Khi có yêu cầu xin sao hồ sơ tai nạn giao thông thì người yêu cầu cần làm đơn xin hồ sơ tai nạn giao thông. Vậy mẫu đơn xin sao hồ sơ tai nạn giao thông bao gồm những nội dung gì và khi soạn thảo cần lưu ý những gì?
1. Mẫu đơn xin sao hồ sơ tai nạn giao thông là gì?
Mẫu đơn xin sao hồ sơ tai nạn giao thông là mẫu đơn được lập ra khi có yêu cầu xin sao chụp hồ sơ tai nạn giao thông. Mẫu đơn nêu rõ thông tin về người xin sao hồ sơ tai nạn giao thông. Mẫu đơn là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét về việc xin sao hồ sơ tai nạn giao thông.
2. Mẫu đơn xin sao hồ sơ tai nạn:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————-
……… , ngày …… tháng ….. năm ……
ĐƠN XIN
SAO HỒ SƠ TAI NẠN GIAO THÔNG
Kính gửi: Tòa án nhân dân …(1)
Căn cứ Thông tư 06/2013/TT-BCA quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt của cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt
Tên tôi là: …….. sinh ngày ………(2)
CMND số ……… cấp tại …… ngày …/…./…. (3)
Nơi đăng ký HKTT …..(4)
Số điện thoại liên lạc ……(5)
Địa chỉ hiện tại ……(6)
Sau đây, tôi xin trình bày nội dung vụ việc như sau:
Ngày …/…/… , tôi có sử dụng chiếc xe mang biển kiểm soát … để đi từ … đến …. Khi tôi đi qua đoạn đường sắt thuộc địa phận … thì có xảy ra va chạm với đoàn tàu mang số hiệu … do đoàn tàu bị trật bánh toa xe. Vụ va chạm khiến phần thân xe bên phải của tôi bị biến dạng nghiêm trọng và phải đưa đi sửa chữa ở trung tâm bảo hành xe. Do các chi phí sửa chữa xe khá cao nên bên bảo hiểm xe mà tôi sử dụng có yêu cầu phải cung cấp hồ sơ về vụ tai nạn giao thông.
Xét thấy quy định tại điều 21 Thông tư 06/2013/TT-BCA:
“Điều 21. Hồ sơ sao cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm
Trường hợp các bên liên quan đến tai nạn giao thông tham gia bảo hiểm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, cơ quan thụ lý điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm thông báo, cung cấp một hoặc các tài liệu sau đây cho doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết việc bồi thường bảo hiểm:
1. Bản phô tô (có xác nhận của thủ trưởng đơn vị thụ lý vụ tai nạn giao thông) biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh.
2. Bản phô tô (có xác nhận của thủ trưởng đơn vị thụ lý vụ tai nạn giao thông) biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn.
3. Bản phô tô (có xác nhận của thủ trưởng đơn vị thụ lý vụ tai nạn giao thông) bản thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông.
4. Bản phô tô (có xác nhận của thủ trưởng đơn vị thụ lý vụ tai nạn giao thông) biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông.”
Nhận thấy trường hợp của tôi có thể được cung cấp các bản photo hồ sơ tai nạn giao thông nên tôi làm đơn này kính đề nghị Tòa án nhân dân … tạo điều kiện cho tôi được sao chụp các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ tai nạn giao thông.
Rất mong nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi.
Trân trọng cảm ơn!
Xác nhận của ………..
