Lương giáo viên trong thời tăng giá

Lương giáo viên trong thời tăng giá
0 Shares

Câu chuyện tăng lương đối với những giáo viên luôn là đề tài đáng bận tâm nhất. Trong khi giá tiêu dùng đang nhảy “disco” thì lương mới chỉ sàng – xê “slow”. Câu chuyện lương bổng giáo viên thời tăng giá có nhiều điều thật đáng bàn.

Câu chuyện về lương

Trên mạng www.edu.net, sân chơi của những người liên quan đến ngành giáo dục, nick name edu_net2000 đã mở một chủ đề: “Cùng trao đổi: lương giáo viên tăng hay giảm?” và mở một bảng thống kê khá chi tiết về bảng lương và thâm niên công tác… Một nick khác đã trả lời với kết luận là: chưa có nhận lương mới nên không biết thế nào mà so sánh tăng hay giảm.

Rất đáng tiếc, đây không phải là trường hợp duy nhất của ngành chưa nhận lương mới. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi qua điện thoại vào sáng ngày 2/10/2005, chị M.H, một giáo viên cấp 2 thuộc một  tỉnh khu vực miền Tây đã bức xúc cho biết: “Đến nay, tôi vẫn chưa nhận được lương mới, sở có nói là sẽ truy lĩnh nhưng từ tháng 9/2004 đến nay mà vẫn chưa truy lĩnh được”. Đó là một thực tế ở các địa phương. Việc chưa lĩnh được lương mới do nhiều yếu tố. Và hiện nay, chưa có một sự thống kê hay chế tài bắt buộc nào để các sở giáo dục nói riêng và các tỉnh nói chung phải thực hiện lương đúng và đủ, kịp thời cho giáo viên như thông báo của chính phủ. Lương đã tăng 2 lần nhưng giáo viên vẫn chưa được nhận mức lương tăng lần 1: 290.000đ.

Ngoài lương cơ bản, giáo viên còn có thể có thêm nguồn thu nhập từ việc dạy dư giờ. Nhưng hiện nay, một số địa phương có quy định giáo viên không được dạy dư quá 9 tiết trong tuần. Thực tế, có rất ít trường còn thiếu giáo viên để có thể dư giờ nhiều như thế. Cá biệt, tại một trường trung tâm huyện lỵ của một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giáo viên dạy bộ môn Toán không đủ tiết tiêu chuẩn, phải dạy môn Kỹ thuật công nghiệp để đủ tiết. Lương vẫn đang lẽo đẽo theo sau giá còn giáo viên thì lại đang được nhận lương cũ trong khi chờ lương mới, đây quả là việc đáng suy nghĩ.

Trong khi chờ nhận lương mới, giáo viên chỉ còn cách: “Tạm ứng nhà trường, nếu trường có tiền hoặc tạm ứng ở đâu đó”. Đó là một thực tế rất đáng buồn của đời sống giáo viên hiện nay.

Lương giáo viên, bao nhiêu thì đủ?

Chị Ng.K, một giáo viên dạy Anh văn cấp 2 của một tỉnh miền Tây đã kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện lương bổng của chị. Chị dạy học đã 30 năm, lương, phụ cấp, chấm bài các khoản tròm trèm 1,1 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập cố định hàng tháng. Nếu có dạy thêm được ở trung tâm ngoại ngữ của tỉnh: mỗi tuần 3 buổi, 1 tháng được thêm trên dưới 300.000đ nữa. Nếu có ai học thêm tiếng Anh để đi nước ngoài thì có thêm thu nhập đột xuất, không thì thôi. Như vậy, tối đa thu nhập 1 tháng mà chị Ng.K nhận được khoảng 1,8 triệu đồng. Chồng của chị cũng là giáo viên, lương của anh cũng tương đương với chị. Vì anh dạy môn Sử không dạy thêm được nên thu nhập chủ yếu là lương. Tổng cộng mỗi tháng anh chị có gần 3 triệu đồng. Trong lúc đó, chị đang nuôi con gái học đại học tại TP.HCM, tiền cho con ăn học hằng tháng đã lên đến 1 triệu. Đầu năm, muốn đóng học phí cho con là phải đi vay nợ.

Xem thêm  Những điều không nên làm đối với một nhân viên mới

 

Anh chị Ng.K vừa nói trên là những người đã có thâm niên công tác 30 năm mà còn vất vả như thế, huống chi các giáo viên mới ra trường. Mức thu nhập của giáo viên cấp 3 mới ra trường sẽ được tính như sau:

1.86 x lương cơ bản. Hiện nay, giáo viên cấp 3 công tác từ 1-3 năm được nhận mức lương 1.86 x 290.000đ+phụ cấp là 35% lương=728.190đ. Nếu còn trong giai đoạn tập sự 12 tháng thì lương là 85% tức là 591.452đ. Nếu lương tăng lên 390.000đ/tháng thì giáo viên sẽ được nhận lương là 979.290đ.

