Nghệ thuật kể tội “sếp”

Nghệ thuật kể tội “sếp”
0 Shares


Khi “sếp” của bạn sai, bạn sẽ nói với họ như thế nào về việc này? Câu trả lời ngắn gọn: hết sức cẩn thận. Câu châm ngôn của người xưa với đại ý cho rằng chỉ có chiến thuật đúng đắn mới dẫn đến thắng lợi vẫn còn có giá trị trong thời đại ngày nay.

Song điều đó không có nghĩa rằng bạn không nên thử sức vì cầm chắc thất bại trong tay. “Mặc dù thách thức sếp có thể là một việc đầy rủi ro, nhưng nó vẫn có ẩn chứa một vài mặt tích cực nhất định”, chuyên gia tư vấn hoạt động công sở William Treasurer, tác giả cuốn sách Right Risk (Những rủi ro hợp lý), – cho biết, – “Khi bạn nói với với sếp những phản hồi có giá trị, ông ta sẽ coi bạn như một người tư vấn tin cậy”.

Cho dù bạn là một phó chủ tịch cấp cao không đồng ý với vị giám đốc điều hành, hay một nhân viên cấp dưới bất đồng với cấp trên trực tiếp, cách thức bạn chuẩn bị và đưa ra ý kiến của mình chính là chìa khoá để bạn khỏi bị rơi vào vị trí người đối lập với sếp. Đương nhiên, bạn phải hết sức cẩn trọng và tìm cơ sở đúng đắn trước khi phát ngôn. Nhưng thậm chí ngay cả khi bạn đúng, nếu không biết cách bày tỏ, thì việc khiến “sếp” bực mình hoặc bỏ ngoài tai là điều không thể tránh khỏi. Mọi việc rất có thể sẽ chấm dứt với kết quả “khăn gói ra đi” khỏi công ty của bạn.

“Cách kể tội sếp hợp lý cần đảm bảo ba yếu tố quan trọng nhất đó là trái tim, trí óc và bàn tay”, Elizabeth Gibson, nhà tâm lý học quản lý tại công ty RHR International và là đồng tác giả cuốn sách Big Change at Best Buy (Cơ hội lớn để lấy lòng hiệu quả nhất), cho biết:

– Trái tim: thể hiện một tình cảm thật lòng và mang tính xây dựng.

– Trí tuệ: xác định rõ những lý do tại sao chính sách không hiệu quả.

– Bàn tay: thể hiện cách giải quyết đúng đắn khác.

Dưới đây là 7 lời khuyên khi bạn muốn nói với cấp trên rằng họ đang mắc sai lầm hay đang đâm đầu vào đường hầm không lối thoát. Những điều này cũng bổ ích khi bạn đối mặt với thất bại và không biết cần phải hành động và cư xử như thế nào hoặc khi phải làm những việc mà bạn không tán thành.

1. Đừng tỏ ra giận dữ khi đối thoại với sếp

Thông thường, phải mất thời gian mới nhận ra tính thiếu hiệu quả của một chính sách hay giải pháp mới. Nếu doanh nghiệp thay đổi theo cách đó chắc chắn sẽ có trục trặc hay rắc rối phát sinh. Cũng như vậy, tác động của một chính sách sai không xảy ra một sớm một chiều. Đó là một quá trình lâu dài và chậm rãi. Các tác động tiêu cực xuất hiện từ từ và từng ít một, làm mọi người trở nên thiếu kiên nhẫn, dễ cáu kỉnh, thậm chí quá sức chịu đựng hay tồi tệ hơn thế.

Xem thêm  Tám bí quyết rút ngắn khoảng cách với khách hàng

Đừng mang những cảm giác tồi tệ và lo lắng như vậy đến cuộc họp hay khi trò chuyện với sếp. “Nếu bạn giận dữ hay chán nản và xả hết vào sếp là điều không nên. Trước khi gặp gỡ, hãy nói tất cả mọi chuyện với bạn bè hoặc nói vào máy ghi âm”, – Gibson cho biết, – “Sau đó bật lại máy và tự lắng nghe. Chắc hẳn bạn sẽ thấy cần phải chỉnh sửa lại đôi chút để có được cách nói mang tính xây dựng hơn nhằm thuyết phục sếp”.

2. Hãy chọn thời điểm thích hợp để đưa ra đề nghị của mình

Trước khi bắt đầu một cuộc tranh luận, bạn hãy hỏi sếp xem họ có đồng ý để bạn đưa ra ý kiến của mình không. Hầu hết mọi người đều muốn được cảnh báo trước khi phải nghe những lời chỉ trích hay phê phán mạnh mẽ. Ngoài ra, bạn nên chờ thời điểm thích hợp cho câu chuyện. Nếu khi đó sếp đang bận rộn hay lo lắng giải quyết một công việc nào đó và bạn không có được sự đồng ý một cách thoải mái từ phía sếp thì hãy quay trở về bàn làm việc và thử lại vào lúc khác.

3. Nói có sách, mách có chứng

Hãy suy nghĩ về những mục tiêu cụ thể bạn muốn có được sau khi kết thúc cuộc gặp gỡ với sếp. Bạn hãy tập trung vào việc đưa ra những dữ liệu, hay các sự kiện để chứng minh cho luận điểm của mình.

