Nghề… học thuê

Nghề… học thuê
0 Shares

Những quảng cáo thế này nhan nhản trên mạng

Dù đã tốt nghiệp đại học nhưng Đan vẫn ngày hai buổi ôm vở đến giảng đường. Cô đi học thuê cho một sinh viên khác để kiếm tiền khi chưa xin được việc.

“Nhận đi học thuê trong khu vực nội thành Hà Nội. Nếu học ngành tài chính ngân hàng hay kinh tế thì càng tốt. Giá cả phải chăng theo thỏa thuận. Tớ 19 tuổi, đang học năm thứ hai. Đảm bảo về sự chăm chỉ, chuyên cần và chất lượng”.

“Kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp muốn tìm hiểu thêm về lĩnh vực kinh tế nên nhận đi học thuê tại chức, văn bằng hai các chuyên ngành trên vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Sẵn sàng thi hộ các học phần”… Những tin quảng cáo trên rất phổ biến ở các trang rao vặt trên Internet. Người nhận học thuê chủ yếu là sinh viên hoặc những người mới ra trường, chưa có việc làm.

Đan là một trong số đó. Cô đăng quảng cáo nhận đi học thuê trên một trang rao vặt, hễ có ai gọi thì đi. “Mùa này đắt sô, khách hàng nhiều nên mình cũng phải chọn những mối làm ăn lâu dài và ổn định”, cô nói. Đối tượng mà Đan ưu tiên hơn cả là những chị đang mang bầu vì họ thường trả với giá cao và thuê lâu dài đến vài tháng. Giá trung bình mỗi buổi học thuê là 30.000 đến 50.000 đồng tùy theo thời tiết (như mưa gió thì được trả cao hơn) hoặc theo độ khó dễ của mỗi môn…

Bình quân mỗi ngày, Đan kiếm được gần 100.000 đồng, nếu đủ sức chạy thêm “sô” buổi tối cho “dân” tại chức thì có khi được gấp rưỡi. Mấy ngày đầu mới “vào nghề”, cô còn luống cuống, sợ sệt, giờ thì đã quen và còn giới thiệu được nhiều mối cho bạn bè cùng hoàn cảnh thất nghiệp khác.

Trò chuyện với phóng viên Đất Việt, Đan cho biết đã nhận kín lịch học cho mấy bạn mang bầu dài hạn, phải đến cuối học kỳ này mới hết hợp đồng. Nhiều người khác cũng đang cần thuê, và cô có thể giới thiệu giúp vài mối. Đồng ý học thuê một buổi, phóng viên theo Đan đến giảng đường một trường đại học dân lập ở Hà Nội, giờ chính trị. Trước khi vào lớp, Đan dặn: “Khi thầy giáo điểm danh đến tên người ấy, cậu chỉ việc hô “có” là được. Trường này học tín chỉ nên các sinh viên đa phần là không quen biết nhau, cậu đừng lo việc bị thầy giáo hay mọi người phát hiện”.

Lớp có vài chục người nhưng người để tâm học thực sự chẳng được là bao, kẻ ngủ, người nhắn tin điện thoại, dân đi học thuê trà trộn khá nhiều. Phóng viên làm ra vẻ chăm chỉ ghi ghi, chép chép, cô bạn bên cạnh hỏi nhỏ: “Dân học thuê hả? Chỉ cần điểm danh và có mặt đúng giờ là được, cố gắng ngồi đến cuối buổi vì thầy giáo rất hay điểm danh lại, bài vở thì để cuối kỳ mượn một mọt sách trong lớp photo cho đầy đủ, làm gì phải mất công thế”. Thì ra cô ta cũng là dân học thuê chuyên nghiệp.

Xem thêm  Để luôn chiến thắng trong các cuộc tranh luận

Như Quỳnh, sinh viên năm thứ ba Đại học Kinh tế tâm sự: “Bây giờ lớp nào cũng không tránh khỏi việc học thuê hay học hộ. Lớp đông sinh viên thì làm sao thầy cô quản lý được, việc trà trộn một vài ngời lạ là điều dễ dàng. Các bạn không phải trẻ con để đi mách với thầy cô giáo”.

Học sinh cũng thuê người học hộ

Không chỉ sinh viên mà cả học sinh phổ thông cũng có chuyện thuê người đi học, thường đó là những cậu ấm cô chiêu nhiều tiền và ham chơi. Các trường phổ thông quản lý học sinh rất sát sao nên việc trà trộn không dễ dàng. Thế nhưng vẫn có nhiều teen đủ mánh khóe qua mặt thầy cô và gia đình để tìm người học thuê cho mình. Đối tượng họ thường nhắm tới là các anh chị gia sư.

Ngọc Lan, sinh viên ĐH Thương Mại đã bị một cậu bé “dắt mũi” ngay từ buổi đầu đến dạy gia sư. Sau màn dặn dò, làm quen trước mặt bố mẹ, khi lên đến phòng, cậu học trò tên Dũng nói thẳng với Lan: “Chị muốn làm cho bố mẹ em thì cứ làm, chứ em không học đâu. Ngược lại, thời gian đó chị làm tất cả bài tập cô giáo cho em, kể cả những bài soạn văn dài ngoẵng. Nếu chị nói với bố mẹ về việc này thì ngày mai chị bị thôi việc, vì em sẽ nói rằng chị dạy em không hiểu. Còn nếu chị giữ bí mật thì ngoài số tiền chị nhận được từ bố mẹ, em còn thưởng thêm”. Cuộc sống sinh viên thiếu thốn, lại nghĩ rằng những cậu bé như thế này sẽ chẳng thể dạy nổi nên Lan đồng ý hằng ngày đến đây học thay cho Dũng.

Hoàng Tuấn, học sinh một trường THPT ở Hà Nội, có cách thuê người học tinh vi hơn. Bạn bè luôn thắc mắc là sao Tuấn nổi tiếng quậy, ham chơi nhất lớp nhưng bài tập về nhà luôn đầy đủ, những bài kiểm tra trên lớp cũng luôn đạt loại khá. Ngoài việc thuê gia sư “học” cho mình ở nhà, Tuấn còn thuê hẳn một bạn nữ ngồi bàn dưới học rất giỏi để giúp cậu vượt qua những bài kiểm tra bất ngờ trên lớp. Mỗi bài kiểm tra đạt điểm 8 trở lên sẽ được trả 30 nghìn đồng. Điểm 5, điểm 6 thì khoảng một nửa.

Đối với những bài kiểm tra về tự nhiên, Tuấn chỉ việc chép theo, còn với những bài làm văn, lịch sử…, bạn nữ kia phải dành một nửa thời gian để giúp Tuấn. Vì vậy, cậu luôn trả hậu hĩnh cho những bài kiểm tra kiểu này. Tuấn bảo với các bạn: “Tao thừa sức thuê vài người học thay. Ai bảo học là khổ nào, cũng thú vị đấy chứ”. Chính vì thế mà Tuấn vẫn có thời gian bắn game, nhảy audition mà chẳng sợ bị cúp lớp

Xem thêm  Tránh nhầm lẫn tai hại trong đàm phán lương bổng

Đi học cho những người muốn làm sếp

Không ít người đã có chức vị nhưng vẫn muốn lấy thêm bằng cấp. Công việc bận rộn, lại cũng chẳng thú vị với việc học nên họ thuê người đến lớp thay.

Chị Hoàng Yến, hiệu phó một trường trung học cơ sở trên miền núi, quyết tâm lấy thêm tấm bằng đại học tại chức để có thể “lên” nữa trong tương lai. Công việc khá bận rộn, con còn nhỏ trong khi trường học lại ở dưới tỉnh cách những 120 km nên chị quyết định tìm người học thay, đến mùa thi hay có vấn đề gì quan trọng mới xuống trường. Chị bảo: “Thời buổi yêu cầu bằng cấp thì cũng phải đi học cho nó hợp lệ, chứ thật sự có tiếp thu thêm được tí nào. Công việc, chồng con bỏ cho ai? Chờ đến khi mình có đủ thời gian thì cũng đã già mất rồi, nếu có được thăng chức thì cũng đã đến ngày về hưu. Thôi thì chịu ít tốn kém tìm người học thay vậy”.

Anh Khang, trưởng phòng của một cơ quan nhà nước, tuy đã xấp xỉ ngũ tuần nhưng vẫn háo hức chuyện đi học để lấy bằng tiến sĩ. Nhưng chưa được một tuần, anh đã than khổ với mấy đồng nghiệp. Thấy sếp vất vả, cậu nhân viên gợi ý về dịch vụ đi học thuê. Anh này nhiệt tình lên mạng tìm kiếm và giới thiệu cho Khang các tin quảng cáo. Khang gọi vào mấy số điện thoại để chọn đối tượng phù hợp. Chỉ sau một buổi gặp gỡ để đưa lịch học và đặt ra yêu cầu, anh đã nhẹ cả người vì từ nay không phải lo lắng chuyện đi học nữa. Các buổi chiều thay vì phải lên lớp, anh có thể cùng mấy ông bạn đánh tennis ở câu lạc bộ, yên vị đợi ngày nhận bằng tiến sĩ.

Nói về nạn học thuê, nhiều thầy cô giáo cho rằng, những người tìm người học thay mình có thể trót lọt được vài lần, nhưng nếu một lần không may bị phát hiện thì sẽ phải trả giá rất đắt. Và hơn cả, họ đã tạo cho mình một lỗ hổng kiến thức quá lớn, sau này bằng cấp không thể áp dụng được vào thực tế và bỏ mất nhiều cơ hội lớn trong đời. Nhiều bạn thờ ơ với việc học khi ngồi trên ghế nhà trường, đến khi đi làm lại phải ôm sách đi học mới thấm thía được giá trị của những ngày tháng mà mình bỏ lỡ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *