bắt đầu chú ý đến việc thu thập thông tin quan trọng càng nhiều càng tốt; yếu tố f, bạn hãy lựa cơ hội thuận tiện, thích hợp để yêu cầu cấp trên giao quyền quyết định hoặc tăng thêm quyền quyết định cho bạn; còn yếu tố h, bạn nên phấn đấu, xung phong đảm nhận những công việc khó khăn, những dự án mang tính mới mẻ, mạo hiểm để có được sự hiện diện cao và sau cùng là lọt vào danh sách các vị trí chủ chốt!
Nếu bạn đã có được quyền lực nhất định do vị trí mang lại thì xin chúc mừng. Nhưng vấn đề đặt ra là những người xung quanh hay cấp dưới sợ bạn hay nể trọng bạn? Bạn đã có điều kiện “CẦN” để làm nên quyền lực. Cần chú ý đầu tư thêm vào điều kiện “ĐỦ” là các yếu tố cá nhân như nâng cao năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, thay đổi các giá trị bản thân cho phù hợp với giá trị doanh nghiệp hoặc rèn luyện sức thu hút mọi người, nhất là nếu bạn ở vị trí quản lý cao.
Tóm lại, để xây dựng, củng cố quyền lực cần phải xác định xem nguồn gốc quyền lực từ đâu đến và phát huy những thế mạnh, củng cố và xây dựng những điểm yếu hoặc chưa có để xác lập nó, nhất là khi bạn là người quản lý.
Hãy nhớ rằng là nhà quản lý, bạn không thể bỏ qua “tài sản quyền lực”, đó là một nguồn lực vô cùng quý giá. Hiệu quả công việc quản lý và việc sử dụng quyền lực có một mối liên hệ chặt chẽ. Hai yếu tố này có quan hệ như một đường parabol úp, có nghĩa là nếu quyền lực được sử dụng vừa đủ thì hiệu quả quản lý sẽ là ở đỉnh parabol (cao nhất), còn ngược lại nếu quyền lực được sử dụng quá ít hay quá nhiều đều mang lại hiệu quả thấp.
Để lại một bình luận