Cứ 3 năm công tác thì được tăng một bậc lương. Chị T.M, giáo viên Văn công tác được 10 năm nói rằng sau 10 năm, lương của chị tăng thêm 418.618đ. Cô Tr.K, dạy Vật lý,  có thâm niên dạy học 32 năm, hiện có hệ số lương là 4.12, với mức lương cơ bản vừa được tăng 390.000đ thì hằng tháng cô có thu nhập là 2.169.180đ. Cả hai giáo viên này đều đang sống tại trung tâm tỉnh lỵ của một tỉnh khu vực đồng bằng có giá sinh hoạt khá cao. Một tô phở ăn sáng ở đây có giá thấp nhất là 10.000đ!

Có thể nói với thu nhập như thế này, chỉ có thể nuôi sống bản thân giáo viên nếu tiêu xài ở mức độ tiết kiệm nhất. Chuyện mua sắm đồ dùng trong gia đình và nâng cao tri thức gần như là chuyện xa vời.

Giải bài toán khó

Thầy N., giáo viên Toán một trường cấp 3 ngoại thành TP.HCM nói về cách giải bài toán khó thời tăng giá của mình: “Tôi đi dạy, về nhà, nhận làm thêm công việc về sổ sách kế toán của một đứa bạn làm doanh nghiệp nhỏ”. Thầy N. có 2 con, một em đang học đại học, một em đang học THPT. Thầy và cô đều là giáo viên và thu nhập của họ cộng lại không đủ lo cho con. “Anh chị không dạy thêm?”. Trả lời câu hỏi có phần thẳng thắn của tôi, thầy cười: “Không, học trò của tôi rất nghèo, các em đến trường đã là một nỗ lực, tôi cũng có dạy nhưng không thu tiền”. Hiện tại, ngành giáo dục TP.HCM có trợ cấp khó khăn cho giáo viên các khu vực ngoại thành khó khăn. Nhưng số tiền từ 100.000 – 250.000đ cũng chỉ là muối bỏ bể.

Xem thêm  “Bật mí” bí mật thành công của phái nữ trong sự nghiệp

Cô H., một giáo viên Địa lý ở miền Tây lại chọn giải pháp khác: may đồ tại nhà. Cô T., cũng ở miền Tây, thì làm bánh kem và dạy làm bánh kem tại gia. Mỗi người chọn một cách khác nhau để sống chết với nghề và học sinh. Con đường phía trước của họ còn nhiều khó khăn nếu muốn giữ được tình yêu nghề và sự trong sáng của lương tâm.

Một hệ lụy của lương thấp: Dạy thêm

Có không ít giáo viên chọn việc dạy thêm như một phương tiện để tăng thu nhập. Trên thực tế, một số giáo viên đã sống, thậm chí mua sắm được này nọ bằng chính tiền dạy thêm. Đồng thời, cũng có một số giáo viên cũng dạy thêm nhưng không thu tiền vì trách nhiệm và tình thương đối với học sinh.

Việc quy định dạy thêm có định hướng, có cho phép của nhà trường chỉ có tính tương đối. Với sự hợp thức hóa này, chỉ có giáo viên Toán, Lý, Hóa, Anh, Văn được lợi vì giáo viên dạy Thể dục, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Kỹ thuật sẽ không được dạy. Cô Ng. giáo viên Giáo dục công dân cho biết: “Thực sự, chúng tôi chỉ sống bằng lương, các giáo viên môn chính còn được dạy thêm cách này hay cách khác còn chúng tôi thì chịu thua“. Hiện đang có một sự phân hóa khá sâu sắc giữa đội ngũ giáo viên các môn không thi tốt nghiệp, thi đại học và có thi tốt nghiệp, thi đại học trong nhà trường. Thu nhập chênh lệch giữa họ cũng khá lớn và đó là một bất công ngấm ngầm mà không phải ai cũng hiểu.

Nguyên nhân của dạy thêm rất vô cùng nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là mức lương chưa đáp ứng nhu cầu đời sống.

Câu chuyện lương – giá sẽ là câu chuyện dài nhiều tập chưa có hồi kết trong tình hình giá cả tăng liên tục như hiện nay. Việc nâng chất lượng giáo dục cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều bên liên quan nhưng trước hết, thiết nghĩ phải bắt đầu từ giáo viên và thu nhập của họ. Đây vẫn còn là bài toán khó cho ngành giáo dục cũng như xã hội nói chung!

V.N

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *