Những cô gái PG

Những cô gái PG
0 Shares

Những cô gái PG của Công ty Coca-cola.

Một sản phẩm muốn quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng phải viện đến những cô gái này. Dân trong nghề gọi họ là PG (Promotion girl – Người xúc tiến thương mại).

Dũng Minh, một người quản lý các PG cho hay, sở dĩ chọn các sinh viên nữ cho vị trí PG vì các bạn vừa có ngoại hình, vừa có tri thức. Các công ty rất ưu ái, đặt niềm tin vào họ, vì PG làm công việc giới thiệu sản phẩm, bộ mặt của doanh nghiệp.

Hiện nay, có hai dạng PG. Một dạng PG đứng giới thiệu sản phẩm cố định ngay tại chỗ làm; một dạng PG “di động”, làm bán thời gian, xuất hiện trong các lễ lạt khai trương, tiệc tùng…

Mới nhìn, có người bảo PG là những chuyên gia giới thiệu sản phẩm. Cũng có người tưởng PG là “vật cảnh” õng ẹo, đỏm dáng. “Cũng đúng mà cũng sai”, Minh nhận xét.

Chuyên gia, đỏm dáng hay bị kìm kẹp?

Muốn biết PG có phải là “chuyên gia” về sản phẩm hay không, phải gặp người quản lý của họ. Muốn biết PG chịu cực như thế nào, cứ gặp hỏi người quản lý của họ.

Học Marketing ĐH Văn Lang, Thiện Nhân làm cho một công ty quảng bá, làm sếp các PG. Nhân cho biết: “Đối tượng tuyển dụng thường là SV. Khi tuyển, công ty căn cứ vào ngoại hình, chất giọng, sự hoạt bát, năng động, giao tiếp tốt. Nếu giới thiệu sản phẩm tại chỗ, một ngày làm của PG phải đứng khoảng 6 tiếng liên tục, hạn chế di chuyển”.

Hỏi kiểm tra về thông tin sản phẩm mà PG ú ớ thì… mời nghỉ làm. Nhiều em không ý tứ, đứng che cả sản phẩm, đuổi thẳng cẳng. “Mấy em mới vào dễ bị đuổi việc vì bị “khảo” bất ngờ. Tôi sinh năm 1982, mặc áo thun, quần lửng, mặt non choẹt như SV, giả vờ đóng vai người mua hàng tới hỏi thử thông tin sản phẩm, buông vài lời trêu ghẹo. Mấy em không trả lời được hoặc nổi cáu với tôi là thôi rồi. Tôi báo về công ty là chỉ có nghỉ làm”.

Xem thêm  Nhà quản trị nhân sự tài giỏi

Không phải được công ty tuyển là được làm việc. “Nhiều SV được tuyển nhưng đợi hoài không thấy việc vì công ty chưa thỏa thuận được với nơi làm (siêu thị, nhà hàng…). Nhiều em cứ bị hẹn đi hẹn lại, tốn tiền xăng mà không nên cơm cháo gì. Bỏ thì thương, vương thì tội”, Nhân cho biết.

PG vừa làm vừa phải nhìn trước, ngó sau. Nhìn trước là nhìn khách hàng, ngó sau là ngó công ty, cụ thể là người quản lý, đôn đốc. Rồi luôn luôn phải cười tươi khi quản lý bắt khoác vai khách hàng chụp ảnh báo cáo với công ty.

Với PG, việc quảng bá sản phẩm quan trọng hơn việc bán hàng. Thiện Nhân cho biết: “Doanh số không quan trọng bằng người ta biết đến sản phẩm. Công ty thuê một PG bán hàng được nhiều thì tốt, nhưng chắc chắn các cô bán có giỏi lắm thì chỉ vài sản phẩm tượng trưng. Và bán hàng ra không vì mục đích lợi nhuận, chỉ phát tán hình ảnh”.

Tuyết Trinh (CĐ Kinh tế đối ngoại) cũng như nhiều SV khác quảng bá thuốc lá P tại các quán cà phê khu Bắc Hải (quận 10, TPHCM). Khách mời cũng không dám ngồi, chỉ dám dựa vách tường cho đỡ mỏi vì sợ người quản lý trông thấy. Có khách vào quán, dù khách không biết hút thuốc cũng phải đưa sản phẩm cho khách ngó qua một cái. Trinh bảo: “Đứng từ sáng đến trưa, 6 tiếng, bán chưa đầy 10 bao thuốc nhưng quan trọng nhất là khách biết đến sản phẩm của mình. Đó là sứ mệnh”.

Gần đây, nhiều báo mới xuất hiện hay tăng kỳ, lại có đội ngũ PG đứng ở các sạp báo. Một nữ PG quảng bá tờ báo X cho hay: “Đứng sạp báo không phải dễ, mới sáng đứng trước cửa hàng của người khác là điều kỵ. Để đứng đó mà không ngại phiền hà, PG phải kiêm luôn nhiệm vụ bán báo cho chủ sạp”.

Xem thêm  7 bí quyết của chuyên gia bán hàng thành công

Dung (ĐH Tôn Đức Thắng) lại làm công việc đạp xe ra tiền. Một buổi đạp xe đi quanh quanh trong thành phố, không theo hướng cố định nào, trên mình mang băng rôn của tờ báo Y. Chập tối, cả nhóm tập trung ở trung tâm TP. Cô cho biết: “Khi mình mang trên người các băng rôn, slogan thì ngồi hay đi cũng là quảng bá”.

PG “làm đẹp” cho PG

PG là công việc bán thời gian dành cho SV, người quản lý nắm trong tay nhiều PG, khi có đợt quảng bá là gọi. Lương PG tùy thuộc vào công việc, giao động 100-200 nghìn đồng/ngày. So với các việc làm thêm khác thì lương PG đáng mơ ước. Đánh đổi lại, PG phải luôn tạo uy tín, “làm đẹp” hình ảnh của mình. Mà “làm đẹp” hình ảnh cũng phải chịu đựng, trả giá.

Tuyết Trinh cho biết, làm 3 tháng nay, ngày nào cũng tiếp xúc với khói thuốc và thuốc, có khi sinh bệnh. “Cực khổ, nhưng khách bo cũng không dám lấy, vì phải giữ uy tín cho sản phẩm của mình. Không phải khách nào cũng nói năng đàng hoàng, có những khách nói năng tục tĩu cũng phải cắn răng nhẫn nhịn”.

Quản lý PG sản phẩm nước xả V cho biết, bên cạnh nhiều PG làm để tìm kiếm cơ hội học tập, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và sống năng động, thì hiện nay có hiện tượng PG “bán thanh sắc”. Tức là bỏ bê học hành, ỷ chút “vốn nhan sắc” để lười biếng.

“Tôi cảnh báo nghề PG tuổi thọ rất ngắn, chỉ khoảng 26 tuổi là về vườn. Quan trọng nhất vẫn là việc học hành đảm bảo tương lai. Hãy đi theo tiếng gọi của PG nhưng đừng để… mất hút”, anh này cho biết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *