Sau các hoạt động, Thế Tôn thuyết pháp, hướng dẫn mọi người thực tập thiền định.
Màn đêm dần buông, mọi người ra về, đức Phật liền bảo ngài Xá-lợi-phất, tất cả Tăng đoàn không ai buồn ngủ, con hãy thay ta, giảng cho đồng tu. Vâng lời Phật dạy, ngài Xá-lợi-phất tuần tự trùng tuyên những lời chánh pháp, ứng với con số, tóm lược sau đây.
Này các đồng tu, chánh pháp Phật dạy thật là khéo léo, có sức khai sáng, hướng đến an vui. Tất cả mọi người hãy siêng đọc tụng, không tranh luận nhau, để lời khéo giảng tồn tại lâu dài, được phổ biến rộng. Lời Phật giảng dạy là vì thương tưởng, hạnh phúc cho đời, lợi ích, an lạc cho loài người này, cũng như con người ở ngoài hành tinh. Giáo pháp Phật dạy trong nhiều năm qua không thể kể hết. Nay tôi nói lược theo từng con số, bắt đầu số một cho đến số mười, để dễ ghi nhớ, thực tập an vui .
Giáo pháp qua con số một
Này các đồng tu, đức Phật dạy rằng: “Tất cả động vật nhờ vào thức ăn mà được tồn tại, nhờ vào tâm hành mà được an trú”.
Giáo pháp qua con số hai
Này các đồng tu, giáo pháp của Phật qua con số hai, tóm lược như sau: Vật chất và tâm tồn tại trong đời. Vô minh, tham ái là nhân tái sinh. Những lời nói thiện và bạn tri thức là phúc cho đời. Xấu hổ cá nhân, xấu hổ xã hội giúp ta tiến bộ.
Giữ giới thanh tịnh, tác ý khôn khéo là phúc bản thân. Nơi chốn thuận lợi, điều kiện thuận lợi giúp ta thành công. Kiên trì, nhu hòa giúp đắc nhân tâm. Lời nói nhu thuần, tiếp đón thân tình là đức tính tốt. Không sát hại ai, từ ái mọi người là hạnh từ bi.
Chánh niệm, tỉnh giác dễ tu thiền định. Làm chủ giác quan, ăn uống tiết độ sẽ sống khỏe mạnh. Có hai năng lực: tư duy, tu tập. Chánh niệm và định là hai lực lớn. Thiền chỉ, thiền quán là cốt lõi thiền.
Tinh tấn không dừng, tâm không dao động làm gì cũng xong. Đạo đức trong sáng thì trí tuệ tăng. Không nên thỏa mãn với các điều lành, không nên từ bỏ trong các nỗ lực. Minh tri sáng suốt, giải thoát an lạc. Và nhiều pháp khác.
Giáo pháp qua con số ba
Này các đồng tu, giáo pháp của Phật qua con số ba, tóm lược như sau:
Ba căn lành gồm: Không tham, không sân và không si mê. Ba tầm cầu thiện bao gồm như sau: Không tầm cầu dục, không tầm cầu sân, không sống não hại.
Ba tham ái gồm: Tham ái tính dục, tham ái tái sinh và vô hữu ái. Ba hữu lậu là phiền do tính dục, phiền do tái sinh, phiền do vô minh.
Ba trí tuệ gồm: Trí tuệ hữu học, trí tuệ vô học, trí tuệ siêu việt; hoặc ba loại khác: Tuệ do tư duy, tuệ do nghe nhiều, tuệ do tu tập. Ba loại vũ khí người tu cần có: Nghe nhiều, buông bỏ và trí tuệ lớn.
Ba tu học gồm: Học tu đạo đức, học tu thiền định, học tu trí tuệ. Ba loại tu gồm:Tu thân, tu tâm và tu trí tuệ. Ba trí tuệ gồm: Trí biết đời trước, trí biết đời sau, trí hết phiền não.
Ba phép mầu gồm: Phép mầu khinh thân, phép biết tâm người, phép mầu giáo dục. Và các pháp khác.
Giáo pháp qua con số bốn
Này các đồng tu, giáo pháp của Phật qua con số bốn, tóm lược như sau:
Bốn loại sanh gồm: Sinh ra từ trứng, sinh ra từ thai, sinh từ ẩm thấp, sinh từ biến hóa.
Bốn loại thực phẩm nuôi sống chúng sinh: Thực phẩm nhai nuốt hoặc mềm hay cứng, thực phẩm tiếp xúc, thực phẩm tư niệm, thực phẩm của thức.
