Đề án phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng nhân tài (gọi tắt là đề án nhân tài) với dự toán khoảng vài trăm tỷ đồng và vài chục triệu đô la Mỹ đã thu hút sự chú ý của dư luận. Điều đáng quan tâm là vấn đề gây nhiều tranh cãi lại không xoay quanh các biện pháp đề xuất trong đề án, cũng không phải chi phí cần cho đề án, mà là chính đối tượng của đề án: Nhân tài là ai? Nhiều hay ít? Đang ở đâu? Té ra lâu nay khái niệm này vẫn chưa sáng tỏ.
Đề tài bàn tán bắt nguồn từ chỗ đối tượng đào tạo theo đề án này được gọi là nhân tài. Vậy ra nhân tài có thể đào tạo? Nếu thế thì một thời gian nữa, khi đề án hoàn thành, nước ta sẽ chỉ có thêm 700 nhân tài (tính theo sĩ số ghi trong đề án), không thể hơn, nhưng có thể kém chút đỉnh do rơi rụng trong quá trình đào tạo. Giả sử ta giàu có hơn, có thể bỏ ra vài chục ngàn tỷ đồng và vài tỷ USD để thực hiện một đề án quy mô lớn gấp bội, có lẽ trong một thời gian không xa nữa, Việt Nam có thể cho ra lò hàng triệu nhân tài? Dễ thấy ở đây có sự lẫn lộn người tài (nhân tài) với người có trình độ học vấn cao. Và cứ theo logic này thì với phổ cập giáo dục ngày càng sâu rộng, từ phổ cập tiểu học lên trung học, rồi phổ cập đại học và trên đại học, thì đến một lúc nào đó, toàn dân ta chắc chắn đều có trình độ học vấn cao, nhưng có phải vì thế mà toàn dân đều trở thành nhân tài?
Nhân tài trước hết phải là một người, nhưng không phải là người bình thường như mọi người, mà là người có tài, người có khả năng làm những việc mà nhiều người khác không làm được hoặc không biết làm, thấy được những vấn đề mà nhiều người khác không thấy, trong những hoàn cảnh khó khăn, éo le, không những biết cách tự vượt ra hoặc cùng cộng đồng vượt ra được, mà còn đạt thành tựu hơn người. Hiểu nhân tài như vậy sẽ thấy nhân tài có nhiều và có ở khắp nơi. Họ có thể hiện diện trong những đơn vị nhỏ như một tổ, một đội, một xóm ấp, phường, xã hoặc ở những đơn vị lớn hơn như một quận – huyện, một tỉnh – thành, một doanh nghiệp, một công ty, một ngành, cho tới nhân tài tầm cỡ quốc gia. Cho nên khi nói nhân tài có nhiều là nói họ có thể có mặt ở mọi cấp, mọi ngành, thì nhân tài lại không thể có nhiều, bởi vì khi người tài đã trở nên phổ biến thì họ không còn là người tài nữa. Tài là một số người xuất chúng so với bình thường.
Chúng ta đã có những nhân tài “chân đất”: một nông dân chưa qua trung học cơ sở mà cải tiến được máy cắt cỏ thành máy gặt lúa, hoặc một “thần đèn” Cẩm Luỹ chưa từng biết ghế nhà trường xây dựng mà đã di dời được nhiều công trình lớn, kiên cố. Vậy là người có tài không nhất thiết phải có học vấn cao, ngược lại người có học vấn cao chưa chắc đã là người có tài. Tài là do thiên phú, không phải ai cũng có, cũng không thể nhờ bồi dưỡng, đào tạo mà có. Người có học vấn cao, nhưng nếu làm việc cũng chỉ tốt như những người cùng trình độ, thì không thể gọi là nhân tài. Cho nên để chính danh, đề án đang bàn nên gọi là đề án đào tạo nhân lực trình độ cao. Và nếu như vậy thì hà tất phải lập thành một đề án riêng tách khỏi kế hoạch đào tạo nhân lực chung của cả nước?
Do nhân tài chỉ xuất hiện trong thực tiễn nên chỉ có thể phát hiện từ cuộc sống. Cho nên đào tạo nhân tài cần được hiểu với nghĩa là sử dụng đúng chỗ, đúng lúc những người được phát hiện là có tài, tạo cho họ có môi trường thuận lợi để phát huy hơn nữa tài năng. Trường lớp chỉ có thể giúp cho nhân tài nâng cao thêm tài năng mà thôi.
Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại Đọc Ngẫm :
- Tuyển dụng Python
- Vimedimex tuyển dụng
- Việc làm kế toán tại Hải Phòng
Để lại một bình luận