Trải qua những chức vụ chủ chốt của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, chèo lái đưa Sony Ericsson Việt Nam đến mức tăng trưởng 200%, Vũ Minh Trí, 36 tuổi, hiện là Tổng Giám đốc Yahoo! Đông Nam Á.
Trò chuyện với Tiền phong, anh đã bật mí những dự định của Yahoo! tại Việt Nam cũng như cơ hội làm việc với “người khổng lồ” này dành cho các bạn trẻ.
Làm “sếp” ở những tập đoàn đa quốc gia
Trước khi làm Tổng Giám đốc Yahoo! Đông Nam Á, anh từng là lãnh đạo cho nhiều tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam?
Tôi sinh ở Biên Hòa (Đồng Nai), tốt nghiệp ngành Công nghệ lọc hóa dầu, ĐH Bách khoa TPHCM. Ra trường, tôi được nhận vào làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu dầu khí thuộc PetroVietnam ở TPHCM.
Tổng Giám đốc Yahoo! Đông Nam Á Vũ Minh Trí. |
Tuy nhiên, càng làm việc tôi càng thấy mình không phù hợp với công việc nghiên cứu, kỹ thuật. Tôi muốn được làm những công việc có tính hướng ngoại cao hơn, như marketing, kinh doanh…
Làm cho PetroVietnam được ít lâu, tôi chuyển sang làm việc cho P&G, phụ trách marketing và nhãn hiệu. Năm 1995, tôi lại chuyển sang làm cho BP.
Năm 2000, sau khi hãng thuốc lá nổi tiếng thế giới là British American Tobacco (BAT) sáp nhập với Rothmans International, trình độ nhân viên rất khác nhau. Họ cần một người huấn luyện, đào tạo để đội ngũ marketing của hai bên có trình độ ngang nhau tại Việt Nam.
Thế là tôi lại xin ra khỏi BP để đảm nhận vị trí này của BAT rồi phụ trách toàn bộ phần kinh doanh. Trải qua nhiều vị trí quản lý ở đây, tôi rời khỏi BAT, “đầu quân” cho Sony Ericsson.
Lúc đó, họ đang bị thua lỗ và hoạt động kinh doanh không tốt tại Việt Nam. Tôi bắt tay vào củng cố lại hoạt động kinh doanh. Sau 6 tháng, Sony Ericsson lần đầu tiên đã đạt mức tăng trưởng 200%. Năm 2007 là năm “bội thu” nhất của Sony Ericsson tại thị trường Việt Nam với tổng doanh thu hàng chục triệu euro.
Cùng thời điểm đó, Yahoo! Đông Nam Á quyết định lấy Việt Nam làm thị trường trọng điểm cho toàn bộ khu vực. Họ muốn kiếm một ứng cử viên làm Tổng giám đốc Yahoo! Đông Nam Á. Họ rất ấn tượng với những gì tôi đã làm được, còn tôi cũng cảm thấy phù hợp với vị trí này.
Du học ở nhiều quốc gia có phải là một trong những lợi thế khiến anh có thể làm được nhiều việc đến vậy?
Khi làm việc ở những Cty đa quốc gia, họ đều cử tôi đi học nên tôi đã được tham gia những chương trình quản lý bài bản ở Thái Lan, rồi Hà Lan, Australia, Anh…
Việt Nam là thị trường trọng điểm
Trở lại với câu chuyện của Yahoo! Đông Nam Á. Vì sao Yahoo! lại quyết định coi Việt Nam là thị trường trọng điểm?
Dân số Việt Nam có thể không bằng Indonesia, nhưng chúng tôi tính đến yếu tố số người sử dụng Internet. Trong khi Việt Nam có tới trên 20% dân số sử dụng Internet thì Indonesia chưa tới 5%.
Nếu tính đến yếu tố này, Việt Nam là nước có số người sử dụng Internet cao nhất khu vực. Yếu tố tiếp theo mà chúng tôi tính đến là dân số sử dụng Internet có phù hợp với sản phẩm của Yahoo! hay không. Những người có độ tuổi từ 16 – 26 là lý tưởng nhất phù hợp với sản phẩm của Yahoo! Trong khi đó, dân số Việt Nam rất trẻ.