“Các nhân viên thường là những người gần gũi nhất với các vấn đề phát sinh. Vì vậy, họ sẽ có nhiều tài liệu, dẫn chứng cụ thể mà có thể sếp không có”, – John Baldoni, một nhà tư vấn quản lý tại hãng Ann Arbor , cho biết. Khi tranh luận với sếp, bạn hãy sử dụng kinh nghiệm thực tế hay những nhìn nhận, quan điểm thường nhật của các đồng nghiệp để thể hiện mức độ tin cậy trong lập luận của bạn và sau đó mới đưa ra những viễn cảnh khác nhau.

4. Nhấn mạnh trọng tâm một cách rõ ràng

“Bạn có thể bày tỏ hầu như bất kể thứ gì cho sếp nghe, miễn là bạn nói một vài điều gì đó tốt đẹp trước tiên”, – Deborah Brown, một nhà tư vấn nghề nghiệp cho biết. Bạn cần tránh sự đối đầu trực tiếp khi “kể tội sếp” và đừng chỉ trích hay đổ trách nhiệm ngay lập tức. Hãy nhấn mạnh trọng tâm vào những nhân tố quan trọng bất cứ khi nào bạn có thể.

5. Hãy chăm chú lắng nghe

Đừng biến mình thành kẻ “độc thoại” trong buổi gặp gỡ với sếp. Hãy cố gắng lôi kéo sếp vào một cuộc hội thoại thẳng thắn về chủ đề mà bạn quan tâm. Bạn cũng cần nỗ lực lắng nghe sếp thay vì chỉ tập trung vào “kể tội”. Rất có thể có những lý do hay động cơ hợp lý nào đó mà bạn chưa biết. Bằng việc chăm chú lắng nghe, bạn sẽ không chỉ biểu hiện sự quan tâm tới hoạt động của công ty mà bạn còn có thể gây dựng lòng tin với sếp. Bạn cũng có thể nhìn nhận thấu đáo hơn về những định hướng hiện tại và tương lai của công ty.

Xem thêm  Nhân viên kinh doanh thiết bị Y tế là ai? Làm những gì?

6. Đối xử với sếp như với một khách hàng

“Khi kể tội sếp, hãy trình bày những gì bạn muốn nói như thể bạn đang bán sản phẩm cho một khách hàng”, Maura Schreier – Fleming, một nhà tư vấn bán hàng tại Mỹ cho biết, “Các khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ theo cách mà họ mong muốn chứ không phải theo cách mà chúng ta mong muốn”.

Nếu sếp là một người cẩn trọng và kỹ tính, hãy dùng những hình ảnh và biểu đồ để hỗ trợ cho lý lẽ, lập luận của mình. “Nếu sếp là một người dễ tính, hãy nói với ông ta rằng tại sao ý tưởng hay hành động đó sẽ gây tổn thương cho những người bạn quan tâm”. Điều quan trọng là làm sao để phong cách của bạn thích hợp với suy nghĩ, tính cách của sếp, khi bạn thể hiện quan điểm của mình.

7. Đừng vội đầu hàng

Đừng mong đợi chỉ một cuộc họp có thể khiến sếp làm theo những gì bạn mong muốn. Hiếm có nhà quản lý sẵn sàng từ bỏ chính sách hay chiến lược của mình sau khi nghe ý kiến bất đồng đầu tiên, đặc biệt khi điều này đến từ cấp dưới. Thông thường, sếp có những suy nghĩ sâu sắc và nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Do đó, họ sẽ dành thời gian suy nghĩ cẩn trọng trước khi ra quyết định. Một nỗ lực đơn lẻ sẽ không thể tạo ra sự khác biệt.

Sau đó, nếu sếp cần báo cáo trường hợp này lên cấp trên của ông ta, tới hội đồng quản trị, hay tới các nhà đầu tư, ông ta sẽ cần đến nhiều thứ hơn để tiếp tục. “Thông thường, khi nói ‘không’, sếp đang yêu cầu những dẫn chứng cụ thể và rõ ràng hơn”, – Treasurer cho biết.

Để thử lại, bạn cần đưa ra những tranh luận bổ sung và tiến hành các bước đi với những mục tiêu cụ thể, xác định rõ cách trình bày những gì bạn muốn nói một cách điềm tĩnh nhất. Việc thu thập các bằng chứng mới sẽ giúp ích bạn rất nhiều.

Cuối cùng, bạn nên hết sức nhạy cảm khi sếp ngừng lại và có biểu hiện không muốn tiếp tục. Nếu sếp vẫn hoài nghi sau một vài lần nỗ lực, bạn hãy rút lui. Hãy đảm bảo rằng sự rút lui của bạn là tế nhị và chuyên nghiệp. Bạn nên cảm ơn sếp vì đã dành cho bạn một cơ hội để chia sẻ quan điểm và tránh bất kỳ biểu hiện hờn dỗi nào.

Hầu hết các sếp đều yêu thích những nhân viên thực sự quan tâm đến việc cải thiện tình hình của công ty. Nếu bạn vẫn là một nhân viên đầy nhiệt huyết sau một lần góp ý thất bại, thì lần kế tiếp, khi bạn có điều gì cần biểu lộ, chắc hẳn sếp dễ dàng tiếp thu những điều bạn nói hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *