Tạp chí People gọi bà là Người phụ nữ nổi tiếng nhất Trung Quốc, tờ Time cho bà là Nữ hoàng của đất Trung, tạp chí Money mô tả bà là Marco Polo thời đại mới… Tất cả đều chính xác nhưng vẫn chưa đủ với người phụ nữ Mỹ gốc Hoa, Yue-Sai Kan.
Gần trọn cuộc đời của bà hoạt động cho cả phương Đông lẫn phương Tây với vai trò học giả, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, dẫn show truyền hình…
Yue-Sai Kan chào đời tại Guilin, Trung Quốc. Cha bà là họa sĩ nổi tiếng theo phong cách truyền thống. Gia đình Kan định cư ở Hong Kong và chẳng lâu sau, năng khiếu nghệ thuật, tình yêu cái đẹp ở Kan bắt đầu bộc lộ từ khi bà học ballet và piano năm lên 4 tuổi. Tài năng của Kan được nhiều người tán thưởng nhưng nó lại không gây ấn tượng cho chính chủ nhân.
Sau khi tốt nghiệp khoa âm nhạc ở trường đại học tại Hawaii, Yue-Sai Kan có một quyết định táo bạo. Bà chuyển hướng đến điều làm mình vui thích hơn: xúc tiến cầu nối giữa châu Á và phương Tây.
Năm 1972, Yue-Sai Kan cùng người chị dọn đến ở New York City và bắt đầu có kế hoạch làm ăn về xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Song song, bà còn xung phong làm host cho một chương trình truyền hình bằng Anh ngữ và Hoa ngữ cho đài truyền hình cáp ở Manhattan.
Nơi đây, Kan nhanh chóng nhận thức được sức mạnh của truyền hình là cầu nối cho khoảng cách vĩ đại trong việc hiểu nhau của Đông và Tây. Năm 1978, thông qua công ty sản xuất riêng, Yue-Sai Kan Productions, loạt chương trình truyền hình do bà sản xuất mang tên Looking East ra đời, giới thiệu phong tục tập quán phương Đông một cách dễ hiểu và hấp thụ cho khán giả Mỹ. Chương trình có nội dung phong phú đến nỗi nhận được cả tá giải thưởng, còn bản thân Kan ngày càng được đánh giá cao. Bà được xem là nhà báo truyền hình đầu tiên nối nhịp Đông-Tây. Looking East phát sóng đến 12 năm và trong 2 năm cuối, chương trình được nằm trong hệ thống Discovery Channel của Mỹ.
Công sức của Yue-Sai Kan được đền bù xứng đáng khi PBS mời bà dẫn trực tiếp cho chương trình mừng quốc khánh thứ 35 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1984. Năm sau đó, Chính phủ Trung Quốc mời bà sản xuất One World, loạt chương trình đầu tiên do một người Mỹ làm chủ được phát trên CCTV.
Nội dung của One World được lấy làm bài giảng trong trường học khắp Trung Quốc. Không những được sự tín cẩn và tin yêu của hàng triệu dân Trung Hoa vì đã mang “thế giới” đến cho họ, phong cách làm chương trình dễ hiểu của Yue-Sai Kan còn gây ấn tượng với vô số nhà báo tại đây. Bà còn tiếp tục sản xuất loạt chương trình khác mang tên Yue-Sai”s World, nhằm nâng cao ý thức của người Trung Quốc về những xu hướng và quan niệm sống mới nhất của quốc tế thông qua các cuộc trò chuyện với vô số nhân vật danh tiếng của thế giới như Catherine Deneuve, Naomi Campbell, Valentino…
Tại Mỹ, tên tuổi của Kan gắn liền với các phim tài liệu về Tường thành và cầu ở Trung Quốc phát trên ABC được nhận giải Emmy, hay chương trình Journey Through A Changing China, Mini Dragons, Doing Business in Asia. Trong suốt sự nghiệp truyền hình của Kan, bà đã đến quay gần 30 quốc gia và thực hiện hàng nghìn chương trình với không ít trong số đó phát sóng toàn cầu.
Sang thập niên 1990, Yue-Sai Kan tiếp tục thực hiện một mơ ước khác là làm thế nào để phụ nữ châu Á cảm thấy tự tin về nét quyến rũ có một không hai của mình. Bà lập hãng mỹ phẩm Yue-Sai Kan Cosmetics Ltd. với sản phẩm được chế tạo hợp với đặc điểm của phụ nữ châu Á ở từng độ tuổi. Việc kinh doanh ngày càng phát đạt, Kan mở thêm nhiều công ty với diện tích lớn hơn và sản phẩm cũng có nhiều chủng loại hơn. Hãng của Kan đã nhận được nhiều chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn hệ thống quản lý môi trường. Năm 2004, hãng mỹ phẩm L”Oreal danh tiếng đã mua lại tên hiệu sản phẩm của bà cho dòng mỹ phẩm mới của L”Oreal. Hiện nay, Kan là phó chủ tịch cho L”Oreal tại Trung Quốc. Ngoài ra bà còn viết nhiều sách với phần lớn ưu tiên nâng cao ý thức cho phụ nữ thời hiện đại.
Sau một loạt thành công trong lĩnh vực truyền hình, viết văn, lập công ty mỹ phẩm… Yue-Sai Kan mang đến cho châu Á một con búp bê như Barbie của phương Tây dưới tên Yue-Sai Wa Wa. Mục đích đầu tiên của bà là muốn trẻ em châu Á “có cái để chơi”. Qua búp bê, chúng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dân tộc mình, từ đó tăng thêm lòng tự tin, sự độc lập và có thêm kiến thức về văn hóa.
Mỗi dân tộc ở châu Á có một búp bê riêng mặc trang phục truyền thống, có khi còn kèm cả những dụng cụ hay nhạc cụ truyền thống của nước đó. Mỗi con có giá từ vài chục đến vài trăm USD. Kan không chỉ nhắm đến thị trường châu Á mà còn tấn công sang nước Mỹ và phương Tây, nơi có dân châu Á sống không ít và có hàng triệu bé gái châu Á lứa tuổi 5-14. Kan còn cho rằng trong số những khách hàng ở Mỹ của bà sẽ có các gia đình nhận con nuôi là người châu Á. Chỉ trong ba tháng đầu, Kan đã bán được vài chục ngàn con và cho đến nay, doanh thu từ sản phẩm độc đáo này đã lên đến vài chục triệu USD.
Từ vài năm nay, Kan đã có mặt trong danh sách những nhân vật hoạt động cho chiến dịch “Say Yes for Children” cùng với Kofi Annan, Bill Gates, Kim Dae-jung, Susan Sarandon, Nana Mouskouri… Bà là đại sứ người Mỹ gốc Trung Quốc đầu tiên tham gia chiến dịch toàn cầu này với mục đích thay đổi cách thế giới đối xử với trẻ em. Kan nói: “Ngày nay, người Trung Quốc rất năng động trong các công vụ toàn cầu, bằng chứng là được đăng cai tổ chức Olympics 2008 và gia nhập WTO”.
Để lại một bình luận