Đề nghị tăng lương là chuyện cực kỳ tế nhị và khó khăn khi đi làm. Khá nhiều người đã xin nghỉ việc chỉ vì cho rằng mức lương của mình không thỏa đáng.
Nhưng vấn đề có thể giải quyết ổn thỏa nếu bạn mạnh dạn gặp sếp… đòi được tăng lương. Xin mời bạn đọc qua những lưu ý sau trước khi gõ cửa phòng sếp.
1.Cung cấp bằng chứng chứng minh giá trị của bạn
Điều tệ hại nhất là bạn đòi tăng lương mà không hề chuẩn bị một lý do chính đáng nào để giải thích cho sếp biết vì sao. Và cũng sẽ là quá ngây thơ nếu bạn nghĩ rằng sếp biết tất cả những gì bạn đã làm. Vì thế, điều bạn cần làm là:
• Chuẩn bị một bản báo cáo chi tiết về những công việc bạn đã làm, kết quả đạt được, những lợi nhuận mà công việc đó đem lại cho công ty và kết quả của những công việc này đã giúp công ty đạt được mục tiêu như thế nào. Bạn cũng có thể thêm vào bản danh sách này số tiền lời mà bạn đã kiếm được về cho công ty, những khách hàng hài lòng về bạn, những dự án khó khăn mà bạn đã nỗ lực hoàn thành, những sáng kiến của bạn trong công việc, việc làm thêm giờ…
• Nêu rõ trách nhiệm của bạn trong những dự án đặc biệt mà bạn từng tham gia, và kết quả của chúng.
• Một bản ghi chú ngắn về thái độ tích cực của bạn khi gặp phải những tình huống khó khăn và bạn đã vượt qua những khó khăn này như thế nào.
• Tìm hiểu ngoài thị trường năng lực của bạn đáng giá bao nhiêu. Chắn chắn bạn sẽ khó tìm được con số chính xác, vì mọi người đều có khuynh hướng giữ bí mật mức lương của mình. Nhưng các công ty tuyển dụng sẽ cho bạn con số tham khảo.
• Trước khi gõ cửa phòng sếp, đừng quên chuẩn bị sẵn 2 bản copy tài liệu những thành tích mà thời gian qua bạn đã đạt được. Một dành cho bạn, một dành cho sếp. Như thế, trong quá trình nói chuyện với sếp, bạn sẽ có sẵn tài liệu để “củng cố” tinh thần mỗi khi muốn lý giải cho một lý do nào đó.
Khi đề nghị chuyện tăng lương, hãy đi từng bước một. Nghĩa là, nếu bạn đang làm việc dưới quyền một giám sát viên. Hãy nói chuyện tăng lương với người sếp trực tiếp này của bạn trước. Đừng nhảy một bước lên thương thảo lương bổng với người có vị trí cao nhất công ty. Hãy để người sếp trực tiếp của bạn chỉ dẫn bạn bước tiếp theo.
2. Cân nhắc thời gian
Thời điểm lý tưởng nhất để bạn thương lượng chuyện tăng lương với sếp là trong thời gian “review” (thời điểm đánh giá năng lực nhân viên trong năm qua). Tuy nhiên, điều này không phải là bất di bất dịch. Thỉnh thoảng, một hành động vượt ra ngoài thời khóa biểu cũng có thể tạo thuận lợi cho bạn. Hãy ghi nhận những lưu ý sau:
• Sau khi bạn vừa hoàn thành một dự án thành công rực rỡ, đó sẽ là thời điểm thuận lợi để bạn có thể đưa đề xuất được tăng lương cho sếp.
• Đừng đưa ra lời đề nghị tăng lương cho sếp ở ngay tiền sảnh phòng họp hoặc ở bữa tiệc của công ty. Đừng dồn sếp vào thế bị động, sếp sẽ có tâm trạng không thoải mái.
3. Giữ thái độ bình tĩnh, tự tin
Chìa khóa khi thương lượng vấn đề lương bổng, cũng như các cuộc thương lượng khác, là phải thể hiện ý kiến của bạn một cách khách quan và lo-gíc. Đừng để cảm xúc của bạn chen vào cuộc thảo luận.
• Không bao giờ tỏ ra giận dữ hoặc thất vọng khi trao đổi với sếp.
• Không bao giờ được tỏ ý đe dọa sẽ phá hoại công ty, phá hỏng các mối quan hệ với khách hàng nếu không được tăng lương…
• Không bao giờ dọa sếp rằng nếu không tăng lương bạn sẽ không cố gắng làm việc nữa. Bạn phải nhớ rằng, ngay cả trong trường hợp sếp nhượng bộ lời đe dọa của bạn, thì mối quan hệ của bạn và sếp cũng đã bị tổn hại đáng kể.
• Không bao giờ đe doạ sếp “nếu không tăng lương tôi sẽ nghỉ việc”, trừ khi bạn đã chuẩn bị một chỗ làm tốt hơn ở một công ty khác.
4. Hãy chuyên nghiệp khi thảo luận
Khi bạn ngồi xuống ghế trong phòng sếp, hãy đi thẳng đến vấn đề cần bàn, tập trung vào những cống hiến của bạn đối với công ty. Một lần nữa, hãy loại những lý do cá nhân ra khỏi đầu mình. Bạn phải tin và làm cho sếp tin rằng lương của bạn phải xứng đáng với những đóng góp của bạn đối với công ty, chứ đó không phải là thứ bạn cần. Những điểm quan trọng khác bạn cần tập trung là:
• Cố gắng không so sánh bạn với những người khác cùng vị trí trong công ty. Hãy giữ cuộc thảo luận xoay quanh chủ đề là bạn và những đóng góp của bạn.
• Chuẩn bị sẵn một con số (có thể là số tiền, hoặc là số % cụ thể tính trên mức lương hiện tại). Hãy chuẩn bị luôn lý do để giải thích vì sao bạn chọn con số đó.
5. Đặt nền tảng cho lần tới
Dù bạn có được tăng lương lần này hay không, thì hãy cố gắng đặt nền tảng cơ sở cho lần gặp tiếp theo. Đừng quên thảo luận với sếp:
• Nếu sếp từ chối tăng lương cho bạn lần này, hãy hỏi thẳng sếp rằng ông/bà ấy cần những thành tích cụ thể nào để bạn có thể được tăng lương trong lần tới. Hãy cố gắng hỏi sếp càng chi tiết càng tốt.
• Sắp xếp một cuộc gặp gỡ mới vào 6 tháng sau để sếp đánh giá lại năng lực của bạn.
• Tiếp tục chuẩn bị những tài liệu ghi rõ thành tích của mình từ bây giờ cho đến khi gõ cửa phòng sếp lần sau.
Nếu sếp vẫn chưa hài lòng để tăng lương cho bạn, hãy đề cập đến những quyền lợi khác, ví dụ: xin công ty hỗ trợ cho bạn theo học những khóa học nâng cao chuyên môn, đề nghị tiền làm thêm giờ, đề nghị công ty tăng các khoản công tác phí….
Cũng giống như bất kỳ các cuộc thương lượng khác, hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị đầy đủ thành tích của mình đóng góp cho công việc. Cho dù lần này bạn không được tăng lương nhưng đây vẫn là cơ hội để bạn “nhắc nhở” sếp về công trạng của mình. Điều này sẽ đem lại kết quả như mong đợi cho bạn ở những lần sau.
Để lại một bình luận