Một yếu tố rất quan trọng nữa là Nhà nước có hỗ trợ đối với việc phát triển loại hình công nghệ này hay không. Phó Chủ tịch tập đoàn Yahoo! phụ trách khu vực Đông Nam Á đã tiếp xúc với nhiều bộ, ngành. Chúng tôi cũng đã có cuộc tiếp kiến với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Qua các cuộc làm việc, chúng tôi thấy lãnh đạo Chính phủ cũng như các bộ, ngành đều rất ủng hộ việc Yahoo! vào Việt Nam và tin tưởng Yahoo! sẽ đóng góp cho sự phát triển ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Làm việc với Bộ KH&CN, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều điểm chung. Bộ KH&CN đang tiến hành nhiều dự án và Yahoo! cũng đang muốn làm những dự án đó. Trong tương lai, tôi tin tưởng hai bên sẽ hợp tác thực hiện những dự án này.
Xét ở mọi yếu tố, Việt Nam đáp ứng mọi yêu cầu của Yahoo! Chính vì thế, Yahoo! Đông Nam Á đã quyết định chọn Việt Nam làm thị trường trọng điểm.
Có thể thấy xu hướng “khu vực hóa” rất rõ của Yahoo!. Điều này có nghĩa là khi thị trường toàn cầu đang bị co hẹp lại, Yahoo! sẽ tập trung vào thị trường tiềm năng?
“Khu vực hóa” sản phẩm được nhấn mạnh hơn việc mở văn phòng. Yahoo! mở văn phòng tại Việt Nam từ tháng 6/2007. Nhưng trên thực tế, ngay từ năm 2003, Yahoo! đã có trang web tiếng Việt.
Có trang web tiếng Việt, Yahoo! mới chỉ bắt đầu quá trình “khu vực hóa” sản phẩm của mình mà thôi, còn nội dung vẫn chưa phù hợp với thị trường Việt Nam. Nhưng hiện nay, trang web Yahoo! có thể nói đã là “Việt Nam 100%”. Chúng tôi ký hợp đồng với nhiều báo điện tử Việt Nam để lấy tin tức.
Ngoài ra, chúng tôi tung ra những sản phẩm cho riêng thị trường Việt Nam là 360plus và music. Chúng tôi cũng lên kế hoạch xây dựng đội ngũ lập trình viên, phát triển sản phẩm riêng cho thị trường Việt Nam. Có thể thấy rằng Việt Nam nằm trong rất ít thị trường mà Yahoo! đầu tư phát triển sản phẩm riêng.
Nguồn thu của Yahoo! sẽ chủ yếu thông qua quảng cáo trực tuyến?
Theo đánh giá của chúng tôi, doanh thu từ toàn bộ thị trường quảng cáo truyền thống khoảng nửa tỷ USD và tăng trưởng khoảng 18 – 20%/năm. Doanh thu từ quảng cáo trực tuyến chiếm khoảng 1,5 – 2% tổng số này, nghĩa là từ 7,5 – 10 triệu USD/năm. Với mức doanh thu này, Yahoo! không đặt mục tiêu kinh doanh có lãi ngay mà phải nhìn rất xa khi bước vào thị trường Việt Nam.
Chiến lược “nhìn xa” đó là gì, thưa anh?
Một trong những chiến lược lớn của chúng tôi là Yahoo! muốn trở thành điểm bắt đầu, nghĩa là người dùng khi mở Internet đều bắt đầu bằng một sản phẩm của Yahoo!.
Ví dụ, khi muốn nghe nhạc hay tìm hiểu thông tin về giáo dục hay một lĩnh vực nào đó, người dùng phải truy cập vào những website nào đó có nội dung trên. Nhưng khi vào trang chủ của Yahoo!, website sẽ cho họ tin tức và nếu họ muốn xem tiếp, Yahoo! sẽ kết nối đến tất cả các website họ cần.
Người dùng muốn viết nhật ký, cảm xúc, Yahoo! có 360plus; muốn nghe nhạc có Yahoo!music; muốn gửi thư có Yahoo!Mail; muốn chat có Yahoo!Messenger.
Đó là những sản phẩm mang lại giá trị thiết thực cho người sử dụng mà không liên quan gì đến quảng cáo. Thay vì dàn trải nguồn lực để liên tục cho ra đời những sản phẩm mới như trước đây, Yahoo! Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực làm thật tốt những sản phẩm sẵn có thiết thực với người sử dụng.
