Trong cuộc cạnh tranh nhân lực khốc liệt như hiện nay, việc sở hữu một đội ngũ nhân viên giỏi là mơ ước của tất cả các công ty, doanh nghiệp. Chuyện công ty “khát” nhân tài là một thực tế không thể phủ nhận nhưng điều đó không có nghĩa là nhân viên giỏi bao giờ cũng có thể đứng vững chắc chắn và luôn yên tâm hướng về viễn cảnh của một tương lai công thành doanh toại. Họ vẫn có thể mất việc và bị “đá” ra đường như thường.
Hồng giỏi chuyên môn, điều đó không ai có thể phủ nhận, cô cũng chẳng thiếu kinh nghiệm vì đã từng làm việc cho một công ty nước ngoài có thương hiệu khá nổi tiếng trên thế giới. Việc Hồng đầu quân cho công ty mới cũng bởi cô muốn thử sức ở những môi trường làm việc khác biệt hơn và không còn muốn chịu mãi cảnh “bóc lột” của các ông chủ người nước ngoài cùng áp lực cũng như sức ép công việc cực kì nặng nề. Với bảng thành tích đáng nể, Hồng không khỏi khiến cho ban giám đốc phải kinh ngạc và bất ngờ khi có một người giỏi như cô lại có ý định nghiêm túc với công ty mình. Tất nhiên, Hồng được rải thảm đỏ mời vào chứ chẳng cần phải qua thi tuyển như các ứng viên khác. Mức lương thì có ít hơn chỗ cũ đôi chút nhưng tất cả đều hài lòng. Công ty có thêm một nhân tài đúng nghĩa còn Hằng có chỗ để nghĩ đến một tương lai ổn định và nhiều cơ hội thăng tiến hứa hẹn phía trước.
Thế nhưng, điều mà chẳng ai mong muốn lại đến. Hồng đã tự cô lập và đứng tách hẳn tập thể bởi tính kiêu căng của mình. Trước đây, làm việc ở công ty cũ, trình độ của nhân viên dù giỏi đến mấy cũng đều sàn sàn ngang nhau, chẳng ai hơn ai được mấy và tất cả mọi người đều rất chuyên nghiệp. Ở giữa cả “rừng” nhân tài như thế, Hồng cũng chỉ là một con người bình thường, không nổi bật, cũng chẳng đáng chú ý.
Chuyện hoàn toàn đổi khác khi Hồng đến công ty mới và tự biến bản thân thành “ngôi sao”. Do cô nhận thức được rằng năng lực làm việc của mình có thể gấp ba lần nhân viên bình thường ở công ty này, sếp cũng phải ngưỡng mộ cô ra mặt thì cô chẳng phải lo lắng gì nữa. Nghĩ vậy, Hồng luôn cho rằng mình là người giỏi nhất và tuyệt nhiên không bao giờ cần đến sự giúp đỡ của mọi người. Hồng không làm quen cũng chẳng trò chuyện với đồng nghiệp vì trong thâm tâm cô cảm thấy điều đó không cần thiết. Mọi dự án mới đưa về phòng, Hồng đều đứng lên nhận lấy làm một mình và tuyệt nhiên không đả động đến chuyện “chia sẻ” công việc.
Thái độ kiêu ngạo của Hồng khiến đồng nghiệp cảm thấy khó chịu và cô trở thành “cái gai” cần phải nhổ trong mắt không ít người. Bởi vậy, dù đạt được những bảng thành tích đáng nể trong công việc nhưng ban lãnh đạo công ty lại cảm thấy rằng giữ cô ở lại hoàn toàn không có lợi trong nhiều vấn đề. Cô bị sa thải, hai chữ mà có lẽ chưa bao giờ cô buồn nghĩ đến.
Cũng có hoàn cảnh tương tự như Hồng, Mai Trang cũng buộc phải ra đi khi cô gắn bó chưa được nửa năm với công ty mới. Nghe chuyện cô bị sa thải, người tin, kẻ ngờ vực nhưng đa phần là bất ngờ. Khi còn học đại học, Mai Trang đã nổi tiếng với thành tích đáng ngưỡng mộ. Nhưng bên cạnh đó, cô lại không được lòng bạn bè cùng lớp lắm vì cái tính hay đố kỵ, chẳng bao giờ cô hài lòng hay tán dương thành tích mà những người khác đạt được, dù cô vẫn biết họ không bằng cô về năng lực.
Tưởng rằng đó chỉ là tính cách vụn vặt của những người chưa trưởng thành, ai ngờ đến tận lúc đi làm, Mai Trang vẫn chẳng thay đổi. Cô giỏi giang, gặt hái được nhiều dự án thành công, việc nào đến tay cô cũng được giải quyết hơn cả mong đợi, nhưng cái tính đố kỵ xấu không nên “nuôi dưỡng” ở nơi làm việc đã khiến Mai Trang “mất điểm” hoàn toàn trong mắt đồng nghiệp lẫn lãnh đạo. Chính tính cách này đã huỷ hoại hình ảnh của cô nhanh chóng.
Sai lầm của Mai Trang xuất phát từ bản tính nhưng nếu cô biết suy nghĩ một chút, nếu biết coi thành tích của đồng nghiệp là động lực để cô cố gắng hơn nữa và vươn lên thì mọi chuyện đã không tồi tệ đến mức như thế.
Với những người trẻ, chuyện họ bị sa thải thẳng thừng không còn là chuyện hiếm hoi mặc dù họ đáng ra phải là các ứng viên trong mơ của không ít công ty, doanh nghiệp và phải là những cá nhân thành đạt nhất. Thế nhưng, giỏi thôi thì chưa đủ cho sự tồn tại của bạn trong môi trường làm việc thực sự. Tính cách là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của chính họ. Phần đa các nhà quản lý nhân sự đều nhận xét rằng những người giỏi quá khi còn trẻ rất dễ kiêu căng, đố kỵ, thiển cận, tự mãn, tham lam quá mức và dễ cáu giận …Đó là những tính cách khiến họ trở nên “đáng ghét” trong mắt các đồng nghiệp khác, những người mà họ cần hợp tác dài lâu trong công việc bởi chẳng phải chuyện gì cũng có thể giải quyết một mình. Điều đó khiến họ “mất điểm” trong mắt các nhà quản lý, lộ trình thăng tiến không còn suôn sẻ được nữa.
Nếu bạn muốn trở thành một nhân viên giỏi và “dễ chịu” trước hết hãy nên đặt câu hỏi “mình là ai?” trong môi trường làm việc mà bạn đang phấn đấu. Có như vậy, bạn mới có thể điều chỉnh bản thân một cách hợp lý và có những định hướng rõ ràng để vừa phù hợp với văn hoá công ty vừa chứng tỏ được năng lực vượt trội của mình.
Để lại một bình luận