“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Độc cùng chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử (Xá-lợi-phất). Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.
Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử đi chẳng bao lâu, cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn dạy:
– Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được. Xá-lê Tử, thầy nên xác nhận rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không còn sinh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sinh tử nữa. Sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau.
Lại nữa, Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử xa lìa nói dối, dứt trừ nói dối; nói lời chân thật, ưa sự chân thật, an trụ nơi sự chân thật, không dời đổi sai chạy. Tất cả những lời nói đều đáng tin, không lừa dối thế gian. Người ấy đối với sự nói dối, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ tư mà bạch y Thánh đệ tử giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Ưu-bà-tắc, số 128 [trích])
Năm giới thực hành của cư sĩ: Xa lìa tà hạnh (3)
Không nói dối, nghĩa đầy đủ là không nói hư dối, không nói thô ác, không nói chia rẽ, không nói dua nịnh. Người Phật tử thực hành, gìn giữ giới Không nói dối phải bao gồm bốn phương diện này.
Không nói hư dối là nguyện nói đúng sự thật. Việc có nói không, việc không nói có; chuyện đúng nói sai, chuyện sai nói đúng v.v…, chính là nói lời hư dối. Người hay nói, nói nhiều dễ rơi vào lỗi hư dối. Người Phật tử chỉ được nói sai sự thật vì mục đích duy nhất là để cứu độ chúng sinh. Trường hợp này, tuy nói không đúng sự thật mà không mắc tội, ngược lại còn được phước.
Không nói thô ác là nguyện không văng tục, chửi thề; không nguyền rủa, trù ẻo. Ăn nói thô tháo, lỗ mãng, độc địa ngoài tính khí hung hăng còn được nhiều người xem là công cụ hữu hiệu nhằm trấn áp đối phương.
Người tính tình nóng nảy, ác độc, cộc cằn thường phạm lỗi này. Lạ lùng là kiểu ăn nói này những tưởng thường xảy ra trong phường chợ búa nhưng lắm khi xuất hiện cả trong giới thượng lưu, trí thức bên ngoài thường lịch lãm, nho nhã, thanh tao.
Không nói chia rẽ là nguyện không nói lời gây ly gián, mâu thuẫn, bất hòa cho người. Đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này gây hiềm khích, chia rẽ, xung đột lẫn nhau. Người nói lời này có tâm địa ác độc, mưu sâu kế hiểm nên cần cảnh giác vì họ không ở đâu xa, đôi khi thân cận với mình.
Không nói dua nịnh là không nói lời thêu dệt, nịnh bợ, ton hót; không dùng lời hoa mỹ tìm mọi cách để thuyết phục, làm xiêu lòng người mà được lợi cho mình. Nói sao cho lọt tai người vốn không phải xấu nhưng vì dụng tâm thủ lợi riêng mà có thể hại người nên khiến cho lời hay mà trở thành phi pháp. Người nói lời này vốn nói năng và ứng xử khôn khéo nên thường được tin dùng. Họ là người “thượng đội, hạ đạp” nên gây ra khổ lụy không ít.
Người Phật tử nguyện nói lời chân thật, tâm dối gian được tịnh trừ, nói ra lời nào đều đáng tin, đó là thực hành giới thứ tư một cách hoàn hảo.
Để lại một bình luận