Lựa chọn thủ lĩnh của bộ lạc

Lựa chọn thủ lĩnh của bộ lạc
0 Shares


Đối mặt với sự lựa chọn, rất nhiều người do dự không quyết được, bởi vậy họ đã làm mất đi thời cơ của sự thành công, hoặc mất đi thời cơ đẹp nhất để hành động.

Ngày xưa, có một thủ lĩnh của bộ lạc nọ ở châu Phi mắc bệnh nặng; khi biết mình sắp chết, ông liền cho gọi ba chàng thanh niên có năng lực nhất của bộ lạc tới bên giường bệnh. ”Ba người các anh là những người trẻ tuổi có năng lực nhất của bộ lạc ta. Ta biết mình không còn sống được bao lâu nữa nên muốn chọn một trong ba anh làm thủ lĩnh để lãnh đạo bộ lạc thay ta”. Thủ lĩnh nói. Đó là điều mà ba chàng thanh niên này đã dự tính trước và giữa họ đã có sự cạnh tranh nhau từ lâu. Đã nhiều năm nay, thủ lĩnh vẫn đánh giá họ như nhau; người nào trong họ cũng nghĩ rằng mình sẽ là người thay thế thủ lĩnh; nhưng không ai dám tin điều này một cách tuyệt đối. “Các anh biết rằng, bộ lạc chúng ta phải tiếp tục sinh tồn, tiếp tục phát triển và phải được một người có năng lực nhất đảm nhận chức thủ lĩnh.

Ba người các anh năng lực như nhau, ta thật không biết chọn lựa ai”. Thủ lĩnh nói tiếp. ”Giờ đây? nếu ta chọn bất kỳ ai trong ba anh thì hai người kia ắt không bằng lòng rồi tất sẽ nẩy sinh sự phân tranh. Trước hết là hai người không được chọn sẽ cùng hợp nhau lại đối phó với người được chọn, tất nhiên họ sẽ thắng; sau đó hai người thắng này lại đấu với nhau, cuối cùng chỉ còn lại một. Như vậy là ba người trẻ tuổi có năng lực của bộ lạc ta sẽ chỉ còn lại có một; đó là một việc rất không nên để xảy ra, mà cũng là một việc làm ta đau lòng, càng là một việc khiến cho liệt tổ, liệt tông của bộ lạc ta đau lòng”. Ba người đều thấy hổ thẹn vì câu nói này của thủ lĩnh, nhưng chẳng ai trong số họ lại muốn rút ra khỏi cuộc tranh giành này. “Nay ta xin trao lại quyền quyết định việc này cho Thượng đế. Thượng đế thì rất công bằng. Các anh chắc không ai dám đi ngược lại ý chí của Người mà tính chuyện phân tranh?”. Nghe thủ lĩnh hỏi vậy, ba người trẻ tuổi đều nói là không dám; nếu chọn ai làm thủ lĩnh của bộ lạc là ”thiên ý” thì họ xin một lòng tuân theo vì vào thời đại đó, Thượng đế là bậc chí cao vô thượng.

“Phía đông thôn này có một ngọn núi, các anh đều đã biết, đó là núi Vô đỉnh. Sở dĩ nó có tên là Vô đỉnh vì từ khi có bộ lạc ta, chưa một ai trong chúng ta trèo lên trên đó, không một ai trong chúng ta biết được đỉnh núi đó ra làm sao. Nhưng tổ tiên chúng ta đã từng nói, quả núi này do ba ngọn núi làm thành, một trong ba ngọn là ngọn chính, hai ngọn kia chỉ cao bằng nửa ngọn chính. Bây giờ, ta yêu cầu ba anh từ những nơi khác nhau trèo lên đỉnh của ngọn chính, nhưng các anh không được kết bạn cùng trèo, ai trèo được tới đích trước thì người đó sẽ là thủ lĩnh mới của bộ lạc ta. Ta cho các anh 5 ngày, nếu sau 5 ngày cả ba người các anh không trở về, ta sẽ chọn người khác”.

Xem thêm  Viết văn và giấc mơ nghề nghiệp.

Ba người trẻ tuổi đều nói biện pháp này rất công bằng, đồng thời họ tỏ ý sẽ tuyệt đối phục tùng sự lựa chọn của Thượng đế. Ba người đó liền đến ngay chân núi Vô đỉnh. Đó là một ngọn núi rất to, rất cao nhưng không có một con đường nào có thể đi lên. Thời gian cứ trôi qua nhưng chưa từng có ai nghĩ đến việc khai phá một con đường đi lên đỉnh núi. Ba người trẻ tuổi đến chân núi liền chia tách nhau, nhưng cũng chẳng ai lập tức trèo ngay lên núi, vì họ đều thấy cần chọn một nơi xác đáng để trèo lên mới không bị thất bại.

