Người nước ngoài không bằng cấp có được làm việc tại Việt Nam?

Người nước ngoài không bằng cấp có được làm việc tại Việt Nam?
0 Shares

Người nước ngoài không bằng cấp có được làm việc tại Việt Nam? Trường hợp sử dụng người lao động nước ngoài không có bằng cấp có vi phạm pháp luật?

Hiện nay việc mở rộng nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, theo đó người nước ngoài vào Việt Nam lao động cũng ngày càng tăng theo. Tuy nhiên không phải trường hợp nào người nước ngoài cũng có thể nhập cảnh vào Việt Nam để lao động mà cần phải đáp ứng những điều kiện, quy định của pháp luật mới được xem là lao động hợp pháp, cụ thể như sau:

1. Điều kiện để người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 151 Bộ luật lao động năm 2019 thì đối với người nước ngoài tức người có quốc tịch nước ngoài có thể được làm việc tại Việt Nam nếu như người đó đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau:

– Về độ tuổi: là những người từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Về năng lực hành vi dân sự: phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài được quyền lao động, làm việc tại Việt Nam trừ các trường hợp pháp luật quy định làm việc tại Việt Nam mà không cần phải xin giấy phép lao động;

– Tại thời điểm làm việc tại Việt Nam không phải là người đang trong quá trình, thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành các hình phạt hoặc đã chấp hành xong các hình phạt nhưng chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Là người có trình độ về kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, có kinh nghiệm làm việc;

– Về sức khỏe: Được xác định là có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Điều kiện của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, sử dụng người lao động là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

Các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn được tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài để vào Việt Nam làm việc cho mình thì chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện như sau: 

– Phải tiến hành việc giải trình về nhu cầu sử dụng lao động của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về lao động tại địa phương và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước đó cho phép được sử dụng nguồn lao động từ nước ngoài trước khi tiến hành việc tuyển dụng người lao động nước ngoài để vào làm việc tại Việt Nam. 

– Các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà thầu chỉ có thể được tuyển dụng những người lao động nước ngoài vào làm cho các vị trí công việc liên quan đến hoạt động điều hành, quản lý, là chuyên gia và là những lao động kỹ thuật mà tại Việt Nam nguồn lao động chưa đáp ứng được các yêu cầu về sản xuất, kinh doanh cho chức danh, công việc đó.

– Riêng đối với các nhà thầu phải có trách nhiệm tiến hành kê khai đầy đủ, cụ thể các vị trí việc làm, kinh nghiệm làm việc, trình độ về chuyên môn và kỹ thuật, thời gian làm việc có nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài nhằm mục đích thực hiện cho các gói thầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đồng thời phải nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước đó thì mới có thể tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam cho gói thầu mà mình thực hiện. 

Xem thêm  Thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyền đối với trang thiết bị y tế

3. Người nước ngoài không có bằng cấp có làm việc được tại Việt Nam

Từ những quy định nêu trên ta có thể thấy điều kiện để người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là phải có trình độ về kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, có kinh nghiệm làm việc và chỉ được sử dụng cho các vị trí công việc về lao động kỹ thuật, điều hành, quản lý và chuyên gia. 

Trong đó theo quy định tại Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP thì các vị trí công việc được xác định là lao động kỹ thuật, điều hành, quản lý và chuyên gia khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;

+ Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;

+ Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức.

– Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

– Lao động kỹ thuật là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo;

+ Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Như vậy ta có thể thấy theo quy định của Bộ luật lao động thì không có bất cứ điều khoản nào ghi rõ phải là người có bằng cấp thì mới được lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên từ những điều kiện yêu cầu đối với người lao động nước ngoài và cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì bằng cấp của người nước ngoài chính là cơ sở để chứng minh họ là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đặc biệt theo quy định hướng dẫn tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP nêu trên thì người lao động nước ngoài vào Việt Nam mà là chuyên gia, lao động kỹ thuật thì bắt buộc phải có bằng cấp theo quy định.

4. Những trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Giấy phép lao động là một loại văn bản ghi nhận sự chấp thuận người nước ngoài được vào làm việc tại Việt Nam của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được cấp giấy phép lao động. Dưới đây là những đối tượng không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định:

– Những người là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc là thành viên trong Hội đồng quản trị của công ty cổ phần mà công ty đó có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên

– Những người hiện là chủ sở hữu hoặc là thành viên góp vốn của công ty dưới loại hình trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc từ hai thành viên trở lên mà phần vốn góp có giá trị 3 tỷ đồng trở lên

– Những trường hợp dựa trên các quy định của những điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Những người là Trưởng của các văn phòng đại diện, đứng đầu dự án hoặc những người chịu trách nhiệm chính về những hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế nước ngoài tại Việt Nam.

– Là luật sư người nước ngoài mà theo quy định của Luật Luật sư người này đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam.

Xem thêm  Tài xế buông 2 tay khi lái ô tô có bị xử phạt không?

– Những người nhập cảnh vào Việt Nam nhằm mục đích thực hiện việc chào bán dịch vụ, xử lý các tình huống kỹ thuật, sự cố, xử lý về công nghệ phức tạp phát sinh gây hậu quả ảnh hưởng hoặc có nguy cơ sẽ gây ra ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà các chuyên gia Việt Nam hoặc các chuyên gia nước ngoài khác hiện đang ở tại Việt Nam không thể xử lý được với thời gian lưu trú lại Việt Nam dưới 03 tháng. 

– Người nước ngoài đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam và hiện nay đang sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.

– Vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài.

– Được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

– Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên hợp quốc; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

– Tình nguyện viên

– Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm.

– Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật.

– Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam.

– Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam 

– Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.

– Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại.

– Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.

5. Các quy định của pháp luật về giấy phép lao động

5.1. Thời hạn của giấy phép lao động:

Thời hạn của giấy phép lao động theo quy định của luật thì tối đa là 02 năm. Trong trường hợp người nước ngoài có nhu cầu gia hạn thời hạn của giấy phép lao động thì mỗi người chỉ được gia hạn 01 lần với thời hạn gia hạn tối đa là 02 năm.

5.2. Các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực:

Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì giấy phép lao động sẽ mặc nhiên hết hiệu lực:

– Thời hạn của giấy phép lao động đã hết.

– Người nước ngoài làm việc không đúng so với những nội dung ghi trong giấy phép lao động đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

– Hợp đồng lao động có những nội dung, điều khoản không đúng, trái với những nội dung, điều khoản của giấy phép lao động đã được cấp cho người nước ngoài.

– Phía nước ngoài có văn bản thông báo gửi đến phía Việt Nam với nội dung về việc dừng hoạt động cử lao động là người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

– Khi các bên người lao động là người nước ngoài và người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

– Bên phía cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhà thầu, đối tác ở Việt Nam hoặc các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam đang sử dụng nguồn lao động là người nước ngoài phá sản, chấm dứt hoạt động.

– Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở, căn cứ phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn thực hiện hoặc chấm dứt.

– Trường hợp giấy phép lao động bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thu hồi theo quy định của pháp luật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *