Tu tập ở núi rừng, hang động, những nơi thâm sơn cùng cốc vốn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Ngoài việc trau dồi kinh pháp, nỗ lực tu tập làm cho tăng trưởng giới-định-tuệ thì người tu cũng cần có những bí kíp để dùng khi cần. Bởi lẽ, có khu rừng thì bị phi nhân, dạ xoa, ly mị quấy phá; có nơi thì bị thú dữ, trùng độc tấn công. Bài kệ-chú dưới đây thuộc hộ kinh (paritta sutta) do chính Đức Thế Tôn truyền dạy cho Tôn giả Xá-lợi-phất để ngăn ngừa rắn độc nhiễu hại là một điển hình.
(Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà thành Vương xá. Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là Ưu-ba-tiên-na ở trong khu Hàn lâm, giữa bãi tha ma… bị độc rắn phải chết).
Sau khi cúng dường thi thể Tôn giả Ưu-ba-tiên-na xong, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ưu-ba-tiên-na bị con rắn nhỏ cực độc bằng chiếc thẻ tre trị mắt, rơi xuống trên người và thân thể Tôn giả hủy hoại như đống trấu nát.
Phật bảo Xá-lợi-phất:
-Nếu Ưu-ba-tiên-na tụng bài kệ này, thì sẽ không trúng độc và thân thể cũng không bị hủy hoại như đống trấu nát được.
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, tụng những bài kệ nào và văn cú của nó ra sao?
Phật liền vì Xá-lợi-phất đọc kệ:
Thường thường thương xót chúng
Kiên cố Lại-tra-la
Thương Y-la-bàn-na
Thi-bà-phất-đa-la
Khâm-bà-la thượng mã
Cũng thương Ca-câu-tra
Cùng Cù-đàm đen kia
Nan-đà, Bạt-nan-đà
Thương xót loài không chân
Và cả loài hai chân,
Bốn chân, cùng nhiều chân
Cũng khởi lòng thương xót
Thương xót các loài rồng
Trên đất liền, dưới nước
Thương tất cả chúng sanh
Dễ sợ, không dễ sợ
An vui cho tất cả
Cũng lìa sanh phiền não
Muốn cho tất cả hiền
Tất cả chớ sanh ác
Thường ở núi Xà-đầu
Các ác không nhóm hợp
Rắn hung hại ác độc
Thường hại mạng chúng sanh
Như lời chân thật này
Đại Sư vô thượng dạy
Nay Ta tụng kệ này
Lời Đại Sư chân thật
Tất cả các ác độc
Không thể hại thân ta
Tham dục, sân, nhuế, si
Ba độc của thế gian
Như ba ác độc này
Vĩnh trừ gọi Phật bảo
Pháp bảo diệt các độc
Tăng bảo cũng hoàn toàn
Phá hoại ác hung độc
Nhiếp thủ hộ người lành
Phật phá tất cả độc
Nay vì phá rắn độc
Nên nói chú thuật này.
Ô-đam-bà-lệ, đam-bà-lệ, đam-lục, ba-la-đam-lục, nại-tí, túc-nại-tí, chỉ-bạt-tí, văn-na-di, tam-ma-di, đàn-đế, ni-la-chỉ-thí, bà-la-câu-bế-ô-lệ, ô-ngu-lệ, tất-bà-ha.
-Này Xá-lợi-phất, nếu lúc ấy thiện gia nam tử Ưu-ba-tiên-na mà đọc bài kệ này, tụng những câu này, thì chắc chắn rắn độc không rơi trúng người và thân thể cũng không hủy hoại như đống trấu nát.
Xá-lợi-phất bạch Phật:
-Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ưu-ba-tiên-na chưa từng nghe bài kệ này, chưa từng nghe những câu chú thuật này. Hôm nay Thế Tôn mới nói nó, mục đích chính là vì đời sau.
Sau khi nghe Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất hoan hỷ, làm lễ rồi lui.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 252 [trích])
Đọc và suy ngẫm những bản hộ kinh này, chúng ta không biết nhiều về uy lực của Tam bảo tác động đến các thế lực gây nhiễu hại người tu hành nhưng có cảm nhận rất rõ về năng lực của tâm từ. Chính tâm từ mang năng lượng yêu thương được rải đến cùng khắp sẽ hóa giải được các tâm niệm xấu ác, tổn hại đang hiện hữu xung quanh, nhờ đó mà chúng ta được bình an.
Thế nên trong sự tu hành, ngoài tự lực trau dồi giới-định-tuệ thì nguyện cầu uy lực Tam bảo trợ duyên và ban rải từ bi trở nên rất cần thiết. Nhất là trong trường hợp bị nhiễu hại bởi ma chướng ngoại duyên thì các pháp hỗ trợ này cần được ứng dụng kịp thời để vượt qua chướng nạn mà tiến tu.
Để lại một bình luận