Nghĩa vụ quân sự được xem là một trong những nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam. Công dân sẽ phải thực hiện hoạt động đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thuộc các trường hợp luật định. Dưới đây là quy định của pháp luật về mức xử phạt đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.
1. Hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu có vi phạm pháp luật không?
Nghĩa vụ quân sự là một trong những vấn đề được pháp luật nước ta đặc biệt quan tâm. Hành vi vi phạm nghĩa vụ quân sự dưới bất kỳ hình thức nào đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu có bị coi là vi phạm pháp luật hay không? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự. Trước hết, căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 3 của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2019, có quy định về việc, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự được coi là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe để tham gia nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi tập trung để tổ chức hoạt động huấn luyện và tập diễn hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng động viên và sẵn sàng chiến đấu.
Bên cạnh đó, Điều 12 của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2019 quy định về đối tượng phải đăng ký nghĩa vụ quân sự, tức là các công dân giới tính nam từ đủ 17 tuổi trở lên theo quy định của pháp luật sẽ phải có nghĩa vụ đăng ký nghĩa vụ quân sự, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với tổ quốc và đất nước. Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2019 quy định về hoạt động đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, cụ thể như sau:
– Vào thời điểm tháng 01 hằng năm, chủ thể có thẩm quyền đó là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu hoặc những người được xác định là người đại diện hợp pháp của các cơ quan và tổ chức sẽ báo cáo lên Ban chỉ huy quân sự cấp quận huyện danh sách những công dân đủ 17 tuổi trong năm và những công dân nam trong độ tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật chưa thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự;
– Vào thời điểm tháng 04 hằng năm, chủ thể có thẩm quyền đó là chỉ huy trưởng của Ban chỉ huy quân sự cấp quận huyện sẽ ra lệnh gọi nhập ngũ đối với các công dân thuộc những trường hợp nêu trên để thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu;
– Công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu và trực tiếp thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký nghĩa vụ quân sự căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2019, cơ quan đăng ký các vụ quân sự trong trường hợp này được xác định là Ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự cho những công dân đang cư trú tại địa phương đó.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2019 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm những hành vi sau:
– Hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật;
– Hành vi chống đối hoặc cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân;
– Hành vi gian dối trong quá trình khám sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự;
– Hành vi lợi dụng chức vụ và quyền hạn để làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự;
– Hành vi sử dụng hạ sĩ quan hoặc binh sĩ trái quy định của pháp luật;
– Hành vi xâm phạm đến thân thể hoặc sức khỏe, hành vi xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của hạ sĩ quan và binh sĩ dưới bất kỳ hình thức nào.
Như vậy có thể nói, hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu sẽ bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật theo như phân tích nêu trên.
2. Quy định xử phạt không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu:
Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu sẽ bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự theo như phân tích nêu trên. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo Điều 4 của Nghị định số 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), có quy định về mức xử phạt đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu như sau:
Thứ nhất, phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với các chủ thể được xác định là công dân nam từ đủ 17 tuổi trở lên trong năm thuộc diện phải thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Thứ hai, phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với những chủ thể thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật sau đây:
– Không tiến hành hoạt động đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu;
– Không thực hiện thủ tục đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định của pháp luật;
– Không thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác và trình độ học vấn, khi có sự thay đổi về trình độ chuyên môn và tình trạng sức khỏe kèm theo những thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật;
– Không thực hiện hoạt động đăng ký nghĩa vụ quân sự khi có sự thay đổi nơi cư trú hoặc có sự thay đổi về nơi làm việc, thay đổi về nơi học tập theo quy định của pháp luật;
– Không thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, biện pháp khắc phục hậu quả có thể áp dụng trong trường hợp các chủ thể có hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu là: Buộc thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể nói, sau khi nhận được lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự của chủ thể có thẩm quyền là chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp quận/huyện, những đối tượng được xác định là công dân thuộc trường hợp phải đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 12 của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2019 theo như phân tích nêu trên sẽ phải có trách nhiệm đến Ban chỉ huy quân sự cấp xã để thực hiện thủ tục trực tiếp đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Do đó, công dân nam từ đủ 17 tuổi cho nên thuộc đối tượng phải đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu sẽ phải tự mình đi thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự mà không được phép nhờ người khác đi đăng ký nghĩa vụ lần đầu quân sự thay cho mình. Trong trường hợp công dân nam từ đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu nhưng không thực hiện thủ tục này thì sẽ bị phạt cảnh cáo. Nếu công dân thuộc đối tượng nêu trên đã bị phạt cảnh cáo theo quy định của pháp luật mà vẫn tiếp tục không thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, thì có thể bị phạt tiền lên đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, công dân đó còn bị buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự theo đúng quy định của pháp luật.
3. Thủ tục thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu:
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có quy định về trình tự và thủ tục thực hiện hoạt động đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Theo đó, quá trình thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu sẽ trải qua một số giai đoạn cơ bản sau:
– Trước thời hạn 10 ngày được tính đến ngày đăng ký nghĩa vụ quân sự, chủ thể có thẩm quyền đó là Ban chỉ huy cấp xã sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chuyển lệnh gọi nhập ngũ và lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân. Trong trường hợp cơ quan và tổ chức không có ban chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc những người được xác định là đại diện hợp pháp của các cơ quan và tổ chức đó sẽ phải có trách nhiệm chuyển lệnh gọi đăng ký nhập ngũ quân sự đến công dân trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình;
– Sau khi nhận được lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự thì các công dân thuộc đối tượng phải đăng ký nghĩa vụ quân sự sẽ phải có trách nhiệm đến trực tiếp ban chỉ huy quân sự cấp xã để thực hiện thủ tục này. Trường hợp cơ quan và tổ chức không có ban chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người được xác định là đại diện hợp pháp của các cơ quan và tổ chức đó sẽ phải có trách nhiệm chuyển lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự đến công dân và tổ chức cho công dân thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu tại nơi cư trú;
– Trong thời gian 01 ngày theo quy định của pháp luật, ban chỉ huy quân sự cấp xã phải có trách nhiệm thực hiện thủ tục đối chiếu bản gốc giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy khai sinh, hướng dẫn công dân kê khai phiếu sức khỏe tham gia nghĩa vụ quân sự và đăng ký các thông tin cần thiết của công dân vào danh sách công dân nam từ đủ 17 tuổi trong năm, kê khai vào sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ, và chuyển giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân ngay sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký;
– Trong thời hạn 10 ngày theo quy định của pháp luật thì ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ phải tổng hợp kết quả, và báo cáo lên ban chỉ huy quân sự cấp quận, sau đó ban chỉ huy quân sự cấp quận huyện sẽ quản lý hồ sơ đối với công dân đã đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Tổng kết kết quả và báo cáo cho Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2019;
– Nghị định số 120/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu;
– Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để lại một bình luận