Bạn cảm thấy vui mừng, hào hứng với công việc mới. Bởi vì, bạn được trả lương cao, cách bố trí văn phòng thoải mái và môi trường làm việc tốt. Tuy nhiên, khi bạn thực sự bắt đầu công việc mới tại công ty, bạn nhận ra rằng bạn phải đối mặt với một vị sếp làm việc vô tổ chức.
Sếp không có kế hoạch làm việc cụ thể cho bạn trong một vài ngày/tuần đầu. Sếp không hướng dẫn cho bạn về thông tin của dự án mà bạn sẽ tham gia. Sếp không thể tìm thấy những giấy tờ mà ông/bà ta cần bạn ký hoặc gửi fax đi. Sếp không hề giới thiệu bạn với những người đồng nghiệp trong công ty. Bạn băn khoăn không biết phải làm việc như thế nào với một người sếp như vậy?
Không phải lo lắng gì vì điều đó. Hãy tham khảo những “bí kíp” dưới đây để giúp bạn luôn giữ được sự nhiệt tình và thực hiện tốt công việc
Khởi động từ từ
“Hầu hết những người quản lý vô tổ chức đều biết rõ tính cách này của họ”, nhà tư vấn về việc làm Clay Nelson cho hay. “Do vậy, bạn không nên bắt đầu thay đổi hoặc chuyển mọi thứ theo ý bạn khi vừa bắt đầu vào làm tại công ty. Bạn cần phải tìm ra cách hoà hợp với sếp, tìm hiểu những điều sếp đang nghĩ. Sau đó, dần dần thay đổi mọi thứ và đảm bảo những điều bạn làm được sự đồng ý của sếp”.
Tìm hiểu kỹ lưỡng
Nhà tư vấn Liz Bywater lại cho rằng bạn nên tìm hiểu kỹ mọi điều xung quanh sếp và bạn trước khi cải tổ sếp mình. “Hãy gặp gỡ những người cùng làm việc với sếp hoặc đồng nghiệp xung quanh sếp ”. Hoặc tốt nhất bạn có thể gặp người mà đã từng làm vị trí của bạn cũng như là đồng nghiệp xung quanh để tham khảo các ý kiến của họ về sếp của ban.
Quan tâm đến sếp
“Hãy luôn để ý những cử chỉ, hành động của sếp khi sếp tức giận hoặc vui vẻ để bạn có thể nắm bắt được thời điểm thích hợp đưa ra các ý tưởng thay đổi mọi thứ cho sếp”, Laura Leist, đồng tác giả của cuốn sách Eliminate Chaos, chủ tịch và đồng sáng lập của công ty Seatle gợi ý.
Bước đầu, Leist khuyên bạn nên sắp xếp, tổ chức lại đống hồ sơ cho sếp. Hãy thể hiện cho sếp biết rằng sự sắp xếp của bạn là hữu ích cho sếp và bạn làm mọi sự thay đổi là vì sự hiệu quả của công việc.
Thiết lập mạng lưới
Jeanne Hurlbert, giáo sư ngành xã hội học tại trường đại học Louisiana và là chủ tịch của Optinet Resources ở Baton Rouge, Louisiana cho rằng bạn nên thiết lập một mạng lưới ủng hộ bạn ở công ty: “khi sếp là một người vô tổ chức, nhân viên mới cần phải tạo một mối quan hệ tốt với tất cả đồng nghiệp trong công ty”. Do đó, khi bạn và sếp có chuyện gì xảy ra thì vẫn có những người đồng nghiệp thông cảm và hiểu bạn.
Những điều mà nhân viên mới không nên làm đó là nói xấu về sếp hoặc nghĩ rằng lấy đem những chuyện xấu của sếp kể cho mọi người để xây dựng mối quan hệ với họ, làm như vậy chính là bạn đang hại bạn, bà Hurlbert cho biết thêm.
Dẫn dắt
Bill Bliesath làm việc tại Studio City, một người có khả năng tổ chức tốt khuyên bạn rằng bạn phải là người biết tổ chức mọi việc thì bạn mới có thể thay đổi được sếp. “Khi bạn có vấn đề muốn hỏi về trách nhiệm công việc của bạn hoặc vấn đề của dự án, hãy trình bày những vấn đề theo trật tự, chủ đề một cách trôi chảy và không cần sếp phải trả lời quá nhiều, ví dụ bạn có thể đặt những câu hỏi nghi vấn và sếp bạn chỉ cần trả lời “có” hoặc “không”. Bliesath cho biết thêm “Bởi vì những người không có tổ chức thường có xu hướng mất tập trung một cách dễ dàng nếu như người đối thoại đưa ra những câu hỏi chung chung hoặc không giới hạn vấn đề. Vì vậy, nếu bạn muốn sếp tập trung vào vấn đề thì bạn phải biết cách “lái” cuộc nói chuyện theo đúng chủ đề”.
Để lại một bình luận