Chúng ta đã cùng tìm hiểu Content Marketing là gì? Content Marketing có phải nghề nhàm chán như vậy? Và những khó khăn khi làm Content Marketing? Nhưng liệu rằng bạn có chắc mình biết những mục tiêu mà Content Marketing hướng đến? Ngoài chức năng phục vụ cho quảng bá, tiếp thị thì Content Marketing còn có vai trò nào nữa? Hãy cùng Blog Đọc Ngẫm khám phá ngay trong bài viết dưới đây.
1. Tăng mức độ nhận diện thương hiệu
Thương hiệu tuy vô hình như đó lại là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, được xây dựng trong quá trình doanh nghiệp phát triển và thể hiện tiềm năng tương lai của mình. Nhưng thương hiệu sẽ không thể phát huy toàn bộ sức mạnh nếu không được phổ biến đến mọi người, và Marketing chính là cách tốt nhất để tăng mức độ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp, trong đó sử dụng nội dung sẽ mang đến hiệu quả lưu giữ dấu ấn lâu hơn vào tâm trí khách hàng.
Những bài viết được chia sẻ thường xuyên, cung cấp giá trị thiết thực cho người đọc sẽ luôn được đón nhận, hơn là các bài quảng cáo lộ liễu. Khi người đọc cảm thấy việc theo dõi các trang blog hay fanpage của bạn là hữu ích thì họ sẽ tự động ghi nhớ thương hiệu mà bạn đang sở hữu.
2. Thu thập thông tin khách hàng
Nếu viết nội dung cho người khác đọc, ghi nhớ rồi… để đấy thì lợi ích mang lại quá thấp so với công sức bỏ ra. Vì vậy Content Marketing còn có nhiệm vụ thu thập thông tin khách hàng nữa. Việc làm này tưởng chừng như không liên quan đến tiếp thị nội dung và quá khó để hoàn thành, nhưng thực ra bạn hoàn toàn có thể làm được, thậm chí còn làm tốt hơn những phương thức quảng cáo khác. Lấy ví dụ thế này, sau khoảng thời gian cung cấp cho người đọc những bài viết hữu ích, bạn có thể tập hợp chúng lại thành những cuốn ebook và cho phép họ tải miễn phí, với điều kiện là họ phải khai báo email để bạn gửi đến. Một cách rất tự nhiên bạn sẽ có được những thông tin hữu ích cho chiến dịch Email Marketing ngay sau đó mà chẳng tốn một đồng nào cả. Chỉ cần nhớ nguyên tắc cho trước – nhận sau thì bạn sẽ thu thập được những thông tin hữu ích cho mình.
3. Chăm sóc khách hàng
Chăm sóc khách hàng thực ra không phải chỉ là việc giải đáp những thắc mắc của họ một cách thụ động, mà còn là việc chủ động đưa ra giải pháp giúp họ giải quyết vấn đề. Và đây là lúc bạn nên thực hiện chiến dịch Email Marketing sau khi đã thu thập đủ thông tin cần thiết. Để có một chiến dịch email thành công cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và dĩ nhiên quan trọng nhất vẫn là nội dung, nội dung có hay và hấp dẫn thì người nhận mới tiếp tục chờ đợi các email khác. Mục đích cuối cùng chính của quá trình này chính là biến người truy cấp bình thường thành khách hàng tiềm năng, vì Email Marketing cũng chỉ là công cụ quảng cáo cho sản phẩm của doanh nghiệp mà thôi.
4. Tăng lượng chuyển đổi khách hàng
Trong một số bài viết trước chúng tôi đã ví website bán hàng của bạn như một cái xô có nhiều lỗ thủng nhỏ, có hơn 90% lượng người truy cập như số nước đổ vào bị rò rỉ khỏi xô từ những lỗ thủng đó, khoảng 10% còn lại là những khách hàng đã mua sản phẩm. 10% thực sự là quá ít, và một trong những nguyên nhất khiến bạn đánh mất nhiều khách hàng tiềm năng đến thế là vì không biết cách thuyết phục họ mua hàng. Đa phần khách hàng truy cập vào website và xem các sản phẩm thường có tâm lý do dự, không biết có nên mua hay không, lúc này bạn cần có những phương thức để kích thích nhu cầu của họ, nội dung chính là công cụ cực kỳ hữu hiệu.