Người thứ nhất giỏi về việc phân tích địa chất và địa thế, anh phải mất nửa ngày để chọn lựa, anh so sánh bên phải, rồi so sánh bên trái, cuối cùng anh quyết định cứ men theo con suối mà đi lên, vì con suối này bắt nguồn từ các đống tuyết đã tồn đọng hàng bao đời nay, nó từ trên đỉnh núi chảy xuống.

Người trẻ tuổi thứ hai là một người có khả năng tính toán giỏi nhất trong bộ lạc. Trên cơ sở trắc đạc bằng mắt, anh đã mất hẳn một ngày trời để tính xem nơi nào dễ leo nhất và mức độ khó dễ ở bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc của quả núi. Do số liệu không đầy đủ, nên sau khi tính toán anh cũng không mấy tin tưởng vào kết quả này. Hơn nữa, anh thấy trong thời hạn 5 ngày anh đã mất gần 1 ngày vào việc tính toán nên vội vàng chọn phía đông là phía tương đối dễ đi lên hơn cả qua kết quả tính toán.

Người trẻ tuổi thứ ba chỉ mất có 15 phút để lựa chọn đường lên núi. Trong bộ lạc, anh là người am hiểu sâu nhất về khí hậu, về thảm thực vật. Anh chọn phía núi râm mát nhất để trèo lên. Anh biết rằng ở đó cây cối xum xuê, trèo lên không tiện, đồng thời thảm thực vật che phủ mặt núi, ảnh hưởng tới tầm mắt, bất lợi cho việc chọn đường đi. Người trẻ tuổi leo lên núi từ phía râm mát là người về sớm nhất, anh về đến bộ lạc vào buổi sáng ngày thứ tư; người trẻ tuổi men theo bờ suối đi lên, về muộn hơn một chút, anh về tới bộ lạc vào sáng sớm ngày thứ năm; người trẻ tuổi leo núi theo phía đông: qua việc tính toán trở về muộn nhất, mãi tới lúc chạng vạng tối ngày thứ năm mới về đến nơi. Rõ ràng là, người trẻ tuổi leo núi theo phía râm mát là người chiến thắng. Nhưng để cho việc lựa chọn thể hiện sự công bằng, thủ lĩnh đã triệu tập cả ba người vào buổi tối ngày thứ năm, xem ai là người thật sự trèo tới đỉnh núi.

Xem thêm  Nổi bật và... toả sáng - Bạn có biết cách?

Họ lần lượt thuật lại quá trình leo núi của mình và quang cảnh đỉnh núi. Người trẻ tuổi lên núi men theo dòng suối nói: trên đường lên núi anh lội nước mà đi, và đã gặp nhiều ác thú. Đến buổi sáng ngày thứ ba, anh đã tới đầu ngọn suối, ở đó cây cối xanh um, hoa cỏ mọc khắp nơi thật là một nơi vô cùng đẹp đẽ; do còn phải mất thời gian xuống núi, nên anh không thể nấn ná ở nơi đẹp đẽ như vậy được nữa nên vội vã quay trở về. Người trẻ tuổi lên núi theo phía đông nói: trên đường đi anh phải chặt bỏ rất nhiều những gai góc, những cây cối mọc kín trên sườn núi, nhiều lần anh phải đối phó với những con rắn độc, những mãnh thú. Mãi đến sáng sớm ngày thứ tư anh mới lên tới đỉnh núi, ở đó sương mù mờ mịt, có rất ít cây, nhưng những loại cây bụi thấp bé thì rất nhiều.

Còn người trẻ tuổi lên núi theo con đường râm mát nói: nơi anh đi qua là những thảm thực vật hoang sơ, không có những loại dây leo quấn quít, trên đường đi anh đã lẩn tránh được hết những độc xà, mãnh thú. Đến hôm sau thì anh lên tới đỉnh núi, ở đó tuyết trắng xoá, bao phủ hết mọi vật, gió lạnh rú rít; ngoài anh ra, không còn có một sinh vật nào tồn tại ở đó. Nghe ba người kể xong, thủ lĩnh nói: “Người mà thấy hoa ở khắp núi thì là người không leo núi bao giờ, anh ta chỉ loanh quanh ở chân núi mà thôi”; thủ lĩnh lại nói tiếp: “Người mà nhìn thấy những loại cây bụi là người cũng chưa leo được đến đỉnh núi, anh chỉ ở lưng chừng núi thôi, còn nếu là đỉnh núi thì nhất định đó không phải là đỉnh của ngọn chính cao nhất; chỉ có người thấy những đống tuyết trắng đầy đặc, bao phủ mọi vật, mới chính là người leo được lên đỉnh ngọn chính của quả núi này”.

Cuối cùng người sử dụng thời gian ít nhất leo được tới đỉnh núi cao nhất theo phía núi râm mát đã trở thành thủ lĩnh mới của bộ lạc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *