Thị trường việc làm có rất nhiều cơ hội và thách thức cho người tìm việc. Tuy nhiên, điều đầu tiên trước khi tìm kiếm công việc, bạn nên hiểu rõ mình muốn làm gì dựa trên cơ sở những quan tâm hay các kỹ năng bạn có.
Thử và thay đổi
Đừng bao giờ sợ rằng một khi đã “bập” vào công việc nào đó thì bạn sẽ phải “chung thân” với nó trọn đời. Thời đó đã qua lâu rồi. Bạn hãy luôn suy nghĩ thật thoáng để tìm kiếm các cơ hội việc làm luôn có nhiều khả năng phát triển sự nghiệp.
Để có thể lựa chọn nghề nghiệp hiệu quả, bạn cần:
• Hiểu rõ về bản thân mình: Các kỹ năng, mong muốn, tham vọng, cá tính và cả những hạn chế.
• Hiểu rõ về các lĩnh vực ngành nghề mình quan tâm hiện có.
• Khả năng đáp ứng các kỹ năng chuyên môn phù hợp với những cơ hội nghề nghiệp.
• Hiểu rõ hoàn cảnh cá nhân của mình như chuyện nợ nần hay áp lực gia đình.
Biết tự đánh giá bản thân chính xác là điều rất thiết yếu để tạo nên một CV thuyết phục, hoàn thiện tốt lá đơn xin việc và tham dự phỏng vấn hiệu quả.
Tất cả vấn đề nằm ở sự trải nghiệm
Ai cũng cần phải bắt đầu từ một chỗ nào đó, vì thế bạn đừng bao giờ hy vọng sẽ “nhảy” ngay được vào cương vị quản lý dù cho bằng cấp của bạn “đỏ” tới mức nào. Hãy chuẩn bị mọi thứ để dần bước trên nấc thang sự nghiệp, không bỏ qua cơ hội trò chuyện với đồng nghiệp để biết thêm về các cơ hội khác trong công ty.
Nếu bạn chưa may mắn có được vị trí công việc mong muốn thì kinh nghiệm làm việc cộng với một chỗ làm tạm thời sẽ là những lộ trình tuyệt vời giúp bạn đạt tới mơ ước.
Trong thời gian làm việc hợp đồng, bạn có thể để ý quan sát tổ chức của mình và hiểu được những điều căn bản trong các công việc khác nhau.
Các công việc tạm thời thường dễ trở thành những công việc chính thức vì thế hãy tận dụng tốt cơ hội đó để gây ấn tượng với những người lãnh đạo hay quản lý nhân sự. Ngay cả trong trường hợp bạn không được gia hạn thêm hợp đồng thì có thể người ta vẫn sẽ nhớ tới bạn khi có vị trí nào đó còn trống về sau.
Nếu đã tìm được ngành nghề và công ty phù hợp với mình, bạn nên bắt đầu tìm hiểu và nộp đơn xin việc ngay. Nếu ở đó hiện không còn chỗ trống nào thì một việc rất đáng làm là bạn có thể viết thư đề xuất với các công ty đó để xem họ còn công việc nào nữa mà chưa đăng tuyển phù hợp với một người có những kỹ năng như bạn không.
Chọn ông chủ
Có rất nhiều yếu tố khác nhau phân loại các ông chủ chứ không đơn thuần chỉ là ngành nghề họ quản lý. Đó có thể là số lượng nhân viên trong công ty, văn hoá công sở, quyền sở hữu, cơ cấu quản lý và cơ hội thăng tiến trong công việc. Đó có thể coi là những yếu tố chủ chốt bạn nên xem xét khi tìm kiếm một ông chủ lý tưởng.
Với mỗi người thì tiêu chí của một môi trường làm việc thoải mái, ưa thích cũng rất khác nhau, tuy nhiên, từ những gì bạn biết được thông qua quảng cáo tuyển dụng nhân sự của công ty, bạn có thể tham khảo các điều kiện sau để biết được công ty nào sẽ phù hợp nhất.
Kiểu cách: Ai soạn thông báo đăng tuyển đó và tại sao? Bạn có thể coi thông báo đó giống như một CV của công ty. Thông tin đăng tuyển có khiến bạn phải chú ý hay chỉ ngẫu nhiên vớ được?
Chiều sâu của thông tin: Bạn được cung cấp thông tin chi tiết tới mức nào? Họ có để cập tới các mục tiêu công việc cụ thể không hay chỉ đưa cho bạn một cái nhìn tổng quát về những trách nhiệm bạn cần phải đáp ứng.
Những điều chưa nói: Còn điều gì đó nữa về công ty mà họ không nói với bạn? Hãy sử dụng Internet để tìm kiếm tất cả những thông tin có thể về tổ chức đó. Hầu như không mấy khi họ nói cho bạn tất cả những điều cần biết chỉ thông qua các thông tin tuyển dụng.
Tần suất tuyển dụng: Nếu một công ty thường xuyên đăng tuyển nhân viên thì có thể thấy tần suất thay đổi nhân sự của họ là khá lớn, rõ ràng đó là dấu hiệu bạn nên tránh xa.
Điều cuối cùng, bạn hãy luôn tìm kiếm các công việc mới và đừng quên trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp để biết những chỗ đang đăng tuyển bởi chỉ mình bạn thì không bao giờ biết hết những thông tin ở khắp nơi đâu.
Để lại một bình luận