Chiến lược này rất dài hạn và không liên quan trực tiếp đến việc sẽ có lợi nhuận ngay từ những sản phẩm này.
Chiến lược tiếp theo là Partner of choice (đối tác lý tưởng). Chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác trong nước để cung cấp nội dung phù hợp cho thị trường Việt Nam. Đổi lại, Yahoo! sẽ giúp tăng số lượng truy nhập trên những website của họ.
Với 17 triệu người truy nhập Yahoo! thường xuyên tại Việt Nam cộng với hơn 500 triệu khách hàng trên toàn cầu là nguồn khách hàng rất lớn mà bất cứ website nào tại Việt Nam đều muốn.
Cuối cùng mới là chiến lược thu hút quảng cáo trên website của Yahoo! Nhưng mục tiêu của chúng tôi không phải là giành bao nhiêu phần trăm thị phần quảng cáo trực tuyến mà là phát triển, mở rộng thị trường này trong những năm tiếp theo.
Yahoo! sẽ đưa mức độ quảng cáo cao nhất vào Việt Nam là nhà quảng cáo chỉ phải trả tiền sau khi đã bán được hàng trực tuyến. Điều này sẽ thúc đẩy thị trường trực tuyến Việt Nam bởi người quảng cáo biết chắc chắn rằng họ sẽ có lợi nhuận khi tham gia quảng cáo trực tuyến.
Thực tế là đang có những sản phẩm tương tự như Yahoo! của các nhà cung cấp khác đang dần tỏ ra ưu việt hơn đối với Yahoo!. Chẳng hạn đang có đến 309 triệu người đang sử dụng dịch vụ chat của skype và Gmail cũng đang hấp dẫn người sử dụng e-mail hơn là Yahoo!Mail?
Tôi không có những thống kê cho thấy người dùng chuyển sang dùng Gmail thay cho Y!Mail. Hiện có 90% người dùng Internet Việt Nam sử dụng dịch vụ e-mail và chat của Yahoo! Điều mà chúng tôi nỗ lực thực hiện là làm cho dịch vụ của mình, trong đó có e-mail và chat ngày càng tốt hơn lên.
Rất nhiều cơ hội làm việc với Yahoo!
Vũ Minh Trí và đội ngũ kỹ thuật tại tổng hành dinh Yahoo! Đông Nam Á |
Với sự phát triển như anh vừa nói, Yahoo! sẽ phải cần đến số lượng nhân lực lớn. Cơ hội làm việc tại Yahoo! đối với các bạn trẻ Việt Nam ra sao?
Hiện nay Yahoo! đang sử dụng nguồn lực chung ở Bangalore (Ấn Độ) và Singapore. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT ở thị trường Việt Nam là rất lớn và có chất lượng tốt.
Vì vậy Yahoo! sẽ xây dựng đội ngũ lập trình viên làm ra những sản phẩm cho riêng thị trường Việt Nam. Sau đó, chúng tôi sẽ tính đến chuyện sử dụng nguồn nhân lực ở Việt Nam để xây dựng sản phẩm cho toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Yahoo! Việt Nam sẽ là “nhà máy” phụ trách toàn bộ khu vực.
Cơ hội tiếp theo là Yahoo! sẽ kết nối chặt chẽ với các trường đại học công nghệ ở Việt Nam để sinh viên hiểu rõ họ sẽ cần có những kiến thức gì trước khi làm việc với Yahoo! cũng như các tập đoàn CNTT đa quốc gia khác.
Anh có thể đưa ra dự kiến về con số tuyển dụng?
Xin đưa ra vài con số tham khảo. Ở Đài Loan, Yahoo! có 600 người, ở Ấn Độ có hơn 1.000 người. Trong vòng 5 năm tới, Yahoo! sẽ phát triển rất lớn ở thị trường này. Lớn đến đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như hợp tác với các đối tác.
Mô hình kinh doanh làm sao cho hiệu quả nhất chứ không nhất thiết phải lấy người vào làm ở Yahoo! Bạn trẻ có thể làm việc với Yahoo! thông qua hình thức outsourcing (gia công phần mềm).
Cảm ơn anh.
Để lại một bình luận