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn cách viết đơn xin sao chụp hồ sơ tai nạn giao thông:
(1): Điền tên Tòa án nơi tiếp nhận đơn
(2): Điền tên, ngày sinh của người làm đơn
(3): Điền số chứng minh nhân dân của người làm đơn
(4): Điền nơi đăng ký hộ khẩu thường trú
(5): Điền số điện thoại liên lạc
(6): Điền địa chỉ hiện tại
4. Quy định về điều tra giải quyết tai nạn giao thông:
* Những việc làm ngay khi đến hiện trường ( Điều 4 Quyết định 18/2007/QĐ- BCA)
Cảnh sát giao thông hoặc các lực lượng Cảnh sát khác khi đến nơi xảy ra tai nạn giao thông cần làm ngay những việc sau:
– Tổ chức cấp cứu người bị nạn:
+ Đánh dấu vị trí người bị nạn trước khi đưa đi cấp cứu;
Trường hợp sử dụng phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông để đưa người bị nạn đi cấp cứu phải đánh dấu vị trí của phương tiện, sơ bộ ghi nhận các dấu vết trên phương tiện, tạm giữ giấy tờ của phương tiện và giấy tờ của người điều khiển phương tiện;
+ Đánh dấu vị trí người bị nạn đã chết và che đậy nạn nhân;
Trường hợp người bị nạn đã chết có thể gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự đi lại, thì đánh dấu vị trí người bị nạn rồi đưa vào lề đường che đậy lại.
– Kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; trường hợp phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông có thể gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng sự đi lại thì đánh dấu vị trí phương tiện giao thông, sơ bộ ghi nhận các dấu vết trên phương tiện rồi đưa vào vị trí thích hợp để bảo quản.
– Tổ chức bảo vệ hiện trường:
+ Khoanh vùng bảo vệ hiện trường, có biện pháp bảo quản tài sản, tư trang của người bị nạn, hàng hóa trên phương tiện liên quan đến tai nạn (khi bảo vệ hiện trường chú ý không làm xáo trộn hiện trường);
+ Quan sát để phát hiện và ghi nhận sơ bộ các dấu vết, đồ vật để lại trên hiện trường, trên các phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông; ghi nhận những thay đổi ở hiện trường trong quá trình tổ chức cấp cứu người bị nạn;
+ Tìm những người biết vụ tai nạn xảy ra; ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, số điện thoại (nếu có) của người biết vụ tai nạn hoặc đề nghị người biết vụ tai nạn giao thông viết bản tường trình phục vụ công tác điều tra;
– Tổ chức giao thông:
+ Trường hợp hiện trường vụ tai nạn giao thông không ảnh hưởng nhiều đến việc lưu thông của các phương tiện giao thông thì tổ chức hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc;
+ Trường hợp hiện trường vụ tai nạn giao thông gây ùn tắc thì báo cáo lãnh đạo chỉ huy đơn vị của mình, phòng Cảnh sát giao thông nơi xảy ra tai nạn có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, phân luồng giao thông để giải quyết.
– Trường hợp người gây tai nạn giao thông bỏ chạy thì vẫn phải thực hiện theo trình tự tại các khoản 1, 2, 3 nêu trên; đồng thời tổ chức truy tìm theo Điều 27 của Quy trình này.
– Khi bộ phận khám nghiệm đến hiện trường, thì bàn giao lại những công việc đã làm ở hiện trường cho bộ phận khám nghiệm, đồng thời tiếp tục bảo vệ hiện trường và thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 hoặc điểm a, b khoản 3 Điều 7 Quy định 768/2006/QĐ-BCA(C11) cho đến khi khám nghiệm xong.
* Hồ sơ và sắp xếp hồ sơ vụ tai nạn, vụ va chạm giao thông đường bộ ( Điều 18 Quyết định 18/2007/QĐ- BCA)
– Hồ sơ xử lý vi phạm hành chính (ký hiệu XL)
Sắp xếp theo nhóm tài liệu và trong từng nhóm sắp xếp theo thời gian, trình tự như sau:
– Quyết định không khởi tố vụ án hành sự, quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự và các quyết định khác (nếu có);
– Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh, báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường;
– Biên bản khám nghiệm phương tiện, biên bản tạm giữ phương tiện, biên bản ghi nhận tình trạng phương tiện bị tạm giữ, biên bản giao trả phương tiện; các giấy tờ của phương tiện, giấy tờ của người điều khiển phương tiện và hàng hóa trên phương tiện (nếu có);
– Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn (nếu có);
– Biên bản ghi lời khai những người có liên quan trong vụ tai nạn gồm: biên bản ghi lời khai người điều khiển phương tiện, biên bản ghi lời khai người bị nạn, biên bản ghi lời khai người có liên quan khác đến vụ tai nạn giao thông, biên bản ghi lời khai người chứng kiến, người biết việc;
(Nếu có nhiều người và mỗi người lại có nhiều biên bản thì sắp xếp theo từng người và theo thời gian)
– Tài liệu chứng minh thiệt hại về người và tài sản và các tài liệu khác có liên quan (nếu có);
– Các tài liệu về thỏa thuận bồi thường thiệt hại;
– Biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông (nếu có);
– Bản kết luận nguyên nhân vụ tai nạn;
– Biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên lai thu tiền phạt;
– Bản thống kê tài liệu có trong hồ sơ.
