Loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc; loại ác độc nhưng không nọc độc; loại có nọc độc và ác độc; loại không có nọc độc không có ác độc. Này các Tỳ-kheo, có bốn loại rắn độc này.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, có bốn hạng người được ví dụ với các loại rắn này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Hạng người có nọc độc nhưng không ác độc; hạng người ác độc nhưng không nọc độc; hạng người có nọc độc có ác độc; hạng người không có nọc độc, không có ác độc.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người có nọc độc, nhưng không ác độc?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ, nhưng phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Như vậy là hạng người có nọc độc nhưng không ác độc. Ví như, này các Tỳ-kheo, loại rắn có nọc độc nhưng không ác độc ấy, Ta nói rằng, này các Tỳ-kheo, hạng người này giống như ví dụ ấy.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người có ác độc, nhưng không có nọc độc?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người không mau phẫn nộ, nhưng phẫn nộ tồn tại lâu dài. Như vậy là hạng người có ác độc, nhưng không có nọc độc…giống như ví dụ ấy.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người có nọc độc và có ác độc?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người rất mau phẫn nộ và phẫn nộ tồn tại lâu dài. Như vậy, là hạng người có nọc độc và có ác độc…giống như ví dụ ấy.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người không có nọc độc và không có ác độc?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, có hạng người không mau phẫn nộ và phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là hạng người không có nọc độc và không có ác độc. Ví như, này các Tỳ-kheo, loại rắn không có nọc độc, không có ác độc ấy, Ta nói rằng, hạng người này giống như ví dụ ấy.
Có bốn hạng người này, này các Tỳ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.
Bình giải:
Thông thường trong kinh điển Phật dạy, hình tượng con rắn được xem như là phiền não và cụ thể trong bài kinh này là thí dụ cho phiền não Sân hận.
– Hạng người thứ nhất: mau giận nhưng không để bụng, Phật ví như loại rắn tuy có nọc độc nhưng không ác độc hại người. Loại người này chúng ta thường gặp ở đời, họ rất nóng nhưng cũng mau nguội, đa phần là những người bộc trực, ăn ngay nói thẳng, thấy sao nói vậy, thậm chí bốp chát. Cho nên, cũng dễ mích lòng mọi người. Nếu bị xúc phạm họ phản ứng liền và sẵn sàng tha thứ cho dù đối phương có xin lỗi hay không. Tuy nhiên họ không có tâm hiểm độc “ghim” lấy để trả thù. Kể ra loại người này cũng có thể “chơi được”.
– Hạng người thứ hai: không mau giận, nhưng giận thì rất lâu, nhớ mãi không quên, Phật ví như loại rắn có ác độc nhưng không có nọc độc. Loại người này nặng lòng cố chấp, hoặc không tha thứ buông xả thậm chí ngay cả chính mình. Nếu bị xúc phạm có thể tức thì họ tỏ vẻ không chấp nhứt, nhưng sau đó thì ôm lòng oán hận mãi không thôi và ngấm ngầm tìm cách trả thù. Hạng người này “khó xài”.
– Hạng người thứ ba: mau giận, lâu quên, Phật ví như loại rắn có nọc độc, và có ác độc. Loại người này khỏi cần bàn, thật “khủng khiếp”.
– Hạng người thứ tư: không mau giận, không để bụng, Phật ví như loại rắn không có nọc độc, không có ác độc. Loại người này quả ư là tuyệt vời, đến với họ chỉ thấy sự an ổn trong tâm hồn. Họ là những bậc Thánh nhân, Hiền triết biết chịu đựng và đem đến sự bình yên không sợ hãi tuyệt đối cho mọi người. Nên “gần gũi”.
Chúng ta phải học tập theo lời dạy của Phật, thực hành dần theo hạnh Từ, Bi, Hỉ, Xả để đoạn trừ tâm sân hận, nếu chưa được làm loại rắn thứ tư, chí ít cũng phải làm loại thứ nhất; và giả sử có gặp phải loại rắn thứ hai, ba nếu chưa đủ tài năng “bắt rắn” thì nên tránh xa là tốt nhất.
*Trích từ Kinh Tăng chi Bộ 2, Chương Bốn pháp, Phẩm Mây Mưa XI trang 23, bản dịch Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành 1996.
Để lại một bình luận