Bốn loại hành vi quy định vận mệnh của các chúng sinh: Nghiệp đen quả đen, nghiệp trắng quả trắng, nghiệp trộn trắng đen quả trộn trắng đen, nghiệp không trắng đen quả không trắng đen – dứt hết nghiệp báo.
Bốn đắc nhân tâm nên gắng thực tập bao gồm như sau: Ban tặng sở hữu, lời nói từ ái, hành vi lợi lạc, đồng sự với người.
Bốn lời phàm tục nỗ lực tránh xa: Nói sai sự thật, nói lời chia rẽ, nói lời ác độc, nói lời vô ích. Bốn lời phàm khác: Không thấy nói thấy, không nghe nói nghe, không nghĩ nói nghĩ, không biết nói biết.
Bốn loại người gồm: Người tự làm khổ, người khổ người khác, người làm khổ mình và khổ người khác; người không khổ mình, không khổ người khác.
Bốn loại người khác: Người tự lợi mình; người hành lợi tha; người có lợi tha nhưng không tự lợi; không hành tự lợi, không hành lợi tha. Bốn loại người khác: Người trong bóng tối hướng đến bóng tối, người trong bóng tối hướng tới bóng sáng, sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng.
Bốn quán niệm gồm: Quán thân là thân, quán thọ là thọ, quán tâm là tâm, quán pháp là pháp, nhờ đó nhiếp phục tham, sân ở đời.
Bốn điều siêng năng cần được phát triển, sách tâm, trì tâm: Điều ác chưa sanh không cho sanh khởi, điều ác đã có quyết tâm kết thúc, điều thiện chưa sanh nỗ lực gieo trồng, điều thiện đã sanh nỗ lực phát triển.
Bốn siêng năng khác: Siêng năng chế ngự: không chấp tướng chung, không kẹt tướng riêng, làm chủ giác quan, bỏ điều bất thiện; siêng năng chấm dứt: khuynh hướng tính dục, sân hận, hãm hại, đoạn trừ, tiêu diệt, không cho hiện hữu; Siêng năng tu tập: chánh niệm, trạch pháp, tinh tấn, hoan hỷ, khinh an, thiền định, buông xả, hướng đến xa lìa các điều bất thiện; Siêng năng hộ trì: quán chiếu thi thể qua các giai đoạn – xương cốt, trùng hám, thanh ứ, đoạn hoại, trương bành, để bảo hộ tâm khỏi sự nhiễm đắm.
Bốn loại thiền gồm: Thiền một hỷ lạc do lìa ái dục, còn tầm, còn tứ; thiền hai hỷ lạc do nội định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm; thiền ba trụ xả, lìa các hỷ lạc, chính niệm, tỉnh giác, cảm nhận hạnh phúc do biết buông xả; thiền bốn buông bỏ tất cả ý niệm, không còn khổ vui, thanh tịnh tuyệt đối.
Bốn tâm cao thượng: Tâm từ vô lượng, tâm bi vô lượng, tâm hỷ vô lượng, tâm xả vô lượng, khắp bốn phương trời, khắp mọi nơi chốn, trên trời dưới đất, rộng lớn, không cùng, không còn hận thù, không hề giận dữ, an lạc, thư thái. Và nhiều pháp khác.
Giáo pháp qua con số năm
Này các đồng tu, giáo pháp của Phật qua con số năm, tóm lược như sau:
Năm nhóm tâm vật tạo nên con người bao gồm như sau: thân thể, cảm giác, tri giác, tâm tư, nhận thức.
Năm giác quan gồm: Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể này.
Năm dục lạc gồm: Hình thái, màu sắc do mắt nhận thức; âm thanh do tai; mùi hương do mũi, các vị do lưỡi; các vật xúc chạm với cơ thể người; mang tính hấp dẫn, sung sướng, vui mừng, hài lòng, như ý, kích thích lòng tham của người tiếp xúc.
Năm loại nền tảng của các cảm xúc bao gồm như sau: Hạnh phúc, khổ đau, vui mừng, lo lắng và sự buông xả.
Năm trói buộc tâm làm tâm vướng kẹt bao gồm như sau: Tham dục, giận dữ, dật dờ, dao động và sự hoài nghi.
Năm trói buộc thấp bao gồm như sau: Thân kiến, hoài nghi, chấp cấm điều sai, tham ái và sân.
Năm điều đạo đức giúp người hạnh phúc bao gồm như sau: Không được giết hại, không được trộm cắp, không được tà dâm, không nói vọng ngôn, không rượu, ma túy.
Năm điều lợi ích của người đạo đức bao gồm như sau: Tài sản sung túc, tiếng lành đồn xa, không có sợ hãi trong các hội chúng, chết trong bình yên, tái sinh cõi trời.
Năm nền tảng lớn giúp người an vui bao gồm như sau: Chánh tín, tinh tấn, chánh niệm, thiền định, trí tuệ bậc thánh.
Năm bỏn xẻn gồm: Bỏn xẻn chỗ ở, bỏn xẻn gia đình, bỏn xẻn tài vật, bỏn xẻn với sắc, bỏn xẻn với pháp.
Năm tổn thất gồm: Tổn thất người thân, tổn thất tài sản, tổn thất bệnh tật, tổn thất đạo đức, tổn thất kiến thức. Năm thành tựu gồm: Thành tựu người thân, thành tựu tài sản, thành tựu bệnh tật, thành tựu đạo đức, thành tựu kiến thức.
Năm góp ý gồm: Góp ý đúng thời, góp đúng sự thật, góp lời từ ái, góp lời lợi ích, góp lời từ bi. Và nhiều pháp khác.
Năm loại quán tưởng giúp cho hành giả đạt được giải thoát bao gồm như sau: Tưởng về vô thường, tưởng về đau khổ do vô thường ra, tưởng không có ngã trong những đau khổ, tưởng về đoạn trừ và tưởng không tham nhiễm.
Giáo pháp qua con số sáu
Này các đồng tu, giáo pháp của Phật qua con số sáu, tóm lược như sau:
Sáu giác quan gồm: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và ý.
Sáu loại đối tượng của giác quan gồm: Hình thù với mắt, âm thanh với tai, mùi hương với mũi, vị đối với lưỡi, vật chạm với thân, ý niệm trong tâm.
Sáu loại nhận thức của thế giới người bao gồm như sau: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và cảm nhận ý.
Sáu cảnh giới gồm: Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Sáu loại tưởng gồm: Tưởng về hình thù, tưởng về âm thanh, tưởng về mùi hương, tưởng về các vị, tưởng sự xúc chạm, tưởng các ý niệm.
Sáu suy tư vui, sáu suy tư buồn, sáu suy tư xả đều diễn ra từ tiếp xúc như sau: Khi mắt thấy sắc, khi tai nghe tiếng, khi mũi ngửi hương, khi lưỡi nếm vị, khi thân xúc chạm, khi ý nhận pháp, khởi lên niềm vui, suy tư vui thích.
Sáu điều cung kính và sống tùy thuận bao gồm như sau: Cung kính đạo sư, cung kính chánh pháp, cung kính Tăng đoàn, cung kính đạo đức, cung kính tinh tấn, cung kính xã giao.
Sáu điều hòa kính, tâm đầu, ý hợp, tạo sự hài hòa, dứt mọi tranh chấp, đưa đến đoàn kết, mang lại sức mạnh, thịnh vượng, phát triển bao gồm như sau: Thân hòa cùng ở, miệng hòa không tranh, ý hòa cùng vui, lợi hòa cùng chia, giới hạnh cùng tu, nhận thức hài hòa.
Sáu chánh niệm gồm: Niệm danh hiệu Phật, niệm pháp cao minh, niệm Tăng hòa hợp, niệm giới thanh cao, niệm về bố thí, niệm sinh cõi trời.
Sáu điều an trú giúp tâm an vui, khi các giác quan tiếp xúc đối tượng, bao gồm như sau: Không có hoan hỷ, không có ưu phiền, tâm không dao động, một mực buông xả, chánh niệm, tỉnh giác.
Sáu loại quán tưởng giúp cho hành giả đạt được giải thoát bao gồm như sau: Tưởng về vô thường, tưởng về đau khổ do vô thường gây, tưởng không có ngã trong những đau khổ, tưởng về đoạn trừ, tưởng không tham nhiễm, tưởng về Niết-bàn.
Giáo pháp qua con số bảy
Này các đồng tu, giáo pháp của Phật qua con số bảy, tóm lược như sau:
Bảy tài sản thánh hay bảy diệu pháp bao gồm như sau: Tài sản chánh tín, tài sản đạo đức, tài sản hổ thẹn, tài sản lương tâm, tài sản học rộng, tài sản độ lượng, tài sản trí tuệ.
Bảy điều trợ duyên dẫn đến giác ngộ bao gồm như sau: Chánh niệm, trạch pháp, tinh tấn, hoan hỷ, khinh an, thiền định, buông xả.
Bảy điều tiên quyết để có chánh định bao gồm như sau: Tầm nhìn chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói đạo đức, hành vi đạo đức, nghề nghiệp đạo đức, tinh tấn, chánh niệm.