Một bài mô tả sản phẩm hay, chi tiết, khéo léo nhấn mạnh vào ưu điểm sẽ là bước đầu tiên để thuyết phục khách hàng quyết định mua. Nếu bài viết đó còn chỉ ra tính cấp bách, khiến khách hàng cảm thấy không mua sản phẩy ngay lập tức sẽ phải hối hận thì càng tuyệt vời. Và việc chèn những cụm từ call-to-action (kêu gọi hành động) như “Mua ngay kẻo lỡ”, “Chỉ còn vài ngày để bạn được hưởng những ưu đãi này”,… sẽ là bước cuối cùng để dẫn khách hàng đến việc thanh toán. Nhờ nội dung hay bạn hoàn toàn có thể tăng lượng chuyển đổi khách hàng tiềm năng, đẩy mạnh doanh thu nhanh chóng.
5. Dịch vụ khách hàng
Dịch vụ khách hàng không chỉ là việc đối thoại trực tiếp với khách để giải đáp những thắc mắc của họ, mà còn là quá trình xây dựng hệ thống chăm sóc chuyên nghiệp để khách hàng tìm kiếm bất cứ khi nào họ cần. Muốn vậy thì những nội dung hướng dẫn sử dụng sản phẩm, các mẹo dùng, bảo quản hay khắc phục lỗi là rất cần thiết. Bạn nên tạo ra một cổng dịch vụ khách hàng riêng hoặc tổng hợp những tài liệu hữu ích để người dùng tham khảo.
6. Xây dựng lòng trung thành là mục tiêu của Content Marketing
Nhiều người thường đặt mục tiêu mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới lên hàng đầu, vì họ cho rằng đó là cách tốt nhất để thúc đẩy doanh thu. Tuy nhiên họ không biết chiến lược này sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu khách hàng chỉ đến một lần rồi đi, cũng giống như hớt bọt xà phòng trên mặt nước, dù đẹp nhưng không bền lâu. Việc mở rộng thị trường phải song hành cùng quá trình củng cố thị trường đã có, tạo ra lực lượng khách hàng trung thành luôn ủng hộ mình.
Sẽ chẳng có người tiêu dùng nào trung thành với thương hiệu của bạn nếu bạn bỏ bê họ ngay sau khi đã nhận được tiền mua sản phẩm. Họ sẽ cho rằng bạn chỉ quan tâm đến tiền của họ mà thôi và rồi tìm kiếm một nhà cung cấp khác có dịch vụ tốt hơn. Đây là lúc Email Marketing phát huy sức mạnh của mình, những bức thư điện tử thăm hỏi, cập nhật tin tức khuyến mãi thường xuyên sẽ khiến khách hàng cảm thấy được quan tâm và vui vẻ hơn.
7. Tạo ra những đại sứ thương hiệu
Một người làm content giỏi không phải chỉ cần tạo ra những nội dung thu hút nhiều người đọc là đủ, mà phải khiến họ chia sẻ bài viết đó, thậm chí trở thành nhà tiếp thị miễn phí cho bạn. Đây là sức mạnh của sự lan toả, đặc biệt là khi các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Google +,… đang rất phát triển. Đỉnh cao của Content Marketing là biến khách hàng thành đại sứ thương hiệu cho mình, họ đã sử dụng sản phẩm của bạn nên những gì họ chia sẻ luôn tạo sự tin cậy lớn hơn, mức độ phổ biến và uy tin của thương hiệu sẽ tăng lên nhanh chóng.
Content Marketing không chỉ đơn thuần là công cụ phục vụ cho quảng cáo, nó còn hướng đến rất nhiều mục tiêu khác nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Để lại một bình luận