Chứng minh được giá trị bản thân khi đi phỏng vấn là một trong những điều kiện tiên quyết để được nhà tuyển dụng (NTD) đánh giá cao và được mời làm việc với mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, ứng viên cần hết sức khéo léo khi trả lời câu hỏi về lương bổng.
Thu Hoa là quản lý bán hàng từng làm việc cho một công ty dược phẩm với mức lương khá cao. Gần đây cô được một công ty dược phẩm đa quốc gia mời phỏng vấn trực tiếp. Rất ấn tượng với những kinh nghiệm và thành tích nổi bật nêu trong hồ sơ của Hoa, NTD không ngại ngần đặt câu hỏi về lương bổng ngay vòng phỏng vấn đầu tiên: “Mức lương trước đây của chị như thế nào?” Do đã chuẩn bị sẵn, Thu Hoa nhanh chóng đưa ra mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng cùng sự hãnh diện hiện rõ trên khuôn mặt. Kết quả: cô đã không được nhận việc.
Thu Hoa thật sự bị sốc. Đem thắc mắc này đi hỏi NTD, cô được biết, họ nghi ngờ cô đã phóng đại những thành tích và kinh nghiệm trước đây. Với kinh nghiệm, trình độ và năng lực cô nêu lên trong hồ sơ, Hoa xứng đáng nhận mức lương cao hơn nhiều vì công ty đang cần một người thật sự có năng lực và sẵn sàng trả mức lương khởi điểm 20 triệu đồng mỗi tháng. Thật ra, sai lầm của Thu Hoa là gì? Cô đã bị cuốn vào vấn đề lương bổng quá sớm trong quá trình phỏng vấn và vô tình đề ra mức giá “khá rẻ” cho mình. Do đó, chính cô đã tự hạ thấp giá trị bản thân và tạo ra sự hoài nghi cho NTD.
Bài học rút ra:
Bí quyết thứ nhất: ứng viên nên bắt đầu bằng việc chứng minh kỹ năng, khả năng, giá trị, những kết quả mà họ có thể mang tới cho NTD thay vì đề cập ngay đến mức lương.
Bí quyết thứ hai: Khi được hỏi: “Anh/chị đề nghị mức lương bao nhiêu”, bạn đừng bao giờ đặt lên bàn những con số cụ thể. Tốt hơn hết bạn nên hoãn lại cuộc thương thuyết quan trọng này lại cho đến khi bạn chứng tỏ được mình là một ứng viên “tầm cỡ”.
Bí quyết thứ 3: Đừng ngại bạn không thương lượng được mức lương mong muốn. Nếu bạn thật sự có khả năng mang đến giá trị mong muốn cho NTD, họ chắc chắn không tiếc gì vài triệu đồng nhiều hơn mức lương chuẩn để sở hữu một nhân viên sáng giá như bạn. Hãy giữ vững vị thế của bạn để đừng bị “khớp” trước NTD và bằng lòng với mức lương mà họ đưa ra.
Bí quyết thứ 4: Đừng tự đề cập đến mức lương ở công ty cũ nếu NTD không hỏi đến. NTD luôn có khuynh hướng dựa vào mức lương trước đây của bạn để định giá trị của bạn đó. Biết đâu, bạn đã không được trả lương xứng đáng trong công việc trước đây dù bạn có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng, và xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn nhiều?
Bí quyết thứ 5: Chỉ đến khi bạn chắc rằng NTD thật sự cần bạn cho công ty họ, bạn hãy tự tin đề nghị mức lương mong muốn.
Để lại một bình luận