Bảy pháp thượng nhân bao gồm như sau: Tri pháp, tri nghĩa, tự tri, tri lượng, tri thời, tri chúng và tri nguyên nhân.
Bảy năng lực lớn bao gồm như sau: Năng lực chánh tín, năng lực tinh tấn, năng lực tâm ý, năng lực lương tâm, năng lực chánh niệm, năng lực thiền định, năng lực trí tuệ.
Bảy loại quán tưởng giúp cho hành giả đạt được giải thoát bao gồm như sau: Tưởng về vô thường, tưởng không có ngã, tưởng về bất tịnh, tưởng về hoạn nạn, tưởng về đoạn trừ, tưởng không tham nhiễm, tưởng về niết-bàn.
Giáo pháp qua con số tám
Này các đồng tu, giáo pháp của Phật qua con số tám, tóm lược như sau:
Tám điều chánh đạo giải quyết vấn nạn cá nhân, gia đình và của xã hội, giúp người an vui, đạt đến hạnh phúc bao gồm như sau: Tầm nhìn chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói đạo đức, hành vi đạo đức, nghề nghiệp đạo đức, tinh tấn, chánh niệm và thiền định đúng.
Tám điều lười biếng dẫn đến thất bại, giẫm chân tại chỗ, không có tiến bộ, không thể chứng đạt giá trị tâm linh bao gồm như sau: Nếu tôi làm việc, thân sẽ mệt mỏi, tôi nên nằm nghỉ; tôi đã làm việc nên thân đã mệt, tôi nên nằm nghỉ; nếu tôi đi đường, thân tôi sẽ mệt, nên tôi nằm nghỉ; đường tôi đã đi làm tôi mệt mỏi, nên tôi nằm nghỉ; tôi đi khất thực, thân tôi mệt mỏi, tôi nên nằm nghỉ; tôi đã khất thực, thân đã mệt mỏi, tôi nên nằm nghỉ; biết rõ bệnh nhẹ nhưng cố tìm cớ “tôi đang đau bệnh” nên tôi nằm nghỉ.
Tám loại hội chúng phổ biến trong đời bao gồm như sau: Hội đoàn chính trị, hội đoàn tôn giáo, hội đoàn dân sự, hội đoàn Sa-môn, hội Tứ Thiên vương, hội trời Ba Ba, hội đoàn Thiên Ma, hội đoàn Phạm thiên.
Tám điều thế gian làm người chao đảo, mất làm chủ tâm, cần phải vượt qua: Thành tựu, tổn thất, danh thơm, tiếng xấu, tán dương, chỉ trích, hạnh phúc, khổ đau.
Tám động cơ sau làm ta bố thí bao gồm như sau: Người cần ta cho sợ nên bố thí, người ấy cho tôi nên tôi bố thí, người sẽ cho tôi nên tôi bố thí, tin phước bố thí nên tôi bố thí, tôi có dư thừa nên tôi bố thí, vì chuộng tiếng tốt nên tôi bố thí, vì trang nghiêm tâm nên tôi bố thí.
Giáo pháp qua con số chín
Này các đồng tu, giáo pháp của Phật qua con số chín, tóm lược như sau:
Chín điều suy nghĩ dẫn đến xung đột, tạo ra khổ đau, khó mà kết thúc, bao gồm như sau: Nó đã hại tôi, nó đang hại tôi, nó đã hành động hại người tôi thương, nó đang hành động hại người tôi thương, nó sẽ hành động hại người tôi thương, nó đã làm lợi cho người tôi ghét, nó đang làm lợi cho người tôi ghét, nó sẽ làm lợi cho người tôi ghét. Để chấm dứt sạch các điều xung đột, ta nên nghĩ rằng “có lợi ích gì nếu tôi nghĩ thế, ứng xử như thế; tốt nhất là nên làm chủ tâm ý, không gây thương tổn, vượt qua khổ đau”.
