Sẻ chia, cho đi một phần mình đang có, là hạnh tu phổ biến của hàng Phật tử. Nhờ cho đi, không cố nắm giữ mà thành tựu phước báo đủ đầy, an vui trong hiện tại và vị lai. Hạnh thí xả của người con Phật luôn bắt đầu từ nơi tâm, rồi từ đó thể hiện ra bằng sự buông bỏ trong các phương diện của đời sống hàng ngày.
Không ít người nghĩ rằng, cho đi thì rất tốt nhưng muốn cho thì phải có cái để cho, ít ra thì mình cũng giàu có tiền bạc, dư dả vật chất. Suy nghĩ như vậy dĩ nhiên là không sai, nhưng kỳ thực, không phải lúc nào những người xung quanh ta cũng cần sẻ chia về tiền bạc, vật chất.
Có nhiều thứ khác nữa mà họ rất cần, trong khi mình luôn có sẵn mà lại không biết để cho. Vì thế, chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tạo phước cho chính mình.
Thế Tôn dạy, người nghèo cũng cho được, có nhiều thứ để cho, đó là: “Thí mạng, thí sắc, thí an, thí sức, thí biện”. Nếu hàng ngày chăm bố thí về năm phương diện này, chắc chắn thí chủ sẽ được phước báo thù thắng.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Ðàn-việt thí chủ, hàng ngày bố thí thì sẽ được năm công đức. Thế nào là năm? Thí mạng, thí sắc, thí an, thí sức, thí biện. Ðó là năm.
Lại nữa, đàn-việt thí chủ, lúc thí mạng muốn được trường thọ; lúc thí sắc muốn được đoan chánh; lúc thí an muốn được không bệnh; lúc thí lực muốn không ai hơn; lúc thí biện muốn được biện tài Vô thượng Chánh chân. Tỳ-kheo nên biết! Ðàn-việt thí chủ, hàng ngày bố thí thì sẽ có năm công đức này.
Thế Tôn liền nói kệ: Thí mạng, sắc và an/ Sức, biện là thứ năm/ Năm công đức đã đủ/ Sau hưởng phước vô cùng/ Người trí nên nghĩ thí/ Trừ bỏ tâm tham dục/ Thân này có danh dự /Sanh lên trời cũng vậy.Nếu có thiện nam, tín nữ muốn được năm công đức thì nên thực hành năm việc này. Như thế, các Tỳ-kheo! Hãy học điều này.Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Thiện tụ, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.245)
Bố thí, cúng dường cũng có năm bảy đường
Lời bàn:
Trước hết là thí mạng, hiến tặng sự sống, giúp người tăng trưởng thọ mạng. Dĩ nhiên không phải ta cho đi mạng sống của mình, trừ các bậc đại sĩ, người thường như chúng ta không làm được điều này. Nhưng hiến tặng sự sống, giúp tăng trưởng thọ mạng cho người và cho mọi loài thì chúng ta có thể làm được. Không cố giết, không có ác tâm làm tổn hại bất cứ loài nào. Chẳng những không giết hại mà chúng ta còn phóng sinh, bảo vệ môi trường sống. Nhờ hành trì thí mạng mà được phước báo sống lâu an lạc.
Kế đến là thí sắc, giúp người có dung sắc tốt đẹp, đoan chánh. Ai cũng muốn có dung sắc xinh đẹp, dễ nhìn, có thiện cảm với mọi người. Chia sẻ kinh nghiệm về ăn mặc, làm đẹp, dưỡng sinh cũng như mong muốn cho mọi người đều có hình sắc tốt đẹp là những cách bố thí sắc. Nhờ thí sắc nên mình được phước báo đoan chánh, tươi đẹp.
Giúp người được an vui gọi là thí an. Người ta thường bất an về tinh thần như lo lắng, sợ hãi hay bất an về thân thể đang gánh chịu bệnh tật. Chỉ cần khuyên nhủ, trấn an hay giới thiệu về thầy, về thuốc; thậm chí khi ta không giúp được gì nhiều nhưng chỉ cần sự có mặt với tâm thái sẵn sàng sẻ chia thì cũng giúp đem lại bình an cho người rất nhiều. Nhờ thí an nên thành tựu phước báo thân tâm an lạc.
Giúp sức cho người chính là thí lực. Không nề mệt nhọc, chỉ cần dìu một người qua đường, đỡ một người bị ngã đứng dậy, giúp đỡ người già yếu, sẵn lòng giúp một tay với mọi người dù bất cứ công việc gì ta bắt gặp trong cuộc sống mà không hề so đo, tính toán. Nhờ thí lực nên được phước báo sức khỏe dồi dào.
Sau cùng, thí biện là giúp cho người sáng suốt, ứng đối lanh lợi, khai tâm mở trí cho người. Mặt khác, đem sự hiểu biết và biện tài của mình để che chở, lấy lại công bằng cho người thân đơn thế cô, thấp cổ bé họng. Nhờ thí biện nên được phước báo biện tài vô ngại, có sức thuyết phục mọi người hướng thiện, sống lành.
Rõ ràng, nếu có tâm san sẻ thì ta có rất nhiều thứ để cho. Vậy nên hãy cho thật nhiều để mình và người cùng an vui, lợi lạc.
Để lại một bình luận