Ông Hoàng Minh Tiến, phiên dịch tại một hội thảo do Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM tổ chức tại khách sạn Continental |
“Khi thì ngồi thầm lặng trong ca-bin, lúc phải thao thao bất tuyệt trước hàng trăm ánh mắt đang tập trung ghi ghi chép chép… Nếu không tự tin, không đủ kiến thức, không thính tai thì khó ai trụ được lâu dài với nghề này”. Ông Hoàng Minh Tiến (SN 1950, quận Phú Nhuận – TPHCM), đã đúc kết về nghề phiên dịch hội nghị như vậy sau hàng chục năm gắn bó.
Từ cái nhíu mày, nhăn mặt
Quê Hà Nội, theo gia đình vào Sài Gòn từ lúc 4 tuổi, ông Tiến hiện làm trưởng phòng sales & marketing khách sạn Continental thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có mẹ là giáo viên dạy tiếng Pháp, nên ông đã làm quen với ngoại ngữ từ thuở thiếu thời.
Năm 1968, tốt nghiệp ngành tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn, ông bước vào nghề dạy học và có dịp thực hành luyện tiếng trực tiếp với người nước ngoài nói tiếng Anh ở miền Nam, nhờ đó khả năng nghe nói ngày càng thuần thục. Cứ tưởng ông sẽ mãi mãi tiếp nối nghề dạy học của gia đình, nhưng khi đất nước mở cửa, năm 1988, với vốn liếng ngoại ngữ sau 20 năm tích lũy, ông quyết định chuyển sang nghề phiên dịch.
Nơi đầu tiên ông chính thức hưởng lương phiên dịch là Công ty Sagoda, thuộc Sở Công nghiệp TPHCM. Làm việc được 3 năm, ông chuyển sang khách sạn Quê Hương, đến năm 2003 thì chuyển về làm ở khách sạn Continental -TPHCM cho đến nay. Với chuyên môn vững vàng, kiến thức sâu rộng, ông ngày càng được tín nhiệm. Nhiều cuộc hội thảo, chiêu đãi quốc tế tổ chức tại các khách sạn lớn như Caravelle, Park Hyatt, Sheraton, Majestic… ông đều được mời phiên dịch.
Đối với ông, bài học sâu sắc nhất là khi bắt gặp những ánh mắt khó chịu của khách mời dự hội nghị. Nhiều khách mời thông thạo ngoại ngữ nên nếu dịch không đúng, không hay, họ sẽ phản ứng bằng những cái nhăn mặt, nhíu mày, nhún vai… Những cử chỉ đó giúp ông kịp thời điều chỉnh, chú ý sửa chữa, trau chuốt ngôn từ cho lưu loát, trôi chảy, sát nghĩa hơn.
Làm dâu trăm họ
Ông Tiến cho biết, người tham dự hội nghị là những người có kiến thức vững vàng trong lĩnh vực liên quan, nên người phiên dịch không thể dịch lướt cho có. Người phiên dịch không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn phải nghiên cứu, nắm vững một số thuật ngữ cần thiết liên quan đến hội nghị, hội thảo. Đây là “nghề làm dâu trăm họ”, nên phải rèn luyện, học tập thường xuyên, nếu không thì không thể tồn tại. Chỉ cần dịch kém một lần, thì những lần kế tiếp không ai dùng mình nữa.
Theo ông Tiến, làm nghề phiên dịch không đơn thuần để kiếm tiền, mà còn phải ý thức trách nhiệm xã hội của mình, góp phần đưa hình ảnh con người, đất nước của mình đến với bạn bè quốc tế. Nghề phiên dịch nói chung, phiên dịch hội nghị nói riêng cũng như bao nghề khác có những vui buồn lẫn lộn. Trước khi bắt tay vào việc, người phiên dịch phải chuẩn bị cho mình sức khỏe tốt nhất, tinh thần tốt nhất, bởi khi vào việc khách mời có thể ăn uống tự nhiên, thậm chí được quyền đi… giải lao, còn người phiên dịch thì không được phép rời chỗ.
Lấy gia đình làm nền
Những năm gần đây, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, các buổi hội thảo, hội nghị, diễn đàn… được tổ chức liên tục, nên nghề phiên dịch hội nghị cũng phát triển mạnh. Có bạn trẻ rất giỏi ngoại ngữ nhưng nhiều lúc chưa đủ kinh nghiệm để xử lý trong những tình huống bất ngờ.
Ông Tiến cho biết, thời điểm hiện tại, thù lao làm phiên dịch hội nghị hơn 300 USD/buổi; thù lao phiên dịch không chuyên sâu từ 1 triệu – 1,5 triệu đồng/buổi, nên có thể xếp nghề này vào danh sách ngành nghề có thu nhập cao, thu hút nhiều bạn trẻ có năng lực. Chị Trần Thị Thúy Hoa (quê Ninh Thuận), tốt nghiệp Trường Nghiệp vụ Du lịch TPHCM, đồng nghiệp của ông, cho biết: “Tôi không những xem chú Tiến là người thân, mà còn là người thầy. Tôi học hỏi rất nhiều điều về nghề nghiệp, về đối nhân xử thế từ chú Tiến. Công việc của tôi và những đồng nghiệp cùng trang lứa thường tiếp xúc với nhiều người, nhiều nền văn hóa, gặp những lúc khó khăn, thường được chú động viên, giúp đỡ”.
Gần sáu mươi tuổi, không nhận mình giàu có nhưng ông rất hài lòng vì đã xây dựng được một gia đình ổn định về vật chất cũng như tinh thần. Ông cho rằng như thế là thành đạt, là hạnh phúc. Hiện ông có hai cô con gái đang du học tại Singapore. “Mình thành công ở đâu thì mặc, nhưng cần nhớ nền tảng gia đình là cái gốc để giúp con mình bước ra đời. Con cái nên người, đó mới chính là thành công lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ”- ông tâm sự.
Để lại một bình luận