Chú ý: mỗi vụ tai nạn có thể đóng một hồ sơ hoặc nhiều vụ vào một hồ sơ loại ba trăm trang.
– Hồ sơ vụ án hình sự
Đơn vị Cảnh sát giao thông được điều tra ban đầu các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm theo Điều 23 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và Quyết định 768/2006/QĐ-BCA(C11) của Bộ trưởng Bộ Công an. Vì vậy, hồ sơ ban đầu trong điều tra các vụ tai nạn giao thông của Cảnh sát giao thông là hồ sơ khởi tố vụ án hình sự.
Hồ sơ ban đầu khởi tố vụ án hình sự bao gồm:
– Quyết định khởi tố vụ án hình sự và các quyết định khác (nếu có);
– Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh, báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường;
– Biên bản khám nghiệm phương tiện, biên bản tạm giữ phương tiện, biên bản ghi nhận tình trạng phương tiện bị tạm giữ; các giấy tờ của người điều khiển phương tiện và hàng hóa trên phương tiện (nếu có);
– Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể người bị nạn (nếu có);
– Biên bản ghi lời khai những người có liên quan trong vụ tai nạn gồm: biên bản ghi lời khai người điều khiển phương tiện, biên bản ghi lời khai người bị nạn, biên bản ghi lời khai người có liên quan khác đến vụ tai nạn giao thông, biên bản ghi lời khai người làm chứng, người biết việc;
(Nếu có nhiều người và mỗi người lại có nhiều biên bản thì sắp xếp theo từng người và theo từng thời gian)
– Tài liệu chứng minh thiệt hại về người và tài sản, các tài liệu khác có liên quan (nếu có);
– Biên bản bàn giao hồ sơ.
* Kết thúc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông ( Điều 19 Quyết định 18/2007/QĐ- BCA)
Sau khi hoàn thành công tác điều tra và giải quyết tai nạn giao thông, đơn vị thụ lý điều tra phải hoàn chỉnh hồ sơ, kết thúc việc điều tra; thực hiện thống kê, báo cáo tai nạn giao thông theo Điều 22 của Quy trình này; tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm việc điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông.
* Hồ sơ sao cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm ( Điều 20 Quyết định 18/2007/QĐ- BCA)
Trường hợp các bên liên quan đến tai nạn giao thông tham gia bảo hiểm, những tài liệu cần thiết cung cấp cho doanh nghiệp Bảo hiểm gồm:
– Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh;
– Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn;
– Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông.
* . Mở sổ theo dõi tai nạn giao thông và đăng ký lưu hồ sơ vụ tai nạn giao thông ( Điều 21 Quyết định 18/2007/QĐ- BCA)
– Các đơn vị Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông phải mở ba sổ: sổ nhận tin báo về tai nạn hoặc va chạm giao thông; sổ thụ lý các vụ tai nạn giao thông; sổ thụ lý các vụ va chạm giao thông để theo dõi công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông, va chạm giao thông của đơn vị mình.
– Ba loại sổ trên và hồ sơ các vụ tai nạn giao thông phải được đăng ký lưu giữ, bảo quản, khai thác theo đúng quy định của chế độ hồ sơ.
Tải văn bản tại đây
Để lại một bình luận