Quả thị đã không còn xa lạ với người Việt, thường xuất hiện vào mùa Thu và được bán với giá rất rẻ, chỉ vài nghìn đồng/quả. Thị có mùi thơm dịu nhẹ, thường được mọi người dùng để thưởng thức mùi thơm trước, sau đó mới ăn phần thịt.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, về giá trị dinh dưỡng, quả thị không quá nổi bật như cam, bưởi, xoài, ổi hay dứa… Tuy nhiên, loại quả này vẫn có thể ăn được khi đã chín. Theo tài liệu Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), thịt quả thị có chứa 86,5% nước, 0,16% chất béo, 0,67% chất protein, 12% glucid, 0,33% tanin, 0,47% Cellulose…
Điểm nhấn đáng chú ý nhất của quả thị là độ ăn toàn khi ăn, khi loại quả này rất “dị ứng” với hóa chất. Quá trình phát triển, quả thị dường như không bị phun chất kích thích hay bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào. Khi chín, để quả tươi lâu hơn người bán chỉ tưới lên nước sạch, chứ không dùng chất bảo quản. Do vậy, ăn quả thị dù không cung cấp quá nhiều dinh dưỡng, nhưng lại rất an toàn.
Dù giá trị dinh dưỡng không cao, nhưng quả thị có thể dùng làm thuốc trong đông y, giúp điều trị một số bệnh. Ảnh minh họa.
Dù giá trị dinh dưỡng không cao, nhưng quả thị trong y học cổ truyền lại là một vị thuốc, giúp hỗ trợ và điều trị nhiều bệnh. Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, quả thị có mùi thơm, vị ngọt hơi chát có thể sử dụng làm thuốc hoặc bào chế thành các vị thuốc chữa các bệnh như sốt, ngộ độc, nôn ói…
Ông Sáng tư vấn, phần vỏ thị dai và có vị chát nên thường bị vứt bỏ khi ăn. Tuy nhiên, đây lại là bộ phận chứa nhiều tinh dầu nhất, chính lượng tinh dầu này có tác dụng an thần, tiêu viêm, tiêu độc và dùng ngoài da để chữa một số bệnh như giời leo, rắn cắn.
Cụ thể, với người bị giời leo có thể lấy vỏ thị khô, đốt thành than, tán mịn sau đó bôi lên vùng tổn thương sẽ đỡ. Hay với người bị nám má, có thể dùng thị sấy khô, sử dụng mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 quả và ăn thường xuyên có thể giúp loại bỏ các vết nám trên má.
Với phần thịt quả thị, mọi người có thể dùng để tẩy giun, nhưng chỉ ăn với lượng vừa phải, nên ăn vào lúc đói để trị giun đũa, giun kim. Ngoài quả thị, các bộ phận như lá, rễ cây thị cũng có tác dụng chữa bệnh như táo bón, sốt nóng, ngộ độc, nôn ói, mẩn ngứa lở loét, viêm tinh hoàn…
Một số nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, quả thị có tác dụng an thần, giúp ngủ ngon và giảm stress rất tốt do có mùi thơm dịu nhẹ và lượng tinh dầu khá lớn. Theo đó, với những người đang bị căng thẳng, có thể để một quả thị trong phòng, ở nơi làm việc sẽ giúp tinh thần phấn chấn, giảm căng thẳng và làm việc hiệu quả hơn.
Qủa thị có thể ăn được, nhưng tuyệt đối không ăn quả xanh, kể cả quả chín cũng không nên ăn nhiều. Ảnh minh họa.
PGS Nguyễn Thị Lâm cho biết, quả thị có những tác dụng nhất định với sức khỏe, nhưng cũng cần phải lưu ý một số điều khi sử dụng. Theo đó, tuyệt đối không ăn thị khi xanh; không ăn quá nhiều dù đó là quả thị chín; không vừa ăn thị, vừa uống nước chè; người mắc bệnh thận, bệnh tiêu hóa không nên ăn thị. Nguyên nhân là do quả thị chứa nhiều chất tanin, ăn khi đói gây cồn cào ruột, vón cục trong đường ruột gây tắc ruột.
“Thực tế đã có không ít trường hợp, nhất là người cao tuổi nhập viện vì ăn quả thị sau đó bị tắc ruột. Ngoài chứa nhiều chất tanin, loại quả này còn chứa nhiều chất xơ không hòa tan, ăn vào cũng gây nên tình trạng khó tiêu hóa, sẽ vón cục trong đường tiêu hóa và gây tắc ruột”, PGS Lâm cảnh báo.
Để lại một bình luận