Ngành nhân sự: “Xem mắt” chính mình

Ngành nhân sự: “Xem mắt” chính mình
0 Shares

Sự hướng dẫn tận tình của nhân viên nhân sự giúp nhân viên mới dễ dàng hòa nhập và có ấn tượng tốt với công ty

Cần tìm hiểu những tiêu chuẩn của một “nàng dâu” để biết mình có thể tham gia vào đội ngũ những người “làm dâu trăm họ” hay không.

“Yêu” con người

Trở thành một nhân viên nhân sự không quá khó, nhưng để đứng vững và có những cơ hội thăng tiến trong nghề đòi hỏi các bạn trẻ phải có những phẩm chất riêng biệt. Đối tượng phục vụ của người làm nhân sự là con người với những lứa tuổi, sở thích và tính cách khác nhau. Ông bà ta có câu: “9 người 10 ý”, làm vừa lòng một người đã khó, huống chi đến vài chục người hay thậm chí là vài trăm người. Do đó, chỉ có những người thực sự ham việc mới có thể sống với nghề.

“Yêu” người thì cần phải biết “người mình yêu” có gì và cần gì. Điều này phải cần đến khả năng nắm bắt tâm lý của người khác. Nhờ khả năng này, trong quá trình phỏng vấn, các nhân viên tuyển dụng có thể nhận biết và đánh giá chính xác tiềm năng của ứng viên cũng như tiếp cận, chia sẻ và giữ chân nhân tài. Thông qua những biểu hiện của ứng viên, họ biết được ứng viên thuộc kiểu người nào, tính cách ra sao và có phù hợp với công việc hay không… Chị Thanh Thủy – nhân viên nhân sự chia sẻ: “Có những người không quan tâm đến việc được nhận bao nhiêu tiền mỗi tháng mà chỉ cần có cơ hội học tập và phát triển hơn trong nghề nghiệp. Vì không ai giống ai và người lao động cũng không trực tiếp nói lên những mong muốn nên chúng tôi phải tìm hiểu bằng những cách riêng và đặt mình trong hoàn cảnh của họ mới có thể biết được những gì họ cần”.

Xem thêm  Sáu chiêu thức để có các buổi seminar thành công

Các chuyên gia khuyên bạn trẻ nên đọc các sách về tâm lý, nhân học, nghiên cứu các lý thuyết về hành vi xã hội học,… vì không thể dựa vào cảm tính khách quan mà có thể đánh giá được hết một con người… Để có thêm thông tin thực tiễn, bạn trẻ cũng có thể tham gia thảo luận những vấn đề về nghệ thuật quản lý, từ chuyện khen thưởng, kỷ luật đến chuyện quản lý “ngôi sao”… với những người trong nghề trên diễn đàn nghề nghiệp Jobviet.com. Ngoài ra, quan sát cách cư xử giữa người với người trong cuộc sống, phim ảnh và cả những… trò chơi nhập vai, các trò chơi hướng nghiệp như “Hội nhập môi trường doanh nghiệp”, “Khám phá nghề nghiệp”… cũng giúp ích nhiều trong việc nâng cao hiểu biết về nghề nhân sự.

Kỹ năng “yêu”

Các kỹ năng chuyên môn là không thể thiếu đối với người làm nhân sự: dự báo nhu cầu nhân sự và hoạch định nguồn nhân lực; phác họa chân dung ứng viên tốt từ các nhân tố thành công của công việc, sắp xếp một cuộc phỏng vấn ấn tượng và thành công; đặt câu hỏi phỏng vấn để nhận diện được “bản chất” ứng viên; xây dựng hệ thống thông tin nội bộ hai chiều; hướng dẫn nhân viên mới hội nhập công ty…

Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là khả năng thuyết phục cũng nằm trong số những yêu cầu cần thiết khi tuyển dụng nhân viên nhân sự. Đời người làm nhân sự là những chuỗi ngày thuyết phục người sử dụng lao động chấp nhận ứng viên họ chọn; thuyết phục về sự thay đổi lương thưởng hay quy hoạch lại nhân sự; và truyền đạt thông tin giữa người lao động và người sử dụng lao động một cách khéo léo, xác thực… Có lúc nhân viên phàn nàn: “Sao tháng này chậm lương thế?” hay “Tiền thưởng năm nay ít hơn năm rồi” thì việc nắm bắt và giải thích vấn đề một cách thuyết phục không chỉ giúp họ dàn xếp ổn thỏa mọi tình huống mà còn xây dựng được một hình ảnh tốt trong mắt những nhân viên khác trong công ty.

Xem thêm  Khi "bà Tám" vào công sở

Để có sự chuẩn bị thích hợp khi theo đuổi, bạn trẻ có thể ứng dụng mô hình ASK (viết tắt của các từ tiếng Anh: Attitude – thái độ, Skills – kỹ năng, Knowledge – kiến thức). Từ việc có thái độ yêu thích và có cái nhìn đúng đắn về nghề, bạn trẻ sẽ được tiếp cận và rèn luyện các kỹ năng cần thiết từng bước hình thành một nền tảng kiến thức vững chắc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *