Nghề phù hợp cho sinh viên mới ra trường?

Nghề phù hợp cho sinh viên mới ra trường?
0 Shares

Bạn đang thực sự bước vào chặng cuối của chuỗi ngày “tu luyện” trên giảng đường đại học: gấp rút hoàn thành luận văn, nỗ lực vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, ráo riết chọn công ty thực tập, hay bắt đầu ngó nghiêng tìm kiếm công việc đầu đời. Sự có mặt thường trực của cảm giác căng thẳng là điều tất nhiên và hoàn toàn bình thường. Sau tất cả những nỗi lo ngắn hạn, mối bận tâm sâu xa nhất lúc này có thể gọi tên là: Làm gì sau khi ra trường?

Với người có kế hoạch, họ luôn định sẵn mục tiêu cụ thể trong đầu. Còn nếu vì lý do nào đó bạn vẫn đang lúng túng, phân vân khi muốn chọn công việc đầu đời, hãy thử tham khảo gợi ý từ Đọc Ngẫm.vn về một công việc được xem là bước khởi đầu tuyệt vời dành cho mọi người, phù hợp với hầu hết ngành nghề mà bạn có thể quan tâm: HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG.

Cùng khám phá xem những kỹ năng và chuyên môn tích luỹ trong vai trò hỗ trợ khách hàng sẽ mang đến lợi ích gì cho toàn bộ quá trình phát triển sự nghiệp về sau của mỗi người đi làm nhé!

1. Phát triển trí thông minh cảm xúc (EQ)

Một điều chắc chắn là bạn sẽ phát triển được các kỹ năng giao tiếp khi làm việc trong vai trò hỗ trợ khách hàng. Mặc dù sẽ gặp nhiều thách thức khi phải làm việc trên điện thoại cả ngày với khách hàng, các kỹ năng và chiến lược mà bạn phát triển được lại vượt xa các thách thức đó.

Bạn sẽ giúp khách hàng giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân hay nghề nghiệp của họ. Khả năng đồng cảm, nghệ thuật sử dụng kỹ năng xã hội để thu thập thông tin và xây dựng mối quan hệ trong quá trình hỗ trợ khách hàng rất quan trọng. Khi đối mặt với khách hàng khó tính, nóng nảy hoặc dễ gây hấn, bạn cần duy trì sự điềm tĩnh, cố gắng trấn an hoặc xoa dịu khách hàng nhằm hỗ trợ họ tốt nhất.

Nói một cách đơn giản, dù là nhân viên hay CEO, vẫn sẽ luôn có những khía cạnh công việc bạn không thích, nếu vận dụng tốt trí thông minh cảm xúc bạn sẽ đủ sức mạnh để tiến lên phía trước.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kỹ năng giao tiếp với con người có sự liên kết chặt chẽ với sự thành công trong môi trường công sở hơn cả trí thông minh về mặt nhận thức – đặc biệt trong vai trò quản lý. Chúng còn hữu ích trong việc giao tiếp và hợp tác cá nhân. Bắt đầu sự nghiệp trong bộ phận hỗ trợ khách hàng sẽ giúp bạn luôn đi đúng hướng trong hành trình xây dựng và phát triển kỹ năng phục vụ công việc.

Xem thêm  Bước khởi đầu của một nhân viên mới

2. Hiểu biết về sản phẩm/dịch vụ, từ trong ra ngoài

Để thành công trong nhiệm vụ hỗ trợ khách hàng, bạn cần hiểu (gần như) mọi khía cạnh của sản phẩm hoặc dịch vụ để nhanh chóng trả lời các câu hỏi và giải quyết vấn đề cho khách hàng. Nhưng đây không chỉ là lợi ích dành cho đối tượng đang cần bạn giúp càng nhanh càng tốt – lợi ích dành cho bạn còn lớn hơn.

Quá trình tìm hiểu về sản phẩm/dịch vụ sẽ biến bạn thành chuyên gia trong vấn đề đó, nó giúp bạn mở được nhiều “cánh cửa” khác nhau trong quá trình phát triển sự nghiệp, cả trong lẫn ngoài nghề hỗ trợ khách hàng.

Ví dụ, bằng việc thường xuyên hướng dẫn khách sử dụng sản phẩm/dịch vụ, bạn có thể chuyển tiếp lên vai trò đào tạo, huấn luyện nhân viên mới hoặc trưởng nhóm hỗ trợ khách hàng. Nếu thích viết lách, bạn có thể bắt đầu tạo blog, chia sẻ các bài viết hữu ích cho những người quan tâm. Hoặc bạn cũng có thể vận dụng khả năng sáng tạo cho ra đời các video clip hướng dẫn khách hàng từng bước thực hành hoặc sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Phát triển theo hướng nào là tuỳ vào lựa chọn của bạn, kiến thức chuyên sâu về sản phẩm/dịch vụ sẽ giúp bạn trở thành chuyên gia trong nhóm, trong công ty hoặc xa hơn nữa là trong ngành.

3. Xây dựng những kỹ năng chuyển đổi

Xây dựng kỹ năng chuyên môn liên quan đến các vấn đề khác nhau không chỉ giúp bạn phát triển xa hơn trong nhóm hỗ trợ khách hàng mà còn học được kỹ năng quý giá để tiếp cận vai trò mới muốn mở rộng trong tương lai.

Bán hàng (Sales)

Thường xuyên làm việc với khách hàng sẽ dạy cho bạn chính xác cách mà khách hàng sử dụng các sản phẩm/dịch vụ của công ty cho mục đích của họ. Bạn có thể vận dụng hiệu quả những kiến thức cùng kinh nghiệm này nếu quyết định chuyển sang nghề bán hàng. Hiệu ứng lan truyền thông tin (social proof) là một công cụ bán hàng hiệu quả. Chẳng hạn như bạn có thể nói với khách hàng tiềm năng trên điện thoại rằng sản phẩm/dịch vụ của công ty đã giúp ích cho khách hàng khác như thế nào, khiến đối phương quan tâm hơn đến việc “chốt deal” với bạn.

Tiếp thị (Marketing)

Kiến thức sản phẩm là vô cùng giá trị đối với người làm marketing. Dù là bạn muốn viết một bài blog, thực hiện nghiên cứu thị trường và sản phẩm, hay đang quản lý các kênh truyền thông xã hội, chuyên môn sâu về sản phẩm và kỹ năng giao tiếp thuyết phục sẽ giúp bạn giành được cơ hội làm việc trong vai trò của thành viên bộ phận marketing.

Xem thêm  10 Điều Nên Và Không Nên Làm Với Đồng Nghiệp

Sản phẩm (Product)

Khi bạn hiểu biết về sản phẩm từ trong ra ngoài, bạn cũng có thể xây dựng nó. Nếu phát triển được nhiều kỹ năng quản lý sản phẩm – bao gồm kỹ thuật phần mềm, tiếp cận hoặc quản lý nhà cung cấp – bạn có thể sử dụng kiến thức phong phú này làm bàn đạp để buông chiếc “điện thoại” rời khỏi vị trí hậu trường mà sang phục vụ cho đội ngũ phát triển sản phẩm.

4. Xây dựng mạng lưới quan hệ trong tổ chức

Khi làm việc trong bộ phận hỗ trợ khách hàng, không phải lúc nào bạn cũng biết hết mọi câu trả lời. Bạn sẽ cần chia sẻ các thắc mắc hoặc phản hồi của khách hàng cho các bên liên quan. Hoặc là bạn nắm bắt các hiểu biết về tâm lý, nhu cầu và thấy hiểu suy nghĩ của khách hàng mục tiêu để báo cáo với quản lý hoặc lãnh đạo công ty.

Muốn đạt được bất kỳ điều nào ở trên, bạn cần thu thập thông tin và tiếp thu kiến thức từ những người xung quanh: đồng nghiệp tại các bộ phận khác. Nếu có thể xây dựng mạng lưới tốt với những đồng nghiệp sở hữu nhiều kỹ năng và chuyên môn khác mình, bạn không chỉ nhanh chóng hoàn thành tốt công việc mà còn tạo ra đường dẫn kết nối đến các cơ hội mới cho sự phát triển nghề nghiệp.

5. Học cách giải quyết vấn đề hiệu quả

Cốt lõi khi nói về nghề Customer Support chính là phản ứng giúp đỡ khách hàng giải quyết vấn đề. Cho dù đó chỉ là một thao tác sửa lỗi nhanh hay quy trình nhiều bước, mọi vấn đề khách hàng chia sẻ với bạn đều cần đến khả năng tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp với con người và kiến thức chuyên môn.

Khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề nhanh chóng rất quan trọng đối với bất kỳ công việc nào, dù cho nó có phải là hỗ trợ khách hàng hay không. Khả năng giải quyết vấn đề là khối kỹ năng căn bản để người đi làm biết cách chọn mục tiêu ưu tiên, quản lý dự án, và xử lý xung đột. Những kỹ năng này là bắt buộc nếu bạn muốn được thăng tiến, giữ vai trò dẫn dắt nhóm, hoặc sử dụng sức ảnh hưởng cùng chuyên môn để đạt mục tiêu.

Dù bạn theo đuổi mục tiêu xây dựng sự nghiệp lâu dài trong lĩnh vực hỗ trợ khách hàng, hay chỉ đơn giản muốn được đặt chân vào một công ty sáng tạo, chọn công việc đầu tiên trong đời bằng vai trò hỗ trợ khách hàng sẽ dạy cho bạn nhiều kỹ năng cần thiết. Tin rằng bạn sẽ nhận ra rằng nó thực sự giá trị và có ý nghĩa cho suốt các chặng đường sự nghiệp của mình.

Nguồn hình: Freepik

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *