Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là văn bản có giá trị quan trọng. Quyết định này được cấp dựa trên đề nghị của tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành, trong đó tài liệu bắt buộc mà họ phải chuẩn bị là “Văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng”.
1. Văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là gì?
“Giống cây trồng” là thuật ngữ được nhiều người nhắc đến và ưu tiên chọn để mang lại năng suất cao. Thông thường, người nông dân chỉ hiểu giống cây trồng là một loại cây có khả năng sinh trưởng và phát triển trong điều kiện thích hợp tại địa phương. Trong chương trình giáo dục phổ thông có giải thích: “Giống cây trồng là một nhóm thực vật cùng loài, do con người chọn tạo ra, các các đặc điểm di truyền đồng nhất và ổn định.”. Dưới góc độ pháp lý, “giống cây trồng” được giải thích tại Khoản 5, Điều 2, Luật Trồng trọt, theo đó: “Giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.”
Có nhiều cách để phân loại giống, tức là người ta căn cứ vào các tiêu chí khác nhau để làm điều đó, chẳng hạn, từ sự kết hợp các đặc điểm địa lý và năng suất của sinh vật với nhu cầu của con người, người ta chia thành:
– Giống địa phương là giống tồn tại phổ biến ở một vùng địa lý nhất định của một quốc gia hay một khu vực rộng lớn của thế giới, có năng suất kém hơn so với trung bình các giống cao sản của thế giới.
– Giống cao sản là giống phổ biến khắp thế giới, có thể phát triển ở nhiều vĩ tuyến khác nhau, với năng suất cao hơn các giống địa phương.
– Giống chuyên dụng là giống được tạo ra nhằm thu nhận một loại sản phẩm xác định nhưng được phổ biến trên thế giới do giao lưu thương mại.
Về mặt phân loại học, “giống” là đơn vị phân loại dưới loài, có tính chất quy ước dùng để chỉ các quần thể khác nhau trong cùng một loài do con người chọn tạo ra. Về mặt sinh học, các cá thể trong cùng một giống có kiểu gene và kiểu hình nói chung là giống nhau; còn về mặt thực tiễn, điều quan tâm là dạng hình và tính năng sản xuất của giống có đáp ứng được nhu cầu định hướng của việc sử dụng hay không.
Quyết định về việc công nhận lưu hành giống cây trồng là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhận đăng ký giống lưu hàn nhằm công nhận lưu hành giống cây trồng cụ thể khi đáp ứng các điều kiện sau: Có tên giống cây trồng; có kết quả khảo nghiệm bảo đảm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định; có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng; có mẫu giống cây trồng được lưu và có bản công bố thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn.
Văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng là văn bản do tổ chức, cá nhân gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm yêu cầu cơ quan này cấp Quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng được nêu trong văn bản.
Văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng về bản chất như một “đơn xin, đơn đề nghị”, là sự bày tỏ ý chí của tổ chức, cá nhân tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành, là căn cứ đầu tiên để Cục trồng trọt nắm bắt được những thông tin cơ bản về tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành, về giống cây trồng. Đây còn là văn bản thể hiện tính tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân, là cơ sở để cơ quan nhà nước nắm bắt được số lượng, tình hình hoạt động, số giống mới có khả năng được lưu hành để đưa ra các giải pháp quản lý hiệu quả và tối ưu nhất.
Thủ tục cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được thực hiện theo quy định của Nghị định 94/2019, cụ thể:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Cục Trồng trọt (Hồ sơ bao gồm văn bản đề nghị (Mục 3) và các văn bản kèm theo được nêu tại Mục 4).
Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt thẩm định hồ sơ, cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo Mẫu số 05.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 94/2019 và đăng tải Quyết định, các tài liệu kèm theo trên cổng thông tin điện tử của Cục Trồng trọt.
Trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Giống cây trồng được phép lưu hành, kể từ ngày ký Quyết định công nhận lưu hành.
2. Mẫu văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
…, ngày … tháng … năm …
VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ CẤP QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN LƯU HÀNH GIỐNG CÂY TRỒNG
Kính gửi: Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Tên cơ quan, cá nhân đề nghị:
– Địa chỉ: ……
– Điện thoại: ………. Fax: …… E-mail: …
2. Tên giống cây trồng đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành:
3. Bảo hộ giống cây trồng mới:
Có □
Không □
4. Vùng sinh thái đề nghị công nhận lưu hành:
5. Nguồn gốc giống:
Giống nhập nội □
Giống chọn tạo trong nước □
6. Phương pháp chọn tạo:
– Công thức lai (tên, nguồn gốc dòng/giống bố mẹ kể cả dòng phục hồi, dòng duy trì, …):
– Xử lý đột biến (ghi tên giống, nguồn gốc giống dùng để xử lý đột biến):
– Phương pháp khác:
7. Phương pháp nhân giống (hữu tính/vô tính)
8. Vị trí hành chính và địa lý (thôn, xã, huyện, tỉnh, tọa độ địa lý) lưu giữ mẫu giống cây trồng (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân tự lưu mẫu):
9. Văn bản kèm theo (nếu có):
Chúng tôi cam đoan và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các văn bản gửi kèm trong hồ sơ./.
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỀ NGHỊ
(Ký tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn mẫu văn bản đề nghị cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng:
(1) Ghi tên tổ chức, cá nhân đăng ký lưu hành (Theo nguyên tắc: Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh công ty hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng tại Việt Nam có quyền đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành).
– Địa chỉ: Ghi rõ số nhà, tên đường, phường, quận, thành phố (tỉnh)
– Sử dụng số điện thoại, email thường xuyên liên lạc.
(2) Ghi tên giống cây trồng đề nghị Cấp Quyết định: Giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính (bắt buộc nếu chưa cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng hoặc trừ trường hợp phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, triển lãm, trao đổi quốc tế hoặc sản xuất hạt lai để xuất khẩu); Giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính (có nhu cầu đăng ký- không bắt buộc).
Tên giống cây trồng không được chấp nhận trong trường hợp sau đây:
– Chỉ bao gồm chữ số;
– Vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
– Trùng cách đọc hoặc cách viết với tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm;
– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của giống cây trồng, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan;
– Dễ gây hiểu nhầm về đặc trưng, đặc tính của giống đó;
– Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;
– Trùng với tên của giống cây trồng đã được bảo hộ.
(3), (5) Chọn một trong các nội dung, đánh tích vào ô trống.
(9) Kết quả khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng đề nghị công nhận lưu hành; Kết quả khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng; Quy trình canh tác của giống do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn; Bản công bố các thông tin về giống cây trồng do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng biên soạn theo Mẫu số 02.CN Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 94/2019.
Cơ sở pháp lý:
Luật Trồng trọt năm 2018
Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác
Tải văn bản tại đây
Để lại một bình luận