Những câu chuyện “người thật, việc thật” cho thấy rằng ngôn ngữ cơ thể cũng có thể là nguy cơ khiến sự nghiệp của bạn “tan tành mây khói”.
Ngôn ngữ cơ thể
Carol Kinsey Goman – một diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực giao tiếp dành cho những nhà lãnh đạo, kiêm tác giả cuốn “The Nonverbal Advantage: Body Language at Work” và “The Silent Language of Leaders: How Body Language Can Help or Hurt How You Lead” đã dẫn ra những câu chuyện “người thật, việc thật” cho thấy rằng ngôn ngữ cơ thể cũng có thể là nguy cơ khiến sự nghiệp của bạn “tan tành mây khói”.
Một lần Carol nhận được email từ một kĩ sư kể lại câu chuyện về một vị cố vấn phải ngậm ngùi rời khỏi vị trí công tác chỉ vài tuần sau khi nhận công việc. Câu chuyện như sau:
“Giám đốc dự án giới thiệu với nhân viên trong công ty một vị cố vấn mới. Trong lần gặp gỡ đầu tiên, anh ta mỉm cười và bắt tay mọi người, song dường như những cử chỉ này không mấy chân tình, bởi nụ cười ra vẻ trịnh thượng trong khi cái bắt tay thì ẻo lả, trơn tuột. Tiếp đến, chẳng đợi ai mời, vị này còn ngồi ngay vào chiếc ghế vốn dành cho Giám đốc kỹ thuật đang đi nghỉ mát. Với những cử chỉ chướng tai gai mắt như trên, ngay sau đó, tất cả nhân viên đều ‘tẩy chay’ vị cố vấn mới này. Và chỉ sau đó vài tuần, hợp đồng làm việc của vị này cũng nhanh chóng kết thúc, cũng chẳng ai buồn quan tâm xem kỹ năng của anh ta có gì đặc biệt hay anh ta đã làm được gì cho dự án.”
Có thể câu chuyện kể trên mới chỉ đề cập đến một nhân vật “ngoài cuộc”. Trong khi đó, trên thực tế, ngay đến cả nhà lãnh đạo một doanh nghiệp lớn cũng có khi gặp phải những rắc rối xung quanh ngôn ngữ cơ thể. Carol trích dẫn một tình huống khác về “người trong cuộc” từ cuốn sách “The Silent Language of Leaders: How Body Language Can Help or Hurt How You Lead” do bà chấp bút.
“Giám đốc tới dự cuộc họp công ty trong bộ comple hàng hiệu với áo sơ mi trắng và cà vạt thời trang. Ông xem giờ bằng chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Rolex và nhẹ nhàng đặt chiếc cặp đựng tài liệu đắt tiền xuống bàn. Vẻ uy quyền của Giám đốc hoàn toàn phù hợp với vị trí của ông trong Hội đồng quản trị, song đặt vào bối cảnh của một cuộc họp công ty, điều này trở nên quá lạc lõng.
Giám đốc còn lập ra một nhóm công tác đa cấp, đa chức năng và sắp xếp một chuyến công tác 2 ngày để hoàn thành kế hoạch chiến lược mới của công ty. Ông hy vọng sẽ tạo ra tinh thần cộng tác và chia sẻ kiến thức sẽ khởi đầu từ cuộc họp này và lan rộng đến các ban ngành khác. Tuy nhiên, mọi việc không dễ như ông tưởng khi mà cuộc họp đưa ra thảo luận vấn đề cắt giảm chi tiêu và giảm biên chế. Một số nhân viên hy vọng rằng lãnh đạo công ty cũng sẽ cùng nhân viên thực hiện vấn đề này.
Được thông báo ăn mặc sao cho thoải mái đi họp, nhiều người chỉ quần Jeans áo sơ mi đến công ty. Trong khi đó, Giám đốc không chỉ đến họp muộn mà còn ăn vận sang trọng đến mức lạc lõng, chưa kể mọi cử chỉ của sếp còn để khoe khoang uy quyền của người đứng đầu. Không khó để nhận thấy vẻ hoài nghi và xa cách qua cuộc nói chuyện của các nhân viên.
Có thể sếp không hề để ý thấy vấn đề gì trong ngôn ngữ cơ thể hay cách ăn mặc của mình, mà nếu có sếp cũng gạt đi xem đó là chuyện nhỏ. Song chính những cử chỉ không lời đó lại vô cùng quan trọng bởi chúng đã nói lên một điều rằng những mục tiêu sếp đề ra nói trên đã hoàn toàn thất bại.
Với thâm niên 10 năm trong lĩnh vực đào tạo những kỹ năng cần thiết cho các nhà lãnh đạo, hơn ai hết, Carol hiểu rõ tầm quan trọng của những thông điệp không thể hiện bằng lời nói. Ngôn ngữ cơ thể có thể khiến lời nói của người đứng đầu trở nên đáng tin cậy hơn hoặc cũng có thể khiến chúng trở nên lố bịch. Và Carol cũng tin rằng nếu những thông điệp bằng lời và bằng ngôn ngữ cơ thể không trùng khớp thì người ta sẽ tin vào điều gì họ thấy hơn là những gì nghe được.
Để lại một bình luận