Chín loại thiền định chuyển hóa khổ đau, đạt được giác ngộ: Thiền một hỷ lạc do lìa ái dục, còn tầm, còn tứ. Thiền hai hỷ lạc do nội định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Thiền ba trụ xả, lìa các hỷ lạc, chính niệm, tỉnh giác, cảm nhận hạnh phúc do biết buông xả. Thiền bốn buông bỏ tất cả ý niệm, không còn khổ vui, thanh tịnh tuyệt đối. Thiền năm là do vượt qua sắc tưởng, các hữu đối tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, an trú trạng thái “hư không vô biên.” Thiền sáu là do vượt qua trạng thái hư không vô biên, hành giả an trú “thức vô biên xứ”. Thiền bảy là do vượt qua trạng thái thức vô biên xứ, hành giả an trú “không có vật gì”. Thiền tám là do vượt qua trạng thái không có vật gì, hành giả an trú “chẳng phải là tưởng, chẳng phải phi tưởng”. Thiền chín là do vượt qua trạng thái chẳng phải là tưởng, chẳng phải phi tưởng, an trú trạng thái diệt thọ tưởng định, không còn ý thức và ý niệm hóa.
Giáo pháp qua con số mười
Này các đồng tu, giáo pháp của Phật qua con số mười, tóm lược như sau:
Mười nghiệp bất thiện gây tạo khổ đau bao gồm như sau: Giết người, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, hai lưỡi, ác ngôn, tán gẫu, tham lam, giận dữ, tà kiến.
Mười nghiệp đạo đức xây dựng hạnh phúc bao gồm như sau: Từ bỏ giết người, bảo vệ hòa bình; từ bỏ trộm cắp, chia sẻ sở hữu; từ bỏ ngoại tình, chung thủy vợ chồng; từ bỏ lừa dối, nói đúng sự thật; bỏ lời chia rẽ, nói lời hòa hợp; bỏ lời ác độc, nói lời lịch sự; bỏ lời tán dóc, nói lời lợi ích; từ bỏ tham lam để tâm vị tha; từ bỏ giận dữ để tâm từ bi; từ bỏ tà kiến để có trí tuệ.
Mười điều hộ trì thân và tâm người, đạt được an vui, hướng đến giải thoát ngay kiếp sống này, bao gồm như sau: Một là giới hạnh, chánh hạnh, oai nghi, sợ lỗi dù nhỏ, giới nào đã nhận đều giữ đầy đủ. Hai là học rộng, giữ điều đã học bao gồm chánh pháp, toàn thiện quãng đầu, toàn thiện quãng giữa, toàn thiện quãng sau, đầy đủ văn từ, đầy đủ nghĩa lý, đề cao thánh hạnh, chuyên tâm quán sát, được chánh tri kiến. Ba là gần gũibậc thiện tri thức, dạy ta điều hay, nhắc ta điều lành, khuyên ta vượt qua, giúp ta tinh tấn, đồng hành cùng ta trên các điều thiện. Bốn là thiện ngôn, khiêm tốn, nhu hòa, nhẫn nại tích cực trước lời thị phi. Năm là trách nhiệm đối với trưởng lão, không chút biếng nhác, làm đủ phương tiện, vừa đủ để làm, đủ để tổ chức, giúp cho Phật sự thành tựu mỹ mãn. Sáu là ưa thích chánh pháp và luật, thích giảng Phật pháp, thích học giới luật, truyền bá cho người, giúp người an vui. Bảy là hài lòng với bốn nhu yếu y phục, ẩm thực, sàng tọa, bệnh dược; không mong cầu nhiều, không sống xa xỉ, không màng hưởng thụ. Tám là tinh tấn chấm dứt xấu ác, thành tựu pháp lành, kiên tâm, bền chí, không chịu bỏ cuộc với các điều thiện. Chín là chánh niệm trong các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh. Mười là trí tuệ thấu rõ nhân quả, duyên khởi, vô ngã, vượt qua sợ hãi, quyết trạch pháp thánh, trừ dứt khổ đau, đạt được giải thoát.
Này các đồng tu, được Thế Tôn dạy, tôi đã thay Ngài, trùng tuyên vắn tắt một số giáo pháp gắn với con số, dễ học, dễ nhớ, có lợi lạc lớn nếu được ứng dụng. Làm đệ tử Phật, tất cả chúng ta cùng nhau đọc tụng, không có tranh luận, hướng dẫn lẫn nhau, để tạng chánh pháp được trường tồn mãi, vì hạnh phúc lớn, vì an lạc lớn cho các chúng sinh; vì lòng thương tưởng phúc lạc cho đời.
Nghe Xá-lợi-phất tuần tự trùng tuyên giáo pháp qua số, một cách chính xác, đức Phật hoan hỷ, xác chứng như sau: “Này Xá-lợi-phất, con đã thay ta nhắc lại giáo pháp cho mọi người nghe. Thật là lành thay!”
Tất cả mọi người nghe Phật xác chứng, vô cùng hoan hỷ, phát nguyện thực tập, truyền bá Kinh này.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Trích từ Kinh Phật cho người tại gia
Để lại một bình luận