Những nhân viên giỏi gần đến tuổi về hưu đôi khi có những thay đổi bất thường trong cách làm việc. Điều này thường gây nhiều trăn trở cho các nhà lãnh đạo tổ chức. Cần đối xử thế nào với họ sao cho hợp lý trọn tình ?
“Với những nhân viên sắp sửa về hưu, những người không còn hướng về tương lai với tất cả lo lắng hay phòng bị thì sự thăng quan tiến chức, thưởng phạt và khiển trách đều không có tác dụng.
Lúc lái xe, chúng ta biết rằng khi chúng ta nhấn chân lên bàn đạp thắng thì chiếc xe sẽ chạy chậm rồi ngừng lại. Chúng ta biết rằng tiếp theo sau thao tác đó là một chuỗi những tác động cơ khí hay điện tử được thực hiện. Những tác động đó không thay đổi và có thể đoán trước được. Không phải tình cờ mà các nhà đạo diễn phim thường vận dụng cách cho một nhân vật phá hỏng hệ thống thắng để gây ra một tai nạn xe hơi đầy kịch tính. Tất cả chúng ta thường có mối lo sợ rằng mình không kiểm soát được những tác động có thể tin cậy được.
Là nhà quản lý, chúng ta cũng thường có những giả định tương tự về những tác động trong việc kiểm soát tổ chức thông qua những công cụ quản lý. Và tương tự, chúng ta cũng sợ những công cụ đó không hoạt động tốt như chúng ta mong muốn.
Quản lý nhân viên
Các phương pháp truyền thống để quản lý nhân viên dưới quyền mình thường liên quan đến sự sợ hãi hay háo hức. Khi bạn đối diện với một người ương bướng, có nhiều cách tiếp cận giúp bạn kiểm soát những cảm xúc này.
Nhân viên sợ bị phạt và mất mặt trước người khác. Họ sẽ tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên nếu biết rằng họ sẽ bị phạt, bị hạ tầng công tác, bị khiển trách trước tập thể hoặc con đường công danh sự nghiệp của họ sẽ gặp trở ngại. Họ cũng sẽ tuân thủ nếu biết rằng nhờ đó họ sẽ được thăng chức hoặc có quyền hành nhiều hơn.
Nhưng với những nhân viên sắp sửa về hưu, những người không còn hướng về tương lai với tất cả lo lắng hay phòng bị thì sự thăng quan tiến chức, thưởng phạt và khiển trách đều không có tác dụng. Nhiều người trong số họ nhạy cảm với những thay đổi trong cách làm việc của tổ chức, của cấp trên cũng như của các đồng sự. Và từ đó nảy sinh trong họ những thay đổi bất thường. Khi đó, các nhà quản lý lại sợ vì không kiểm soát được những nhân viên này. Vì vậy, bạn phải có những phương thức đặc biệt để quản lý họ một cách hữu hiệu.
Bạn không thể sa thải những nhân viên như thế. Họ được bảo vệ bởi công đoàn cũng như những quy định dành cho người có thâm niên công tác và luật cấm phân biệt tuổi tác. Và cho dù bạn có thể sa thải họ, hành động này dường như không hợp với đạo lý cho lắm vì họ đã có một quá trình dài đóng góp cho tổ chức (dù hiện tại họ đóng góp không bằng trước kia). Nó không chỉ cho thấy bạn thiếu tôn trọng họ mà còn có thể có tác động xấu đối với những nhân viên trẻ khác. Thế thì chúng ta phải làm gì trong trường hợp này ?
Phương cách ứng xử
Trước tiên, hãy tự hỏi chính bản thân bạn. Tại sao một nhân viên giỏi sắp về hưu lại bất ngờ lơ là với công việc hoặc gay gắt tỏ vẻ bất đồng với những quyết định nào đó của tổ chức không hợp với ý của anh/chị ta ? Có một điều gì đó thuộc về cảm xúc đã dẫn đến những thay đổi trong cách hành xử của họ.
Nếu họ là người tài giỏi, đã từng là một phần quan trọng trong nhóm làm việc, họ đã thường được các đồng sự tôn trọng vì khả năng và những đóng góp của họ cho nhóm. Nay họ sắp về hưu, có nghĩa là họ sắp sửa rời xa công việc mà họ đã từng làm, rời xa danh vọng và sự kính trọng mà họ đã từng được hưởng. Điều đó có thể ảnh hưởng đến tâm lý khiến họ lo sợ. Để cảm thấy nhẹ nhõm khi rút lui khỏi cuộc đời làm việc, họ có thể cần xây dựng một thực tế trong đó chỗ làm việc là một nơi kinh khủng mà họ phải thoát ra, một nơi mà họ không còn cảm thấy tự hào về tài năng của họ. Họ có thể cần bạn trở thành một người khó chịu, độc đoán như là một lý do thanh minh cho sự ra đi của họ.
Họ cũng có thể đang trải qua sự cay đắng hay thất vọng. Một cảm giác về việc đã không thành công với những mục tiêu mà họ đã đặt ra trong công việc có thể đang len lỏi trong tâm tư của họ. Họ không thích cuộc sống nhàn rỗi, không có công việc để làm, không có những vấn đề kỹ thuật để giải quyết.
Hãy đồng cảm với họ, cư xử với họ như là một người đáng được tổ chức biết ơn vì những đóng góp của họ.
Hãy cùng ngồi xuống với họ, cho họ thấy những đóng góp lớn lao của họ đối với tổ chức, thời gian làm việc thâm niên của họ có ý nghĩa như thế nào đối với bạn và với tổ chức. Hãy hỏi họ rằng bạn và họ có thể làm việc tốt với nhau như thế nào trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại trước khi họ nghỉ hưu.
Nếu họ chấp nhận, trả lời một cách tích cực, hãy tôn trọng những ước muốn của họ càng nhiều càng tốt.
Nếu họ từ chối, thậm chí cáu gắt với bạn, thì bạn cũng đã có được câu trả lời. Bạn không thể điều chỉnh những thay đổi về tâm lý trong họ. Trong trường hợp này, bạn có thể sẽ phải cô lập họ một phần để giới hạn những tổn thất mà họ có thể gây ra đối với công việc, cũng như ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của các nhân viên khác.
Để lại một bình luận